Aa

Ngân hàng nào đang dẫn đầu CASA 9 tháng đầu năm?

Thứ Bảy, 28/11/2020 - 14:00

Bức tranh CASA của các ngân hàng phản ánh khá nhiều mặt hoạt động và sự biến chuyển của các nhà băng trong 9 tháng đầu năm.

Bức tranh hoạt động ngành ngân hàng đến quý III đã dần rõ nét, cùng với những khởi sắc của kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, các chỉ số kinh doanh khác cũng như nợ xấu vẫn tiếp tục là nỗi lo của các nhà băng trong quý IV cũng như “di chứng” sẽ kéo dài đến năm sau. 

CASA của các nhà băng cũng hé lộ nhiều về hoạt động kinh doanh và sự chuyển hướng mạnh của các ngân hàng theo định hướng bán lẻ. CASA cũng một lần nữa chứng minh cho kết quả quá trình số hóa ngân hàng đến thời điểm hiện tại.

Thách thức cuộc đua CASA

Cùng với lợi nhuận, CASA cũng là một chỉ số đáng bàn của các nhà băng khi cuộc đua này chưa bao giờ có hồi kết. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, tiền gửi không kỳ hạn sụt giảm mạnh ở phần lớn các ngân hàng kéo CASA giảm: MBBank giảm từ 33,9% xuống 29,8%; Techcombank từ 32,9% xuống 30,7%; Vietcombank từ 28,3% về 26,2%.

Đến quý II, tiền gửi không kỳ hạn đã ghi nhận sự hồi phục rõ rệt trong quý II, dù chưa đạt trở lại mức cuối năm trước. Tỷ lệ CASA của Vietcombank tăng trở lại lên 26,5% vào cuối tháng 6 trong khi tiền gửi không kỳ hạn của MBBank tăng 16,8% đưa tỷ lệ CASA tăng thêm từ 29,8% lên 32,6%.

Tại Techcombank, tiền gửi khách hàng đã tăng 6,2% so với cuối quý I, trong đó tiền gửi không kì hạn tăng 12,8% đưa tỷ lệ CASA tăng từ 30,7% lên 32,6%. Như vậy, kết thúc quý II, Techcombank và MB Bank cùng giữ vị trí quán quân về CASA.

Đến cuối tháng 9 đã thấy những chuyển biến mới khi Techcombank vươn lên bứt phá và vượt qua các đối thủ để dẫn đầu toàn hệ thống với 38,6%, tiếp nối sau là MB Bank với 36,09% và VCB là 28,27%.

Về tổng quan CASA của các ngân hàng được cải thiện hơn trong quý III so với quý II/2020, biên độ tăng từ 0,5% cho đến 6%. Techcombank dẫn đầu với mức tăng 6% và đứng đầu về chỉ số này. Nhà băng này cũng cho thấy một cuộc “vượt lên chính mình” khi lần đầu đạt ngưỡng xấp xỉ 40%. 

Thống kê CASA các ngân hàng từ quý I đến hết quý III/2020

Lý giải động lực tạo sức hút CASA

Dòng tiền gửi không kỳ hạn CASA thể hiện sự thu hút nguồn vốn giá rẻ của các nhà băng để tăng hiệu quả chi phí vốn, vì tỷ lệ CASA tức tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng càng cao cho thấy mức tiền gửi không kỳ hạn lớn. Quan trọng hơn là khoản này có mức lãi suất thấp chỉ từ 0,1% đến 0,8%. Điều này giúp cải thiện đáng kể tỷ lệ thu nhập lãi thuần NIM nếu ngân hàng thu hút được nguồn CASA cao.

