Đến nay, đã gần 2 năm trôi qua, nhưng tài sản phát mãi của BIDV Phú Tài vẫn trong tình trạng “đứng im bất động”. Mới đây, BIDV Phú Tài ra giá khởi điểm đấu giá cho khoản nợ này là các tài sản thế chấp bất động sản với mức 800 tỷ đồng, giảm 1.935 tỷ đồng so với tổng nợ gốc, lãi và giảm hơn 50% so với giá khởi điểm vào hồi tháng 8/2018 ở mức 1.208 tỷ đồng. Nhưng đến hiện tại, khối tài sản này vẫn chưa tìm được chủ nhân. Trước đó, khoản nợ của Công ty CP Thuận Thảo đã từng được rao bán lên tới chục lần.
Khoản nợ của Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn tại BIDV Phú Tài lên tới tổng dư nợ 462 tỷ đồng, gồm 230 tỷ đồng nợ gốc và 232 tỷ đồng dư nợ lãi. Gói nợ của 95 khách hàng cá nhân khác có tổng dư nợ 2.273 tỷ đồng, gồm 978 tỷ đồng dư nợ gốc và 1.295 tỷ đồng dư nợ lãi. 3 khối bất động sản được thế chấp nằm tại Bình Chánh và phường Bến Nghé, quận 1 (TP.HCM) cùng 5,2 triệu cổ phiếu của Công ty CP Thuận Thảo.
Trong khi đó, ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng đang chật vật rao bán 7 tài sản bất động sản. Giá trị của khối tài sản này dao động từ vài tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng. Một số tài sản nhà ở dân cư được SCB rao bán với mức giá 2,2 - 35 tỷ đồng. Trong đó, kho Phước Sơn tại TP. Thuận An (tỉnh Bình Dương) được rao bán với mức giá 830 tỷ đồng.
Vào tháng 6/2020, Ocean Bank cũng tiếp tục rao bán đấu giá khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Phát triển Việt Hiền. Đây là lần thứ 4 ngân hàng này phải đấu giá khoản nợ xấu của Công ty Việt Hiền. Trước đó, ngày 7/5/2019, Ocean Bank từng đấu giá khoản nợ trên với mức khởi điểm hiện tại cao hơn khá nhiều, 239 tỷ đồng.
LienVietPostBank nằm trong danh sách các ngân hàng phải rao bán nhiều khoản nợ và đấu giá tài sản thế chấp cho khoản vay với giá rao bán từ vài trăm triệu đồng đến hàng trăm tỷ đồng. Khoản nợ đáng chú ý của LienVietPostBank là quyền thu phí phát sinh tại dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn 1), theo hình thức BOT. Theo đó, chỉ tính đến đầu tháng 4/2019, khoản nợ này có dư nợ gốc là hơn 435 tỷ đồng và lãi quá hạn trên 21,9 tỷ đồng.
Các chuyên gia cho rằng, tình trạng phát mãi tài sản bất động sản của các doanh nghiệp đang cảnh báo những rủi ro lớn cho thị trường bất động sản.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc ngân hàng phát mãi tài sản bất động sản cho thấy, hệ thống nhà băng đã chủ động trong việc ứng phó với khoản nợ xấu. Phát mãi tài sản là cách để cơ cấu lại khoản nợ xấu, giảm rủi ro cho toàn hệ thống.
Tuy nhiên, ở góc độ nhìn nhận khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tín hiệu phát mãi tài sản bất động sản đang cảnh báo nhà băng về dấu hiệu thiếu tươi sáng trong thời gian tới. Những khoản tài sản đã phát mãi nhiều lần nhưng không thành công là tín hiệu cho thấy, thị trường địa ốc đang đứng trước rủi ro. Nếu trường hợp ngân hàng không xử lý được các khoản nợ xấu, nguy cơ đổ vỡ có thể sẽ xảy ra.