Aa

Ngân hàng kiếm bộn nhờ trả lãi tiết kiệm siêu rẻ

Thứ Năm, 06/05/2021 - 11:00

Báo cáo tài chính quý I/2021 ghi nhận lợi nhuận kỷ lục của các nhà băng. Các ngân hàng chạy đua tăng tỷ trọng vốn rẻ, trong khi lãi suất cho vay giảm chậm khiến lợi nhuận càng bội thu.

Lợi nhuận cao kỷ lục

Hàng loạt ngân hàng vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2021 với lợi nhuận cao ngất ngưởng, cao hơn cả thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra. Quán quân lợi nhuận quý I/2021 là Vietcombank với lợi nhuận trước thuế vượt 8.600 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 47% so với quý I/2019 - khi dịch bệnh chưa xảy ra. Á quân lợi nhuận quý I/2021 là VietinBank với lợi nhuận trước thuế 8.060 tỷ đồng, tăng 171% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 160% so với cùng kỳ năm 2019.

Vietcombank giữ vị trí quán quân lợi nhuận quý I/2021, với lợi nhuận trước thuế vượt 8.600 tỷ đồng
Vietcombank giữ vị trí quán quân lợi nhuận quý I/2021, với lợi nhuận trước thuế vượt 8.600 tỷ đồng. (Ảnh: Đức Thanh)

Ở khối ngân hàng TMCP tư nhân, hàng loạt ngân hàng cũng ghi nhận mức lãi kỷ lục, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái: Techcombank đạt lợi nhuận 5.500 tỷ đồng, MB có lợi nhuận 4.600 tỷ đồng, VPBank hơn 4.000 tỷ đồng, VIB đạt lợi nhuận 1.800 tỷ đồng… Một số ngân hàng nhỏ khác cũng có mức tăng trưởng lợi nhuận 40 - 70%, thậm chí có ngân hàng như MSB tăng trưởng lợi nhuận gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, trong quý I/2021, có 19/27 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh (chiếm 60% vốn hóa của ngành) với lợi nhuận sau thuế tăng 86,7% so với cùng kỳ năm ngoái, dù tổng thu nhập hoạt động tăng thấp hơn rất nhiều (tăng 30,2%).

Theo thống kê của FiinGroup, tính riêng quý I/2021, các ngân hàng đã hoàn thành 31% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm. Mục tiêu của các ngân hàng là lợi nhuận sau thuế năm 2021 dự kiến tăng 24%.

Các chuyên gia phân tích từ FiinGroup cho rằng, mục tiêu này là không quá khó. Thông tư 03/2021/TT-NHNN về giãn thời gian cơ cấu nợ đã giúp các ngân hàng tránh cú sốc về lợi nhuận nhờ được phân bổ thời gian trích lập dự phòng trong 3 năm. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến các ngân hàng “bội thu” quý I/2021 là nhờ thu nhập từ lãi cũng như hoạt động dịch vụ tăng chóng mặt.

Bội thu nhờ lãi suất huy động rẻ

Nhìn vào cơ cấu thu nhập, có thể thấy, quý I/2021, các ngân hàng lãi lớn do ngày càng chi trả ít hơn cho người gửi tiết kiệm. Đơn cử, tại VietinBank, tín dụng quý I/2021 hầu như đứng im, tổng thu nhập từ lãi không tăng, song lợi nhuận từ cho vay lại tăng tới 26,4%. Nguyên nhân là trong kỳ, chi phí trả lãi tiền gửi cho khách hàng của VietinBank giảm tới 2.600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Vietcombank khi chi phí trả lãi quý I/2021 giảm tới gần 21%. Tại Techcombank, chi phí trả lãi tiền gửi, lãi tiền vay và các khoản tương tự trong quý I/2021 giảm 27% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tăng 16% khiến lợi nhuận tăng mạnh. Thậm chí, tại MSB, doanh thu từ hoạt động kinh doanh tín dụng chỉ tăng 7%, song giá vốn giảm tới 24% đã khiến thu nhập lãi thuần tăng tới 59%.