Nhưng mặt khác, CASA thể hiện một hành trình chuyển đổi chiến lược bán lẻ để thu hút giữ chân khách hàng dựa trên nền tảng số hóa và dựa trên sự am hiểu khách hàng. Chia sẻ về tỷ lệ tăng trưởng CASA vượt trội, Giám đốc điều hành Techcombank Phùng Quang Hưng cho hay: tại cuộc gặp gỡ nhà phân tích, nhà đầu tư mới đây. “Điều quan trọng nhất với chúng tôi là phải thực sự am hiểu khách hàng và phục vụ nhu cầu toàn diện về tài chính của khách hàng. Các khách hàng đều muốn giao dịch tiện dụng nhất, và thay vì phải đến giao dịch tại quầy thì họ muốn giao dịch trên điện tử, trên điện thoại và được miễn phí. Đó là 2 nhu cầu rất chính đáng. Chúng tôi hiểu điều đó và chúng tôi muốn đáp ứng nhu cầu của khách hàng bằng cách đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ để giúp KH giao dịch đơn giản, dễ dàng, bảo mật qua E- Banking, đồng thời miễn phí toàn bộ các giao dịch chuyển khoản. Đây là lý do số lượng giao dịch E-Banking của Techcombank gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và khách hàng mở mới E-Banking cũng tăng 50% so với năm 2019”.

Hầu hết để tăng chỉ số CASA, các nhà băng phải đẩy mạnh đầu tư vào số hóa với nền tảng công nghệ hiện đại. Có thể thấy sự trỗi dậy của ngân hàng số, ngân hàng hợp kênh một cách mạnh mẽ những năm qua. MB Bank và Vietcombank ngoài lợi thế quan hệ với các doanh nghiệp Nhà nước, Quân đội để có nguồn tiền gửi không kỳ hạn lớn cũng đã mạnh tay chi cho ngân hàng số để tạo thế và lực đẩy cho CASA trong thời gian qua.

Với Techcombank, các lãnh đạo ngân hàng chia sẻ rằng ngoài đầu tư công nghệ từ 5 năm trước để dẫn dắt quá trình số hóa, ngân hàng chú tâm vào việc hiểu nhu cầu khách hàng và đi đến những giải pháp tạo trải nghiệm tốt cho các “thượng đế”. Ngoài chương trình Zero Fee đình đám từ 2016 đến nay, Techombank liên tục triển khai các chương trình ưu đãi thanh toán trực tuyến cho khách hàng và cập nhật các tính năng tiện ích cho người dùng. Điều đó dẫn tới giao dịch điện tử qua E-Banking tăng trưởng 68% đến 77%, số lượng khách hàng đến chi nhánh giao dịch chỉ chiếm 2%, giảm một nửa từ mức 4% của năm ngoái. Riêng thị phần giao dịch E-Banking của Techcombank chiếm đến 28% giao dịch E-Banking của toàn hệ thống. Khối lượng và giá trị giao dịch e-banking trong 9 tháng đầu năm tăng vọt, lần lượt đạt 117% và 84% so với cùng kỳ. Số lượng khách hàng mới cũng tăng trưởng liên tục trong 3 quý đầu năm 2020, và đạt trên 8 triệu Khách hàng giao dịch cùng ngân hàng.

Theo đó, để dẫn đầu chỉ số CASA toàn hệ thống trong quý III thì tiền gửi không kỳ hạn của Techcombank tăng trưởng 49% so với cùng kỳ năm ngoái và số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Lãnh đạo ngân hàng này khẳng định vẫn kiên trì với định hướng chiến lược trong 5 năm tới: Khách hàng là trọng tâm”và tiếp tục đầu tư lớn để gia tăng những giải pháp tài chính, trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng để tăng trưởng bền vững an toàn không chỉ ở CASA.

Bức tranh CASA của các ngân hàng phản ánh khá nhiều mặt hoạt động và sự biến chuyển của các nhà băng trong 9 tháng đầu năm. Kết quả CASA như trên đã chứng minh rất rõ hiệu quả của việc thực thi số hóa ngành Ngân hàng và sự tin tưởng sử dụng như xu hướng tất yếu của người dùng. Nhưng cũng như kết quả CASA, đó là một quá trình tạo dựng mà chắc chắn các ngân hàng vẫn tiếp tục đầu tư để duy trì và phát triển các nền tảng dữ liệu, công nghệ và vận hành đồng bộ để chinh phục đường đua CASA cũng như hoạt động hiệu quả nhất.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top