Hai ngân hàng cùng rao bán nợ hàng nghìn tỷ của chủ đầu tư siêu dự án Kenton Node
Theo thông báo từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ngân hàng sẽ bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên, với giá khởi điểm là 4.419 tỷ đồng. Tại lần đấu giá này, BIDV đưa ra mức khởi điểm cho khoản nợ của Công ty Tài Nguyên là 4.419 tỷ đồng.
So với hồi tháng 8/2024, giá khởi điểm giảm khoảng 1.300 tỷ đồng (giá khởi điểm hồi tháng 8 là 5.720 tỷ đồng). Giá khởi điểm không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản, phí đăng ký, tiền án phí cùng với các chi phí liên quan đến các vụ án tranh chấp và các chi phí khác khi thực hiện mua khoản nợ. Đây là lần thứ 8 trong năm 2024 mà BIDV thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng sản xuất thương mại Tài Nguyên.
Tổng dư nợ của Tài Nguyên tại BIDV tính đến ngày 26/7/2024 là 5.720 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 2.506 tỷ đồng và dư nợ lãi 3.214,5 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Khu dân cư Phước Nguyên Hưng (nay là dự án Kenton Node), xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh. Đáng nói, tài sản này cũng được đồng thế chấp tại BIDV, MSB, PVCombank (BIDV chiếm 58% giá trị). Giá trị định giá tài sản là 7.836,7 tỷ đồng, trong đó giá trị tài sản bảo đảm được phân chia, hạch toán tại BIDV là 4.545 tỷ đồng.
Ngoài ra, tài sản bảo đảm còn có các quyền tài sản của mỏ đá thuộc xã Hòa Thạch và Phú Mãn, Huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội với giá trị định giá lần đầu là 885.5 tỷ đồng. Công ty Tài Nguyên có trụ sở tại số 10 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Người đại diện theo pháp luật là Chủ tịch HĐTV Vũ Anh Tâm.
Liên quan đến khoản nợ này, BIDV đã khởi kiện Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên tại Tòa án nhân dân quận 1, TP.HCM theo đơn khởi kiện số 354/BIDV.SGD2-KHDN4 ngày 22/2/2022. Tòa án nhân dân quận 1 đã có thông báo về việc thụ lý vụ án số 43/TB-TLVA ngày 21/3/2022 về việc "Tranh chấp hợp đồng tín dụng". BIDV đã thực hiện nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí tòa án vào ngày 21/3/2022 với số tiền là gần 2,4 tỷ đồng.
Ngày 23/4/2024, Tòa án nhân nhân quận 1 đã có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 77/2024/QĐST-KDTM ngày 23/4/2024. Theo đó, tạm đình chỉ gải quyết vụ án kinh doanh thương mại sơ thẩm thụ lý số: 43/2022/TLST-KDTM ngày 21/3/2022, về việc "tranh chấp hợp đồng tín dụng" giữa nguyên đơn là BIDV và bị đơn là Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đã ra thông báo chào bán khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên, phát sinh từ nghiệp vụ cho vay tín dụng và trái phiếu với giá bằng giá trị tổng khoản nợ. Theo đó, tính đến ngày 6/11, tổng dư nợ tạm tính của Công ty Tài Nguyên tại MSB là hơn 1.140 tỷ đồng, trong đó nợ gốc hơn 296 tỷ đồng và phần còn lại là lãi, lãi phạt hơn 845 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm được thế chấp cho MSB là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án khu dân cư Phước Nguyên Hưng - Kenton Node ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Ngoài ra, tài sản được thế chấp riêng cho MSB còn có 11,33 triệu cổ phiếu CTCP Xây dựng Sản xuất Thương mại Hà Tây, cùng 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất thuộc dự án Kenton Node.
Siêu dự án tỷ đô hoang phế hơn thập kỷ tại TP.HCM đã đổi chủ ?
Dự án của Công ty Tài Nguyên thuộc dự án tạo quỹ đất đô thị cho Thành phố, dọc đường Nguyễn Hữu Thọ thuộc xã Phước Kiển và xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè có tên thương mại là Kenton Node. Dự án Kenton Node có tên gọi trước kia là Kenton Residence, từng được mệnh danh là "thiên đường nhiệt đới" tại khu Nam Sài Gòn.