Như vậy, có thể thấy, ngân hàng lãi khủng quý I/2021 vẫn là nhờ ăn đậm chênh lệch lãi vay. Theo các chuyên gia phân tích, lãi suất huy động giảm mạnh, trong khi lãi suất cho vay giảm chậm khiến biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng cải thiện mạnh mẽ trong quý I/2021, cộng với chi phí hoạt động giảm khá mạnh giúp ngân hàng bội thu về lợi nhuận. Cụ thể, các ngân hàng báo lãi “khủng” nhờ biên lãi ròng NIM cải thiện, nguồn thu từ dịch vụ tăng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm. 

Chi phí huy động vốn ngày càng rẻ cho thấy ngân hàng “bất công” với người gửi tiền, song cũng phản ánh sự dư thừa thanh khoản hệ thống. Mặt khác, dịch vụ ngân hàng tốt lên khiến nhiều người dân lựa chọn gửi tiền không kỳ hạn, giúp các ngân hàng tận dụng được nguồn vốn rẻ khổng lồ.

Hiện nay, dẫn đầu về Tỷ lệ Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) là Techcombank với 46%. Ngân hàng này kỳ vọng nâng tỷ lệ CASA lên 55% vào năm 2025. Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank khẳng định, NIM của Techcombank cao không phải do lãi suất cho vay cao, mà là nhờ chi phí vốn rẻ. 

Tuy vậy, lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng cho rằng, người gửi tiền sẽ ngày càng thông minh hơn và ngân hàng không còn dễ dàng lấy được vốn rẻ từ người gửi tiền.

Ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB cho hay: “MB không hy vọng lấy được vốn rẻ khi đầu tư cũng như tiết kiệm của người dân ngày càng thông minh hơn. Trong tương lai, việc đầu tư thông minh của người dân sẽ thay đổi, các sản phẩm có cấu trúc phù hợp thời gian và hợp lý sẽ chiếm ưu thế hơn CASA thời gian tới”.

Dự phòng giảm mạnh, thu phí bảo hiểm tăng cao

Ngoài lợi nhuận tăng mạnh từ hoạt động cho vay, quý I/2021 cũng ghi nhận lãi thuần từ dịch vụ của nhiều ngân hàng tăng mạnh. Cao nhất và tăng mạnh nhất là Vietcombank. Lãi thuần từ dịch vụ trong quý I/2021 của ngân hàng này lên tới 3.437 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều khả năng là ghi nhận lợi nhuận từ hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với Tập đoàn FWD.

Nhiều ngân hàng khác cũng có mức tăng trưởng lợi nhuận của mảng dịch vụ rất lớn. Đơn cử, lãi thuần từ dịch vụ của MB trong quý I/2021 tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó lãi từ dịch vụ bảo hiểm chiếm hơn 70%, của Techcombank tăng 41%, VPBank tăng 42%,  VietinBank tăng 21%... Ngoài bảo hiểm, các lĩnh vực như thanh toán, bảo hiểm, tư vấn… là động lực tăng trưởng chính của mảng dịch vụ các ngân hàng.

Bên cạnh cải thiện nguồn thu từ lãi và dịch vụ, trích lập dự phòng rủi ro giảm rất mạnh cũng khiến lợi nhuận ngân hàng quý I/2021 được bảo toàn. Tại nhiều ngân hàng, mức tăng trích lập dự phòng quý I/2021 chỉ ở mức 5 - 10%, thay vì mức tăng 40 - 60% như năm ngoái, thậm chí nhiều ngân hàng còn giảm trích lập dự phòng.

Tại VietinBank, trích lập dự phòng rủi ro quý I/2021 giảm tới 69% so với cùng kỳ năm ngoái (giảm hơn 3.000 tỷ đồng) là yếu tố then chốt khiến Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận kỷ lục trong quý I.

Mặc dù lợi nhuận tăng mạnh, song cổ phiếu ngân hàng không tăng tương ứng. Từ đầu năm đến nay, dù kết quả kinh doanh tích cực, cổ phiếu nhiều ngân hàng như VCB, TPB, CTG, OCB… tăng khá chậm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top