Trong 9 tháng đầu năm 2017, nhiều ngân hàng đã báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy lợi nhuận vượt trội so với cùng kỳ năm 2016.
Đã có những điểm sáng vượt lên từ những ngân hàng cổ phần nhỏ, trong khi 03 "ông lớn" đầu ngành có vốn Nhà nước chi phối: BIDV, Vietcombank và Vietinbank có hiệu quả kinh doanh chưa tương xứng với quy mô.
Những chỉ số sinh lời của ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2017 và cùng kỳ năm 2016 được tính toán dựa trên số liệu báo cáo tài chính hợp nhất quý III của các ngân hàng, và dựa theo con số cuối mỗi kỳ.
Do đó, các chỉ số sinh lời ROA (tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản) và ROE (tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu) chỉ mang tính tương đối tại mỗi thời điểm công bố kết quả hoạt động kinh doanh của mỗi ngân hàng.
VPBank đang sử dụng tài sản hiệu quả nhất
Trong 13 ngân hàng được BizLIVE khảo sát, hiện VPBank là ngân hàng khai thác tài sản hiệu quả nhất. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2017, ROA của VPBank là 1,77%, nghĩa là trong 100 đồng tài sản, ban lãnh đạo của VPBank đã đem về cho cổ đông 1,77 đồng lợi nhuận. Mức sinh lời này cũng tăng vượt trội so với ROA cùng kỳ 2016 là 1,27%.
Nếu xét về quy mô, 9 tháng đầu năm 2017, tổng tài sản của VPBank đạt 235.487 tỷ đồng, chỉ bằng 30% tổng tài sản của Vietcombank, bằng 20-22% tổng tài sản của BIDV và Vietinbank – 2 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống với trên 1 triệu tỷ đồng, nhưng cổ đông của VPBank đã có thể vui mừng hơn khi hiệu quả sử dụng tài sản của ngân hàng này đang khá tốt.
Hiệu quả khai thác tài sản trong 9 tháng đầu năm 2017 của 03 ngân hàng đầu ngành: BIDV, Vietcombank và Vietinbank thì cả BIDV và Vietinbank đều giảm hiệu quả sử dụng tài sản khi ROA chỉ tương ứng là 0,38% và 0,59%, giảm so với cùng kỳ năm 2016. Riêng Vietcombank có ROA tăng nhẹ từ mức 0,69% năm 2016 lên 0,71% năm 2017.
Hiệu quả khai thác tổng tài sản của 03 “ông lớn” này hiện chỉ ở mức trung bình trong khối ngân hàng.
Tuy nhiên, hầu hết trong số 13 ngân hàng khảo sát đều có chỉ số sử dụng tài sản hiệu quả gia tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ 2016 có thêm: Sacombank, TPB, KienLongBank, ACB, MBB, Eximbank…
Những ngân hàng có quy mô tài sản nhỏ như: TPB, KienLongBank dù có chỉ số ROA thấp nhưng đã tăng vượt trội trong năm 2017.
ROA của TPB 9 tháng đầu năm 2017 là 0,62%, gấp 1,6 lần so với mức 0,38% cùng kỳ 2016. Hay như ROA của KienLongBank 9 tháng 2017 là 0,44%, tăng 6 lần so với mức 0,06% cùng kỳ năm 2016.
Điều này cho thấy, khả năng quản trị điều hành của ban lãnh đạo những ngân hàng nhỏ đang có sự tiến bộ vượt bậc.
MBB dẫn đầu về sử dụng vốn
9 tháng qua, MBB là ngân hàng có suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu cao nhất trong 13 ngân hàng khảo sát. ROE 9 tháng đầu năm 2017 của MBB là 17,8%, nghĩa là MBB đã kiếm lời được 17,8 đồng trên 100 đồng vốn bỏ ra kinh doanh. So với ROE cùng kỳ 2016 là 13,1% thì MBB đang khai thác khá tốt nguồn vốn của mình.
VPBank vẫn là cái tên sáng trong hoạt động kinh doanh ngân hàng gần đây khi ROE 9 tháng đầu năm 2017 vẫn duy trì ở mức cao khi ban lãnh đạo ngân hàng này vẫn đem về 16,3 đồng trên 100 đồng vốn (mức 16,3%), tuy có giảm so với mức 16,6% cùng kỳ năm 2016.
9 tháng đầu năm nay, những ngân hàng nhỏ khai thác vốn chủ sở hữu khá tốt so với cùng kỳ 2016.
Cụ thể, TPB đã tăng hiệu suất sinh lời của vốn gấp 1,8 lần trong 9 tháng đầu năm 2017. TPB đã đem về tới 11,4 đồng lợi nhuận (ROE là 11,4%) khi bỏ 100 đồng vốn kinh doanh so với mức chỉ 6,1 đồng (ROE là 6,1%) cùng kỳ 2016.
Còn đối với KienLongBank đã nâng hiệu quả sử dụng vốn chủ gấp 8,8 lần từ mức chỉ kiểm được chưa đến 01 đồng (ROE là 0,5%) trong 9 tháng 2016 lên mức 4,4 đồng lợi nhuận (ROE là 4,4%) trên 100 đồng vốn chủ.
9 tháng đầu năm nay, SHB cũng ghi dấu ấn với suất sinh lời trên vốn gấp 1,5 lần so với cùng kỳ 2016 và đạt 8,0% (ROE cùng kỳ 2016 là 5,2%).
Tuy nhiên, vẫn là 2 trong 3 “ông lớn” ngân hàng có chỉ số khai thác hiệu quả vốn chủ sở hữu trong 9 tháng đầu năm 2017 lại giảm sút so với cùng kỳ 2016.
Khả năng khai thác lợi nhuận trên 100 đồng vốn của BIDV trong 9 tháng đầu năm 2017 còn 9,3 đồng (REO là 9,3%), giảm so với 10,2 đồng (ROE là 10,2%) so với cùng kỳ 2016.
Đối với Vietinbank, 9 tháng qua, khả năng khai thác hiệu quả trên 100 đồng vốn của ngân hàng này cũng giảm mạnh khi chỉ đạt 11,8 đồng (ROE là 11,8%), so với 14,1 đồng (ROE là 14,1%) kiếm được cùng kỳ năm 2016.
Trong khi đó, quy mô vốn chủ sở hữu của Vietinbank và BIDV cũng đứng hàng đầu khi ở mức tương ứng là 62.280 tỷ đồng và 46,536 tỷ đồng.
Quy mô vốn chủ sở hữu của Vietinbank và BIDV còn lớn gần gấp đôi tổng tài sản KienLongBank, nhưng tốc độ tăng trưởng ROE lại không bằng.
Với những chỉ số sinh lời trên cho thấy, sự trỗi dậy của các ngân hàng nhỏ trong hoạt động kinh doanh đang là những tín hiệu tốt trong hoạt động ngân hàng.
Nếu những ngân hàng nhỏ tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động kinh doanh tốt, vượt trội, thị phần ngân hàng của những “ông lớn” sẽ phải san sẻ cho những ngân hàng này.