Aa

Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm thanh khoản cho hệ thống

Thứ Hai, 10/10/2022 - 06:15

NHNN đã cung ứng ròng cho hệ thống tổng cộng hơn 84.000 tỷ kể từ khi tăng lãi suất điều hành vào ngày 23/9.

Ghi nhận trên thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục bơm tiền vào hệ thống thông qua kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) trong những ngày gần đây.

Trong phiên giao dịch 7/10, có hơn 3.771 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất giảm xuống còn 5,5%/năm từ mức 6,9%/năm và 6,5%/năm ghi nhận trong hai phiên trước đó, trong khi có gần 1.000 tỷ đồng đáo hạn. Đồng thời, nhà điều hành cũng tiếp dừng phát hành tín phiếu hút tiền về như 4 phiên trước đó.

Như vậy, NHNN đã bơm ròng 2.771 tỷ đồng ra thị trường trong phiên cuối tuần này. Đây là phiên bơm ròng thanh khoản thứ 5 liên tiếp của của NHNN, tổng lượng cung ứng ròng đạt gần 38.000 tỷ.

Kể từ khi nâng lãi suất điều hành vào ngày 23/9, NHNN đã liên tục bổ sung thanh khoản cho hệ thống với 10/11 phiên gần nhất ở trong trạng thái bơm ròng. Tính chung, NHNN đã cung ứng ròng cho hệ thống hơn 84.000 tỷ kể từ đó đến nay

Động thái của nhà điều hành diễn ra trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng bật tăng mạnh, lên mức cao nhất trong hơn 10 năm qua.

Theo đó, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 80 - 90% tổng khối lượng giao dịch) trong phiên 4/10 đã tăng gấp rưỡi, từ mức 5,26% trong phiên 3/10 lên 7,88%/năm. Đến ngày 5/10, lãi suất vay qua đêm đã tăng lên 8,44%/năm - mức cao nhất trong kể từ đầu năm 2012. Dù hạ nhiệt xuống còn 7,86% trong phiên 6/10, lãi suất liên ngân hàng vẫn đang ở vùng đỉnh 10 năm.

Lãi suất tăng mạnh, nhưng doanh số vay mượn qua đêm giữa các ngân hàng vẫn ở mức cao 230.000 – 240.000 tỷ/phiên. Điều này cho thấy nhu cầu vay mượn để bù đắp thanh khoản của các nhà băng vẫn là rất lớn.

Không chỉ kỳ hạn qua đêm, lãi suất tại các kỳ hạn dài hơn cũng tăng mạnh. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 9 tháng hiện đã lên tới 10% năm.

Theo giới phân tích, nguyên nhân khiến lãi suất VND liên ngân hàng có diễn biến tăng mạnh đến từ nhịp hút ròng mạnh của NHNN vào trung tuần tháng 9 trước khi nâng lãi suất điều hành thêm 1 điểm %. Ngoài ra, việc tiếp tục bán ngoại tệ để bình ổn tỷ giá của NHNN cũng khiến một lượng lớn VND bị rút khỏi hệ thống ngân hàng.

Ở một phương diện khác, lãi suất VND liên ngân hàng được đẩy lên cao cũng được cho là xuất phát từ định hướng điều hành của NHNN nhằm tạo ra chênh lệch an toàn với lãi suất USD, góp phần kìm hãm đà tăng của tỷ giá.

Không chỉ thị trường 2, lãi suất trên thị trường 1 (giữa ngân hàng và dân cư) cũng có dấu hiệu tăng nóng trong những ngày gần đây.

Ghi nhận trên thị trường kể từ tuần cuối tháng 9 đến nay, hàng loạt ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất niêm yết theo hướng đi lên với mức tăng từ 0,3 - 1 điểm phần trăm tuỳ kỳ hạn. Theo đó, mức lãi suất cao tới gần 9%/năm dành cho sản phẩm chứng chỉ tiền gửi đã xuất hiện trên thị trường.

Trong đó, các NHTM có vốn nhà nước chính thức tăng 0,5%/năm cho tất cả các kỳ hạn, và các NHTM khác như MB, ACB, Techcombank, VPBank, Sacombank, SHB, Nam A Bank, SCB, VIB, ABBank cũng ghi nhận mức tăng 0,3 – 1%/năm. Không chỉ tăng lãi suất, các ngân hàng còn đẩy mạnh chương trình khuyến mại, cộng thêm lãi suất để thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư.

Hiện, mặt bằng lãi suất huy động của nhiều NHTM đã quay về giai đoạn trước Covid-19 và áp lực vẫn còn tương đối lớn, khi chênh lệch huy động – tín dụng chưa được cải thiện nhiều. Trên thực tế, số liệu của Tổng cục thống kê vừa công bố cho thấy, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng tương đối yếu trong 9 tháng đầu năm, khi chỉ tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%), trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt tới 10,54%. Điều này đã khiến cho chênh lệch huy động – tín dụng duy trì ở vùng âm kể từ tháng 7 năm nay.

Theo kết quả khảo sát của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý IV năm 2022 vừa được NHNN công bố, các TCTD đánh giá mặt bằng lãi suất huy động-cho vay tiếp tục xu hướng tăng trong quý IV/2022 và cả năm 2022.

Cụ thể, 59 - 61% TCTD được khảo sát kỳ vọng lãi suất tăng bình quân 0,37 điểm % trong quý IV/2022, chỉ có 7-9% kỳ vọng lãi suất giảm nhẹ. Dự báo cho cả năm 2022, có 66 - 69% TCTD kỳ vọng lãi suất tăng bình quân 0,56-0,57 điểm %, chỉ có 8 - 10% số được khảo sát kỳ vọng lãi suất giảm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top