Aa

Thị trường vốn: Triển vọng trong dài hạn

Thứ Bảy, 24/11/2018 - 21:02

Năm 2018 đang dần khép lại, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam lần lượt trải qua những cung bậc thăng trầm. Song nhìn chung, trong dài hạn thị trường vốn được các nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng tăng trưởng và phát triển.

Từ 5 doanh nghiệp (DN) với quy mô vốn hóa 986 tỷ đồng ở thời điểm cuối năm 2000, đến tháng 9/2018, số lượng DN niêm yết đã tăng lên tới 748 DN, quy mô vốn hóa tính đến tháng 10/2018 đạt trên 2.656.000 tỷ đồng. Thị trường trái phiếu Chính phủ, trái phiếu DN cũng ghi nhận bước phát triển mới, vốn hóa thị trường đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng.

TTCK Việt Nam đang dần hoàn thiện khung khổ pháp lý

TTCK Việt Nam đang dần hoàn thiện khung khổ pháp lý

Từ đầu năm 2018 đến nay cũng ghi nhận sự bứt phá lợi nhuận từ nhóm cổ phiếu ở các ngành ngân hàng, chứng khoán, các công ty đầu ngành bất động sản, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, bán lẻ và một số lĩnh vực xuất khẩu… TTCK cũng góp phần tích cực thúc đẩy cổ phần hóa, cải cách đổi mới DN nhà nước, thoái vốn để tăng hàng hóa cho thị trường.

Tính đến hết tháng 9/2018 đã có 2,1 triệu tài khoản của nhà đầu tư được mở tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), trong đó có 27.146 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài. Riêng 8 tháng/2018, số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài được mở mới tại VSD lên đến 4.745 tài khoản tăng 40,1% so với năm 2017.

Bên cạnh đó, mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng của Morgan Stanley Capital International (MSCI) được xem là một trong những mục tiêu quan trọng. Để đạt được mục tiêu này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã và đang tiếp tục đưa ra các giải pháp về khung pháp lý, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các DN nhà nước gắn với niêm yết và đăng ký giao dịch, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu TTCK, nâng cao hiệu quả quản lý giám sát...

Việc đưa TTCK phái sinh vào hoạt động từ tháng 8/2017 cũng đã đánh dấu tiến trình hoàn chỉnh cấu trúc TTCK Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 5 có TTCK phái sinh trong khu vực ASEAN và là quốc gia thứ 42 trên thế giới có thị trường tài chính bậc cao này.

Đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho thấy, TTCK Việt Nam đã và đang nhạy cảm hơn đối với thị trường toàn cầu và các sự kiện quốc tế. So với các nước nằm trong nhóm thị trường mới nổi, hiện các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang khá tốt. Kể từ đầu năm 2018 đến nay, dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất song VNĐ chỉ mất giá khoảng 2,7% so với USD trong khi đồng tiền của các nước mới nổi khác như Lira (Thổ Nhĩ Kỳ) giảm 36,45%, Peso (Argentina) giảm 52,97% so với đầu năm 2018. Đây chính là yếu tố quan trọng để nhà đầu tư bỏ vốn vào thị trường.

Theo ông Jeffrey Goh - Giám đốc điều hành Tập đoàn Maybank Kim Eng - quá trình hội nhập khu vực và mở cửa thị trường đã và sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam về thu hút đầu tư nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp.

Ông Jeffrey Goh - Giám đốc điều hành Tập đoàn Maybank Kim Eng: Chính sách nới rộng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với các công ty đại chúng trên TTCK và việc hoàn thiện dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ giúp nhà đầu tư tự đánh giá được khả năng của thị trường.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top