Aa

Ngân hàng lại tăng huy động vốn, lãi suất đầu ra có bị ảnh hưởng?

Thứ Hai, 26/11/2018 - 02:01

Những ngày gần đây, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã nhích lên, có ngân hàng còn cộng tới 0,5% lãi suất cho người gửi tiền tiết kiệm. Không ít ý kiến lo ngại, việc tăng lãi suất đầu vào có tác động đến lãi vay?

Lãi suất cao nhất tại Techcombank là 7%/năm dành cho các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên và số tiền gửi từ 3 tỷ đồng trở lên. Ảnh: Nguồn Techcombank.

Lãi suất cao nhất tại Techcombank là 7%/năm dành cho các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên và số tiền gửi từ 3 tỷ đồng trở lên. Ảnh: Nguồn Techcombank.

So với biểu lãi suất trước đó, SHB hiện điều chỉnh lãi suất tăng thêm lên tới 0,6%/năm. Cụ thể: SHB đã tăng lãi suất tiền gửi VND lên tới 7,8%/năm với loại hình tiết kiệm bậc thang. Đối với kỳ hạn từ 6 -11 tháng, khách hàng gửi khoản tiền tiết kiệm dưới 2 tỷ đồng sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi 7,4%/năm; từ 2 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ và từ 5 tỷ đồng trở lên sẽ được hưởng lãi suất lần lượt là 7,5%/năm và 7,6%/năm. Đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất áp dụng cho số tiền gửi dưới 2 tỷ đồng là 7,6%/năm; từ 2 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng là 7,7%/năm và từ 5 tỷ đồng trở lên là 7,8%/năm.

Cùng với việc điều chỉnh tăng lãi suất nhằm thu hút khách hàng gửi tiền đối với các kỳ hạn trung - dài hạn, SHB cũng đã tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng.

Tại Techcombank, lãi suất huy động cũng được điều chỉnh tăng thêm khoảng 0,1-0,2%, trong đó kỳ hạn 1-2 tháng có lãi suất là 4,8%/năm, kỳ hạn từ 6-11 tháng có lãi suất là 6%/năm. Các kỳ hạn khác tại VPBank cũng được điều chỉnh tăng thêm 0,1 điểm % với mức lãi suất cao nhất hiện là 7,3%/năm. Hiện ngân hàng này áp dụng lãi suất 5,1 - 5,2%/năm cho kỳ hạn 1 tháng (tuỳ lượng tiền gửi), nếu gửi online còn được cộng thêm. Phía OCB cũng thay đổi biểu lãi suất theo hướng tăng 0,1 - 0,2 điểm phần trăm, với mức lãi suất cao nhất đang áp dụng là 7,7% cho kỳ hạn 36 tháng.

Trước lo ngại lãi suất cho vay có khả năng bị điều chỉnh do biến động của lãi suất huy động, TS Cấn Văn Lực cho rằng: Về cơ bản lãi suất đầu ra khó có thể tăng được bởi Chính phủ chỉ đạo và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết tâm cố gắng ổn định mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm.

“Khi ngân hàng tăng lãi suất đầu ra, doanh nghiệp thường sẽ có phản ứng nên các ngân hàng phải có những giải pháp thay thế để bù đắp khoản thiếu hụt này thay vì tăng lãi suất đầu ra. Để vẫn đạt được lợi nhuận như kỳ vọng, các ngân hàng nên tiếp tục quản lý chi phí tốt hơn, đa dạng hoá dịch vụ để tăng nguồn thu bù đắp thiếu hụt chi phí cho lãi suất hoặc đẩy mạnh hơn bán lẻ, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là những phân khúc giúp ngân hàng có biên lợi nhuận cao hơn”, TS Cấn Văn Lực nói.

Ngoài hỗ trợ thanh khoản của NHNN, bản thân các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đang cố gắng thực hiện các giải pháp để giữ mặt bằng lãi suất. Lãnh đạo một NHTMCP (giấu tên) cho biết: Mặc dù điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động nhưng ngân hàng không tăng lãi suất cho vay mà sẽ tiếp tục giữ ổn định từ nay đến cuối năm. Phía ngân hàng sẽ tiết giảm chi phí hoạt động khác để bù đắp vào khoản chi phí lãi suất huy động tăng.

Tuy nhiên, liên quan tới lãi suất cho vay, TS. Phan Minh Ngọc lại lo ngại: Những dấu hiệu cảnh báo một mặt bằng lãi suất năm nay và sang năm sau sẽ chỉ có thể gia tăng chứ khó có thể đứng yên hoặc giảm đi so với năm trước thực ra đã xuất hiện từ khá sớm.

Đó là việc NHNN đưa ra định hướng điều hành chính sách tiền tệ, trong đó có mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm nay ngay từ cuối năm trước. Theo đó, tăng trưởng tín dụng cả năm nay sẽ thấp hơn so với 2017 (16-17% hoặc thấp hơn).

Việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động trong dịp này là điều dễ hiểu bởi chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Khi nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế tăng, đặc biệt cuối năm. Việc tăng thêm lãi suất đầu vào sẽ giúp ngân hàng dễ dàng huy động vốn hơn. Ngoài áp lực vốn, lãi suất tăng thêm còn bắt nguồn chính nhu cầu của nhiều ngân hàng trong việc đáp ứng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Theo quy định của NHNN, từ đầu năm 2019, tỷ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ 45% (năm 2018) xuống 40%. Quyết định này bắt buộc các ngân hàng phải huy động nhiều vốn trung và dài hạn hơn để cho vay. Trước kia 45% của vốn ngắn hạn huy động cho vay trung và dài hạn thì bây giờ chỉ còn 40%.

Một nguyên nhân khiến lãi suất tiết kiệm tăng theo lý giải nhiều lãnh đạo ngân hàng là do ngân hàng bắt đầu phát hành trái phiếu dài hạn để tăng vốn cấp 2, đáp ứng yêu cầu an toàn vốn cũng như chuẩn mực Basel II trong thời gian tới. Với Basel, mọi rủi ro đều phải được lượng hóa bằng con số cụ thể và con số này sẽ chỉ ra rằng ngân hàng cần bao nhiêu vốn để có thể bù đắp được cho rủi ro.

Theo Tổng giám đốc SHB ông Nguyễn Văn Lê, nhu cầu vốn của khách hàng đang dần tăng trong những tháng cuối năm, không chỉ với doanh nghiệp mà cả khách hàng cá nhân cũng muốn vay để mua nhà, xe, tiêu dùng...Vì vậy, SHB đã chuẩn bị sẵn nguồn vốn tương đối dồi dào để cung ứng và chủ động phục vụ nhu cầu vốn tăng cao, nhu cầu vốn của khách hàng đang dần tăng trong những tháng cuối năm, không chỉ với doanh nghiệp mà cả khách hàng cá nhân cũng muốn vay để mua nhà, xe ô tô hoặc tiêu dùng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top