Chiều 7/8, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, chủ trì cuộc họp với đại diện Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Ngân hàng (NH) Nhà nước và các NH cung cấp tín dụng nhằm tháo gỡ các vướng mắc có liên quan đến hợp đồng tín dụng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Đã ký hợp đồng tín dụng nhưng chưa thể giải ngân
Phát biểu tại cuộc họp, ông Mai Mạnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết đến nay dự án còn nhiều khó khăn, vướng mắc, không đảm bảo yêu cầu tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Một trong những khó khăn là việc liên quan đến hợp đồng tín dụng đã ký kết trước đây. Theo đó, các NH hợp vốn cho dự án còn đưa ra nhiều yêu cầu mới chưa phù hợp với thực tế trong quá trình thẩm định cho vay vốn đối với dự án điều chỉnh nên nguồn vốn tín dụng chưa thể giải ngân.
Để đảm bảo tiến độ thông tuyến vào cuối năm 2020, phía chủ đầu tư đề nghị các NH tài trợ vốn, thống nhất cơ cấu nguồn vốn 12.668 tỷ đồng theo phương án tài chính đã được tỉnh Tiền Giang phê duyệt tại Quyết định số 2463/ QĐ- UBND ngày 2/8/2019. Đồng thời xem xét phụ lục hợp đồng dự án sau khi điều chỉnh dự án, khả năng ghi vốn và giải ngân vốn ngân sách của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như đề nghị của nhà đầu tư để xác định việc thu xếp cho vay, đồng thời tháo gỡ các điều kiện cho vay không phù hợp.
Nhà đầu tư cũng kiến nghị NH Nhà nước chỉ đạo NH đầu mối và các NH hợp vốn xác định khả năng tài trợ vốn, tháo gỡ các điều kiện vay vốn đã đưa ra, kịp thời bố trí nguồn vốn tín dụng cho dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng.
“Trường hợp đến ngày 30-10 dự án vẫn chưa được giải ngân vốn ngân sách nhà nước được bố trí 2.186 tỷ đồng, đồng thời NH vẫn chưa thẩm định xác định khả năng cho vay theo dự án được điều chỉnh đã phê duyệt, chúng tôi xin kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang báo cáo Thủ tướng cho tạm dừng dự án”, ông Hồng nói.
Ngân hàng cam kết tài trợ vốn
Phía đại diện NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, NH đầu mối) cho biết VietinBank rất quan tâm và cam kết đầu tư cho dự án. VietinBank đã chủ động mời các NH tham gia đồng tài trợ vốn cho dự án ký hợp đồng tín dụng với Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận từ tháng 6/2018. Tuy nhiên, các dự án tín dụng còn nhiều vướng mắc nên việc giải ngân chưa thể thực hiện.
“Sau khi Thủ tướng có kết luận chỉ đạo, phía VietinBank và các NH đồng tài trợ đã họp thống nhất và có văn bản gửi chủ đầu tư về việc tiếp tục cam kết tài trợ tín dụng cho dự án sau khi các điều kiện vay vốn đã đưa ra được tháo gỡ để dự án không bị gián đoạn”, đại diện VietinBank khẳng định.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NH Nhà nước Việt Nam, cho biết đây là dự án hết sức cấp bách, được Chính phủ rất quan tâm và 20 triệu dân ĐBSCL mong ngóng nhưng lại bị đình trệ 10 năm qua.
Để đảm bảo khơi thông nguồn vốn tín dụng cho dự án trong thời gian tới, phó thống đốc NH Nhà nước khẳng định: “Các NH thương mại hiện nay không thiếu vốn, nếu có thiếu thì NH Nhà nước sẵn sàng bù vốn đủ nhu cầu tín dụng cho doanh nghiệp vay đối với dự án. Tuy nhiên, việc vay vốn phải đảm bảo đúng quy định pháp luật”.
Theo ông Tú, trong quá trình xử lý việc cho vay vốn tín dụng, nếu NH có khó khăn, vướng mắc phải báo cáo ngay và NH Nhà nước sẵn sàng có phương án hỗ trợ không chỉ khi triển khai dự án mà cả cho đến khi dự án hoàn thành.
Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết từ khi nhận trách nhiệm là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cả hệ thống chính trị của tỉnh Tiền Giang rất quyết tâm làm hết trách nhiệm. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang, qua cuộc họp này, phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các bộ, ngành liên quan cùng phía chủ đầu tư, các NH cùng ngồi lại đàm phán để cùng nhau tháo gỡ các vướng mắc có liên quan đến hợp đồng tín dụng của dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang thông tin: Dự kiến trong ngày 10/8 tới đây, tỉnh sẽ tổ chức đàm phán và ký kết phụ lục hợp đồng BOT số 3 với Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và tiến hành kiểm tra, đôn đốc để thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt phương án tài chính tại Quyết định số 2463/QĐ-UBND ngày 2/8/2019. Tổng vốn đầu tư 12.668 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu (14.678 tỷ đồng) và tăng 3.000 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư dự án theo Quyết định 1700/QĐ-BGTVT ngày 15/6/2017 của Bộ GTVT.
Trong đó, vốn ngân sách hỗ trợ 2.186 tỷ đồng, vốn BOT 10.482 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư (vốn chủ sở hữu, vốn huy động khác) 2.787 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng 7.695 tỷ đồng.
Cũng theo phương án vừa được phê duyệt này, sau khi dự án hoàn thành đi vào khai thác, thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án là 14 năm tám tháng 12 ngày. Thời gian trả nợ ngân hàng là 12 năm ba tháng (không tính thời gian ân hạn).