Theo Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 vừa được Chính phủ ban hành, Thủ tướng đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%, tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu (gồm nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC hiện chưa xử lý được và các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu) dưới 5%.
Việc đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng năm 2019 xuống dưới 2% không khó, bởi theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến hết tháng 6/2018 là 2,09%. Cuối năm 2017, tỷ lệ nợ xấu nội bảng thậm chí còn dưới 2%, đạt 1,99%.
Tuy nhiên, việc đưa tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu (tạm gọi là "nợ xấu thực tế") xuống dưới 5% không hề đơn giản. Tính đến tháng 6/2018, tỷ lệ nợ xấu thực tế là 6,7%, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước. Tính ra, lượng nợ xấu thực tế tại thời điểm đó là khoảng 457.000 tỷ đồng.
Giả định tăng trưởng tín dụng năm 2018 là 15,5% (như ước tính của Ngân hàng Nhà nước), tăng trưởng tín dụng năm 2019 là 15% thì dư nợ tín dụng đến cuối năm 2019 là khoảng 8,3 triệu tỷ đồng. Tính toán cho thấy, để giảm tỷ lệ nợ xấu thực tế xuống dưới 5% thì nợ xấu thực tế cuối năm 2019 phải ở mức dưới 420.000 tỷ đồng.
Như vậy, nợ xấu thực tế phải giảm ròng ít nhất 37.000 tỷ đồng sau một năm rưỡi. Thực tế, nợ xấu song hành cùng tăng trưởng tín dụng, vì vậy việc giảm ròng nợ xấu đã khó, giảm tới 37.000 tỷ đồng thì còn khó khăn hơn.
Xử lý nợ xấu về cơ bản có 3 cách: sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng, thu nợ từ khách hàng và bán phát mại tài sản. Với nợ xấu tồn đọng, phương án thu nợ từ khách hàng kém khả thi hơn, trong khi đó phương án bán phát mại tài sản dù rất tốt trên lý thuyết, nhất là khi được hỗ trợ bởi Nghị quyết 42 nhưng trên thực tế, chỉ 3% nợ xấu năm 2018 được xử lý theo cách này, theo số liệu từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
Đồng nghĩa để giảm nợ xấu, đặc biệt là nợ xấu tồn đọng, phương án sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng là khả thi nhất. Đây cũng là cách truyền thống, xử lý trên 50% nợ xấu năm 2018.
Tuy nhiên, cách này sẽ "bào mòn" nguồn vốn của ngân hàng. Trong nhiều trường hợp, nếu không có nguồn vốn bổ sung từ bên ngoài, ngân hàng buộc phải hy sinh lợi nhuận. Đã có ngân hàng đưa ra lựa chọn, như VietinBank chấp nhận giảm lợi nhuận, trong khi BIDV đã làm điều này 2 năm nay, đồng thời trông chờ vào thương vụ bán vốn cho nước ngoài.
Năm 2019, bên cạnh áp lực đưa tỷ lệ nợ xấu thực tế về dưới 5%, việc chuẩn bị đủ nguồn vốn để đáp ứng chuẩn Basel II cũng đè nặng lên các ngân hàng. Vấn đề là xử lý nợ xấu mạnh tay sẽ "ngốn" nhiều nguồn lực tài chính, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu đáp ứng chuẩn về vốn của Basel II.
Đối với các ngân hàng đang có tỷ lệ nợ xấu thực tế cao, năm 2019 sẽ là năm chịu áp lực kép. Lợi nhuận ngân hàng năm 2019 theo đó có thể sẽ phân hóa mạnh hơn năm 2018.