Dự án có tổng diện tích 9,1ha với 3 phân khu, 9 block với 1.640 căn hộ. Năm 2002, dự án Kenton Residence bắt đầu động thổ và được mở bán vào năm 2009. Sau thời gian "trùm mền", đến năm 2017, Kenton Residence bất ngờ được tái khởi động và đổi tên thành Kenton Node.
Vào thời điểm này, dự án được công bố có tổng vốn hơn một tỷ USD với nhiều hạng mục công trình như căn hộ ở, khách sạn, trung tâm dịch vụ, nhà hát, trường học, phòng khám quốc tế....
Ông Vũ Anh Tâm - người sáng lập Công ty Tài Nguyên cho hay, doanh nghiệp ký kết bổ sung hơn 1.060 tỷ đồng từ BIDV, MSB để hồi sinh.
Sau khi điều chỉnh quy hoạch, Kenton Node có diện tích 10,8 ha, có 9 tòa nhà với 16 tháp, là tổ hợp gồm căn hộ ở, căn hộ lưu trú, khách sạn, trung tâm mua sắm, trung tâm dịch vụ ăn uống giải trí, nhà hát biểu diễn và trường học, phòng khám quốc tế.
Show nhạc nước lớn nhất Việt Nam - được đầu tư chi phí sản xuất lên đến 3 triệu USD là một trong những tiện ích được chủ đầu tư quảng bá rầm rộ cho lần tái sinh của dự án. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi công bố tái khởi động, vào năm 2018, dự án lại một lần nữa đình trệ.
Đến ngày 22/2/2022, sau nhiều năm "đắp chiếu", dự án Kenton Node được Tập đoàn Novaland và Công ty Tài Nguyên tái khởi động với tên mới là Grand Sentosa. Trong sự kiện này, người được giới thiệu với chức danh Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển Bất động sản Tài Nguyên là ông Phan Quang Chất.
TP.HCM "quên" tính tiền sử dụng đất bổ sung tại dự án
Tại văn bản số 127/TB-TTTP-P3 thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng đất được thu hồi tại dự án tạo quỹ đất đô thị cho Thành phố, dọc đường Nguyễn Hữu Thọ thuộc xã Phước Kiển và xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, theo Thanh tra TP.HCM, dự án đã tăng hệ số sử dụng đất từ 5,17 lên 7,24, nhưng chưa yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung.
Cụ thể, dự án do Công ty Tài Nguyên làm chủ đầu tư đã có sự điều chỉnh quy hoạch cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo Quyết định số 3164/QĐ-UBND ngày 21/6/2016 của UBND TP.HCM. Theo đó, dự án đã tăng hệ số sử dụng đất từ 5,17 lên 7,24, nhưng chưa yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung.
"Theo quy định hiện hành, Sở Tài nguyên và Môi trường cần xem xét về nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có) mà chủ đầu tư phải thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư 76/2014/TT-BC ngày 16/6/2014 hướng dẫn thu tiền sử dụng đất khi thay đổi quy hoạch xây dựng chi tiết", kết luận nêu rõ.
Về việc quản lý, sử dụng đất được thu hồi tại dự án này, kết luận cũng cho biết, Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố cập nhật biến động chuyển quyền sử dụng đất 2,55ha (trong đó có một phần phân khu số 6) thuộc một phần Dự án Khu dân cư Phước Nguyên Hưng từ Công ty Tài nguyên sang Công ty Hoàng Nguyên năm 2008, trước khi UBND TP.HCM có quyết định số 3414/QĐ-UBND ngày 9/8/2010 cho phép chuyển nhượng một phần. Điều này là chưa đúng quy định tại khoản 8 Điều 2 Nghị định số 17/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
Từ kết luận thanh tra, Thanh tra TP.HCM đã kiến nghị Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo. Ngày 31/7/2023, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi có nhiều nội dung chỉ đạo tại văn bản số 3703/UBND-ĐT, về việc thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng đất được thu hồi tại Dự án tạo quỹ đất đô thị cho Thành phố, dọc đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè./.