Aa

Ngân hàng Nhà nước không nên tiếp tục hạ lãi suất

Thứ Bảy, 22/07/2017 - 21:57

“Theo tôi, việc giảm lãi suất gần đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được xem như là cần và đủ. Việc giảm thêm lãi suất sẽ đưa đến nhiều rủi ro cho nền kinh tế”. Đây là nhận định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu.

Cũng theo ông Hiếu, một doanh nghiệp lỗ hay lãi không hoàn toàn nằm ở việc lãi suất giảm thêm hay không mà nằm ở việc doanh nghiệp có kinh doanh hiệu quả hay không qua việc tiết giảm các chi phí hoạt động khác như chi phí sản xuất, chi phí nhân sự, chi phí quản lý, chi phí marketing, chi phí thuế và các chi phí khác.

- PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về động thái hạ lãi suất cho vay của NHNN trong thời gian vừa qua?

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Trong bối cảnh nền kinh tế đang tiếp tục tăng trưởng nhưng tăng trưởng ở mức độ thấp hơn dự kiến thì động thái hạ lãi suất của NHNN là rất phù hợp để giúp các doanh nghiệp giảm chi phí vốn vay và cuối cùng là hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng đạt mục tiêu 6,7%. Tôi đánh giá cao sự linh hoạt của chính sách tiền tệ và sự nhạy bén của NHNN trước những chuyển biến và nhu cầu của nền kinh tế.

Trên phương diện kinh tế vĩ mô, quy mô nền kinh tế còn rất nhỏ so với thế giới, thu nhập bình quân đầu người còn rất thấp, các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế như nông nghiệp, khoáng sản, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, Nhà nước không đủ ngân sách để chi tiêu và đầu tư, nợ công tăng, thì đạt tăng trưởng kinh tế ở mức cao là điều tất yếu, không còn là một lựa chọn nữa. 

Quyết định hạ lãi suất cho vay cho những lĩnh vực ưu tiên của NHNN vừa giúp các doanh nghiệp giảm chi phí hoạt động, vừa hỗ trợ kinh tế vĩ mô đạt chỉ tiêu tăng trưởng, là "một mũi tên trúng hai đích". Việc hạ lãi suất điều hành 0,25% và lãi suất cho vay thương mại 0,5% là đúng liều lượng để hỗ trợ nền kinh tế nhưng cũng vẫn giúp NHNN kiểm soát lạm phát qua việc điều hòa cung tiền bằng những công cụ khác của chính sách tiền tệ, bao gồm hoạt động của NHNN trên thị trường mở (open market operations). Việc giảm này có tác dụng làm tăng tín dụng cho nền kinh tế nhưng không thể xem là nới lỏng chính sách tiền tệ.

Trước nhất, mặt bằng lãi suất cho vay còn rất cao; việc giảm 0,5% sẽ khiến một lượng tín dụng ào ạt đổ vào nền kinh tế. Hơn nữa, việc giảm lãi suất lần này chỉ áp dụng cho các lĩnh vực ưu tiên chứ không áp dụng đại trà. Cho vay bất động sản (BĐS), chứng khoán không bị tác động. Thêm vào đó, các ngân hàng cũng “chọn mặt gửi vàng” để có thể cho vay với lãi suất hạ cho những doanh nghiệp có khả năng trả nợ, chứ không phải tất cả các doanh nghiệp đều được hưởng lãi suất hạ.

Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, khi mà các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng vào nền kinh tế nhưng việc huy động vốn không dễ dàng, lại càng làm cho các ngân hàng cho vay chặt chẽ hơn. Việc huy động vốn trở nên khó khăn hơn vì ngân hàng phải cạnh tranh vốn với nhiều ngành kinh tế khác, bao gồm BĐS và chứng khoán là hai lĩnh vực đang “nóng” và có khả năng sinh lời cao hơn gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng.


Ảnh minh họa/TTXVN 

-PV: Có ý kiến là NHNN nên tiếp tục hạ lãi suất. Quan điểm của ông thế nào?

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Dĩ nhiên, lãi suất càng hạ thì càng giúp các doanh nghiệp giảm chi phí vốn và cuối cùng là giảm giá thành. Nhưng việc giảm lãi suất ở mức độ phù hợp để không tạo tiền đề cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Chúng ta đang kiểm soát lạm phát một cách hiệu quả và duy trì sự ổn định kinh tế và tiền đồng. Việc đẩy lãi suất xuống sâu hơn nữa có thể đưa đến hiện tượng “đồng tiền rẻ” và kích thích quá mức việc đi vay của các doanh nghiệp.

Đồng tiền rẻ sẽ tạo điều kiện cho việc tiêu sài và đầu tư kinh doanh quá mạnh tay, tạo tiền đề cho "bong bóng" BĐS, chứng khoán và đưa nền kinh tế vào khủng hoảng như chúng ta đã chứng kiến trong những năm trước.

-PV:  Lý do tại sao không nên tiếp tục hạ lãi suất?

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Như trên đã bàn đến, tiếp tục hạ lãi suất có thể được thị trường nhìn nhận là sự nới lỏng chính sách tiền tệ, một điều mà tại thời điểm này sẽ tạo nên những rủi ro lớn cho nền kinh tế. Sự tăng trưởng kinh tế đã chậm lại từ hai năm nay, việc kích thích kinh tế qua việc kích thích cho vay cho những lĩnh vực ưu tiên là rất cần thiết.

Nhưng kích thích quá mức qua việc giảm lãi suất quá sâu sẽ tạo điều kiện cho lạm phát bùng phát vì đồng tiền trở nên “rẻ” và cũng tạo điều kiện cho "bong bóng" BĐS và chứng khoán xuất hiện.

Một điều chúng ta cần quan tâm là tín hiệu thị trường qua việc giảm lãi suất. Nếu NHNN tiếp tục giảm lãi suất sâu hơn thì các thành phần kinh tế sẽ xem đây là tín hiệu rõ rệt của một chính sách tiền tệ nới lỏng. Các thành phần kinh tế sẽ thay đổi hành vi kinh tế, trong đó có việc đẩy giá cả và đẩy tỷ giá VND/USD lên cao, tạo sự bất ổn cho nền kinh tế.

- PV: Lãi suất ngân hàng có phải là yếu tố chính tác động đến tính hiệu quả của doanh nghiệp? Các doanh nghiệp cần làm gì để đẩy mạnh tính cạnh tranh?

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Hiện nay, các doanh nghiệp đòi hỏi một lãi suất cho vay thấp và cho rằng lãi suất cao là một yếu tố tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Lãi suất đang trở thành một đề tài “nóng” trên tất cả mọi diễn đàn. Tuy nhiên, bình quân chi phí vốn (lãi trả cho ngân hàng) chỉ chiếm khoảng 10% trên tổng chi phí của doanh nghiệp sản xuất.

Việc hạ lãi suất giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí hoạt động, nhưng tính ra thì nếu có hạ lãi suất thêm 1% nữa thì chi phí hoạt động của doanh nghiệp cũng không giảm đáng kể vì trung bình, các doanh nghiệp đi vay hiện nay ngắn hạn, trung và dài hạn lãi suất ở khoảng 9-11%.

Một doanh nghiệp lỗ hay lãi không nằm ở việc lãi suất giảm thêm hay không mà nằm ở việc tiết giảm các chi phí hoạt động khác như chi phí sản xuất, chi phí nhân sự, chi phí quản lý, chi phí marketing, chi phí thuế và các chi phí khác.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top