Chính thức điều chỉnh chính sách cho vay ngoại tệ từ 2019
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc ban hành Thông tư nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, từng bước thực hiện lộ trình chuyển dần quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ.
Thông tư 42 nêu rõ việc cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. Quy định này thực hiện đến hết ngày 31 tháng 03 năm 2019.
Cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay;
Cho vay trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. Quy định này thực hiện đến hết ngày 30 tháng 09 năm 2019.
Ngoài ra Thông tư còn quy định cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.
Khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay, trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền thanh toán phải bằng ngoại tệ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.
Ngân hàng đủ điều kiện “ghìm cương” lãi suất
Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS) trong năm 2019, NHNN hoàn toàn có đủ điều kiện chủ động trong việc điều hành tỷ giá linh hoạt trong biên độ an toàn nhờ nguồn cung USD dồi dào và cân đối vĩ mô ổn định.
Hiện nay, trên thị trường Ngân hàng Nhà nước vẫn quy định mức lãi suất 0% đối với tiền gửi USD cho cả khách hàng cá nhân và tổ chức. Trong khi đó, lãi suất huy động VND vẫn được giữ ổn định kể từ đầu năm.
Mức chênh lệch lãi suất tiền gửi USD và VND ở mức khá cao trong bối cảnh lạm phát duy trì ở hợp lý khiến người dân có xu hướng bán USD và nắm giữ VND. Đây cũng là điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước có thêm nhiều dư địa để duy trì mức tỷ giá VND/USD hợp lý.
Bên cạnh đó, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư 7,2 tỷ USD trong năm 2018 cũng tạo thêm dư địa cho ổn định tỷ giá tại Việt Nam.
Năm 2019, MBS cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ tăng nhẹ tỷ giá VND/USD khoảng 1,5 - 2% nhằm cân đối hai mục tiêu là ổn định vĩ mô và hỗ trợ xuất khẩu.
Cùng với đó, năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã ra nhiều văn bản điều hành chỉ đạo các Tổ chức tín dụng kiểm soát chặt tốc độ và chất lượng tín dụng hệ thống.
Theo MBS, năm 2019 định hướng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ tiếp tục mang tính thận trọng như trong nửa cuối năm 2018. Thông điệp xuyên suốt được đưa ra là ổn định mặt bằng lãi suất thay vì hạ mặt bằng lãi suất. Tăng trưởng tín dụng cũng được định hướng ở mức dưới 15% thấp hơn năm 2017 và 2018. Tăng trưởng cung tiền được định hướng ở mức 14 - 15% thấp hơn năm 2017 và 2018.
Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung hạn và dài hạn của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là kể từ 1/1/2019 trở đi sẽ giảm xuống còn 40%. MBS nhìn nhận, quy định này cũng sẽ khiến áp lực huy động của các Ngân hàng thương mại tăng lên và làm giảm khả năng tăng trưởng tín dụng của các Ngân hàng thương mại.
Về tổng thể, mặt bằng lãi suất huy động cuối năm 2018 tăng nhẹ 0,1 - 0,3% tùy kỳ hạn và tùy Ngân hàng thương mại so với cuối năm 2017.
Hiện, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,5-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,5-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,6-7,3%/năm. Lãi suất cho vay hiện phổ biến khoảng 6 -9%/năm đối với ngắn hạn, 9 -11% đối với trung và dài hạn.
"Xu hướng giảm mặt bằng lãi suất nhiều khả năng đã kết thúc khi áp lực lạm phát tăng lên, tuy nhiên khả năng lãi suất tăng mạnh trong năm 2019 cũng không cao do thanh khoản hệ thống dồi dào và Ngân hàng Nhà nước hạn chế tăng trưởng tín dụng", MBS nêu quan điểm.