Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào đầu tháng 8/2019, trước thắc mắc Techcombank đang rót vốn mạnh vào bất động sản - lĩnh vực có rủi ro khó lường, ông Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank cho rằng, không có lĩnh vực tín dụng nào là không chứa đựng rủi ro nếu ngân hàng không kiểm soát được chất lượng tín dụng, chứ không riêng bất động sản.
Chia sẻ về tình hình dư nợ lĩnh vực này, ông Quốc Anh cho biết, tính đến tháng 6/2019, dư nợ cho bất động sản của Techcombank là hơn 93.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ cho vay mua nhà để của nhóm khách hàng bán lẻ khoảng 62.000 tỷ đồng, tăng 1,9 lần kể từ năm 2016.
“Mặc dù tốc độ cho vay mua nhà tăng nhanh, nhưng tài sản của nhóm khách hàng bán lẻ tại Techcombank cũng tăng 3,9 lần kể từ năm 2016 đến tháng 6/2019, đạt hơn 19.500 tỷ đồng, bao gồm các khoản gửi tiết kiệm, các trái phiếu đầu tư…
Cùng với đó, doanh thu từ nhóm khách hàng này tăng trưởng 48% kể từ năm 2016, doanh thu bán chéo tiếp tục tăng trưởng ổn định”, ông Quốc Anh nói và cho biết thêm, cho vay mua nhà ở là 1 trong 6 lĩnh vực trọng tâm mà Techcombank hướng đến trong mảng bán lẻ, bên cạnh vay mua ô tô, vay đáp ứng nhu cầu tài chính...
Theo báo cáo tài chính quý II/2019 của Sacombank, tính đến 30/6/2019, tổng tài sản đạt hơn 439.000 tỷ đồng, tăng 8,1% so với đầu năm; dư nợ cho vay khách hàng tăng 10,2% lên hơn 279.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo Sacombank cho biết, danh mục cho vay được cơ cấu theo hướng giảm cho vay kinh doanh bất động sản, tăng cho vay sản xuất - kinh doanh, phát triển tín dụng tiêu dùng, tín dụng xanh...
Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu đã giảm dần, từ mức 2,2% tổng dư nợ hồi đầu năm xuống 2,1% vào cuối quý I/2019 và 1,96% vào cuối quý II/2019. Ngân hàng đã xử lý được hơn 11.000 tỷ đồng nợ xấu trong 2 quý đầu năm và tính từ khi triển khai Ðề án tái cơ cấu đến nay, Sacombank đã thu hồi được gần 35.700 tỷ đồng nợ xấu.
“Trong bối cảnh tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng được cấp cũng không quá nhiều, nên Sacombank tập trung cho vay sản xuất - kinh doanh và với lĩnh vực bất động sản, vốn tín dụng chủ yếu dành cho cá nhân vay mua nhà. Dư nợ tín dụng cho vay mua nhà hiện chiếm trên dưới 10% tổng dư nợ của khối khách hàng cá nhân. Sacombank hạn chế cho vay đối với các chủ đầu tư dự án bất động sản”, lãnh đạo Sacombank nói.
Thông tin từ ACB cho biết, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2019 của Ngân hàng ước đạt 3.620 tỷ đồng, hoàn thành 49% kế hoạch năm. Room tín dụng của ACB đã được nâng từ 13% lên 17%. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng của ACB vẫn theo hướng thận trọng.
Chiến lược từ nay đến năm 2021, ACB sẽ nâng tổng số lượng tài khoản thanh toán lên gấp đôi, đạt khoảng 5 triệu tài khoản. ACB dự kiến, mảng bán lẻ sẽ đạt khoảng 130.000 tỷ đồng, tương đương hơn 50% tổng dư nợ. Trong đó, cho vay mua nhà, sửa nhà chiếm khoảng 35%, trong khi cho vay mua ô tô chiếm tỷ trọng không nhiều. Cho vay hộ kinh doanh chiếm khoảng 14% dư nợ.
“Tính đến 30/6/2019, tăng trưởng tín dụng của ACB ở mức 9% so với đầu năm . Tỷ lệ nợ xấu hiện tại là 0,7%. ACB hiện chỉ tập trung cho cá nhân vay mua nhà đối với các dự án có liên kết với Ngân hàng và cho vay mua nhà phố riêng lẻ, nói không với chủ đầu tư kinh doanh bất động sản.
Vì thế, dư nợ cho vay bất động chỉ ở mức thấp”, ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc ACB nhấn mạnh. Ðược biết, mức lãi suất cho vay mua nhà mới nhất tại ACB là từ 9,5%/năm trong 12 tháng đầu tiên, sau đó tăng lên 11,6%/năm.
Ðánh giá việc các ngân hàng đẩy mạnh cho cá nhân vay mua nhà, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho rằng, bất động sản là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhưng không có nghĩa ngân hàng phải hạn chế cho vay lĩnh vực này.
“Tín dụng bất động sản gồm 2 hình thức, một là cho vay trực tiếp các chủ đầu tư bất động sản, hai là cho vay tiêu dùng để mua bất động sản. Các ngân hàng kiểm soát rủi ro bằng cách lựa chọn dự án hiệu quả, chọn chủ đầu tư đủ năng lực mới xem xét cho vay. Việc tăng cho vay phục vụ người dân mua nhà, hạn chế cho vay trực tiếp đối với chủ đầu tư góp phần giúp tín dụng bất động sản tăng trưởng ở mức thấp trong quý đầu năm, đạt 3,24%”, ông Hùng phân tích.
Hiện NHNN đang lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó có một số nội dung như giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn xuống 30%; áp dụng hệ số rủi ro 150% đối với các khoản vay cá nhân dư nợ trên 3 tỷ đồng...
Ðộng thái này khiến nhiều người liên tưởng đến việc tín dụng bất động sản bị siết lại. Tuy nhiên, theo ông Hùng, định hướng của Chính phủ và NHNN là phải đảm bảo an toàn hệ thống. Do đó, việc hạn chế vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn không chỉ áp dụng với lĩnh vực bất động sản, mà với tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.