Theo đó, trao đổi với Reatimes, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA) cho biết, Thông tư 13 vừa được ban hành đã được HoREA nghiên cứu và cho ý kiến từ khi Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến sửa đổ, bổ sung một số điều tại Thông tư 07/2015/TT-NHNN ngày 25/06/2015 quy định về bảo lãnh ngân hàng.
Theo ông Châu, Thông tư này đã khắc phục được một số quy định chưa thật cụ thể của Thông tư 07/2015/TT-NHNN mà có thể bị vận dụng tùy tiện hoặc chưa đảm bảo thật chắc chắn quyền lợi của người mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Cụ thể, tại khoản (4.d) quy định "Ngân hàng thương mại phát hành cam kết bảo lãnh cho từng bên mua: i) Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng mua, thuê mua nhà ở, trong đó có quy định nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác cho bên mua khi đến thời hạn giao, nhận nhà đã cam kết nhưng chủ đầu tư không bàn giao nhà ở cho bên mua, chủ đầu tư phải gửi cho ngân hàng thương mại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở; (ii) Trên cơ sở hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hợp đồng mua, thuê mua nhà ở, ngân hàng thương mại phát hành cam kết bảo lãnh cho bên mua; (iii) Cam kết bảo lãnh được phát hành dưới hình thức thư bảo lãnh theo quy định tại điểm a khoản 12 Điều 3 và Điều 15 Thông tư này cho từng bên mua; (iv) Thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh được xác định kể từ ngày phát hành cho đến thời điểm ít nhất sau 30 ngày kể từ thời hạn giao, nhận nhà dự kiến quy định tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở".
“Đây là các quy định rất mới giúp cho bên mua, bên thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai yên tâm hơn, vì trước đây chỉ nhận được bản photo thư bảo lãnh của ngân hàng cấp cho chủ đầu tư”, ông Châu nói.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành nhận định, với quy định này, nếu xét về độ an tâm khi mua nhà ở dự án, việc có ngân hàng bảo lãnh sẽ đảm bảo hơn so với việc người mua tự “đánh cược” vào chủ đầu tư như hiện nay.
Tuy nhiên, việc có ngân hàng đứng ra bảo lãnh như vậy chắc chắn sẽ mất phí. Phí này cũng không ít, có thể 2-3%; thậm chí 5%. Việc bảo lãnh 1-2% trong BĐS là rất khó. Hơn nữa, khi mất phí, tất cả đều sẽ được tính vào đầu khách hàng. Vì thế, có thể chủ đầu tư sẽ đưa ra hai giải pháp: Nếu ai muốn bảo lãnh thì sẽ phải mất phí và ngược lại.
“Nói chung, nó cũng là một loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Chẳng ai muốn mình bị thương tật, tai nạn nhưng nếu rủi ro có tai nạn thì có người bảo lãnh cũng tốt và tạo niềm tin cho khách hàng”, ông Đực nói.
Mặc dù đánh giá việc có ngân hàng thương mại đứng ra bảo lãnh cho khách hàng là tốt, tuy nhiên, ông Đực cho rằng, tùy theo doanh nghiệp, từng loại khách hàng, người ta muốn hay không là quyền của người mua nhà chứ không nên ép mà chỉ nên có tính chất khuyến cáo khách hàng nên mua nhà có bảo lãnh.
“Tôi cho rằng, chỉ nên dừng lại ở việc khuyến cáo thôi, còn có nghe hay không là do họ, chứ không thể bắt người dân phải bảo lãnh để tốn thêm một loại phí”, ông Đực nói.