"Làn sóng" tăng vốn điều lệ
Đầu tháng 6/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận việc tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVB) tăng thêm tối đa 1.618 tỷ đồng dưới hình thức phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu, phát hành cho cổ đông hiện hữu và phát hành ESOP và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tối đa thêm 58.823 đồng, trong đó tăng vốn điều lệ thêm tối đa 50.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu ESOP và thêm tối đa 8.823 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài (Ngân hàng Aozora).
Cùng thời điểm này, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 6.754 tỷ đồng. Trước đó, cổ đông ACB đã thông qua kế hoạch phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021, theo tỷ lệ 25%. Sau khi chia cổ tức, vốn điều lệ của ACB dự kiến tăng từ 27.019 tỷ đồng lên 33.774 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành trong quý III/2022.
Hay tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), được sự chấp thuận tăng vốn của NHNN, ngân hàng này dự kiến chào bán hơn 6,3 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó có 967.367 cổ phiếu phát hành cho người lao động nước ngoài và 5.356.349 cổ phần phát hành cho người lao động Việt Nam với tỷ lệ 0,1801%. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên trên 35.172 tỷ đồng.
Nếu như kế hoạch tăng vốn điều lệ được các ngân hàng thực hiện thành công, ước tính vốn điều lệ của toàn hệ thống trong năm 2022 sẽ được bổ sung thêm khoảng hơn 100.000 tỷ đồng. Còn theo nghiên cứu của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, quy mô vốn của các ngân hàng Việt có thể tăng thêm khoảng 10,7 tỷ USD trong 2 - 3 năm tới để đạt các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định.
Ông Tamma Febrian, Giám đốc hợp danh các định chế tài chính, ngân hàng (Fitch Ratings) cho biết, tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam rất nhanh những năm gần đây đòi hỏi quy mô vốn của các ngân hàng cũng phải mở rộng, đảm bảo các tỷ lệ về an toàn. Hiện các ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa để nâng vốn, cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR). Nếu việc tăng vốn được thực hiện đúng kế hoạch, thứ tự về quy mô vốn của các ngân hàng trên thị trường sẽ có sự xáo trộn, bức tranh hoạt động của các ngân hàng vì thế cũng sẽ có nhiều thay đổi.
Sẵn sàng cho chu kỳ tăng trưởng mới
Theo các chuyên gia, Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định số 689/QĐ-TTg phê duyệt vừa qua sẽ mở ra chu kỳ tăng trưởng mới của ngành Ngân hàng gắn giữa tăng trưởng an toàn và tăng trưởng bền vững.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là bảo đảm có số vốn điều lệ đến năm 2025. Trong đó, đối với nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng; nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình và NHTM có vốn nước ngoài thì vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Đề án cũng nhằm triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao; phấn đấu đến năm 2023, hệ số an toàn vốn (CAR) của các NHTM đạt tối thiểu 10 - 11%; đến năm 2025, đạt tối thiểu 11 - 12%.
Thực tế ngay sau khi Đề án được phê duyệt, một số ngân hàng đã có phương án đánh giá khả năng thực hiện quy định về vốn điều lệ và hệ số CAR. Ông Đàm Văn Tuấn, Phó Tổng giám đốc ACB khẳng định, vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng, tính đến 30/6/2022 vốn điều lệ của ACB là hơn 27.000 tỷ đồng, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu Đề án.
Về nội dung triển khai thí điểm Basel II theo phương pháp nâng cao đến năm 2025 và phấn đấu hệ số CAR đến năm 2025 đạt tối thiểu từ 11 đến 12%, ACB đảm bảo sẵn sàng áp dụng hệ số CAR của Ngân hàng Nhà nước.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB khẳng định, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng nhằm bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh, giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, tăng hệ số CAR. Vốn ngân hàng ví như gối đệm giữ hệ số CAR luôn ở mức an toàn để ngân hàng vững vàng trước "sóng gió" của thị trường. Hiện ngân hàng đã đặt ra một số chỉ tiêu phấn đấu về năng lực tài chính, cụ thể về hệ số CAR trên 11% theo tiêu chuẩn Basel II nâng cao, đạt 23.000 tỷ vào năm 2025 để triển khai Đề án tái cơ cấu.
Trước chu kỳ tăng trưởng mới của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, người dân, doanh nghiệp đang rất cần những hỗ trợ về vốn từ ngân hàng để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Do đó, đại diện các ngân hàng đều khẳng định, việc nhanh chóng triển khai tăng vốn điều lệ sẽ tạo tiền đề để ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ thông qua việc tăng giới hạn cấp tín dụng, giới hạn đầu tư…nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của khách hàng và duy trì được tăng trưởng tín dụng từ 8 - 10%/năm trong thời gian tới.
Để có nguồn lực tài chính của ngân hàng vững vàng phục vụ cho nhu cầu trung và dài hạn, một chuyên gia ngân hàng khuyến nghị, cần tiếp tục phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ lại, thưởng cổ phiếu từ nguồn thặng dư vốn hoặc phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP). Đồng thời, các nhà băng cần tận dụng cơ hội khi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế vẫn đánh giá tích cực các ngân hàng Việt Nam để gọi vốn ngoại, lấp đầy room ngoại./.