Aa

Ngân hàng “thay máu” nhân sự

Thứ Hai, 24/02/2020 - 06:15

Nhiều chuyên gia dự báo, nhân sự ngành ngân hàng sẽ tiếp tục dịch chuyển mạnh trong năm 2020 theo hướng nâng cao chất lượng cho quá trình số hóa ngân hàng.

Trong năm 2019, một số tổ chức tín dụng (TCTD) đã mạnh tay cơ cấu lại nhân sự, nhưng tổng số lại theo chiều hướng tăng.

Nâng cao chất lượng nhân sự

Điển hình như VPBank, năm 2019 là năm mà ngân hàng này có nhiều thay đổi về nhân sự. Tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2019, ngân hàng này đã cắt giảm khoảng 20% nhân sự. Tuy nhiên đến 31/12/2019, tổng số nhân sự của ngân hàng này tăng 1.628 nhân sự so với năm 2018, đạt 27. 256 cán bộ, nhân viên.

Một chuyên gia quan hệ nhà đầu tư (IR) dự đoán rằng, trong năm 2019 VPBank có thể đã thúc đẩy chiến lược phát triển nhân sự chính thức, chất lượng chuyên môn cao và thực hiện cắt cảm số lượng nhân sự chưa chính thức, nhân sự mới, chuyên môn hay trình độ còn thấp. Đó cũng là một trong những giải đáp cho kết quả kinh doanh tích cực của VPBank với 10.334 tỷ đồng lợi nhuận, vượt 9% kế hoạch và tăng 12,3% so với năm 2018.

Tương tự như VPBank, HDBank cũng có tăng trưởng nhân sự khá quy mô, đạt tới 16.500 cán bộ, nhân viên vào cuối 2019, tức tăng khoảng 2.000 nhân sự với năm 2018. Cùng với đó, HDBank cũng ghi nhận mức lãi kỷ lục cao nhất từ trước đến nay với 5.018 tỷ đồng.

HDBank đã có tăng trưởng nhân sự khá quy mô, đạt tới 16.500 cán bộ, nhân viên vào cuối 2019, tức tăng khoảng 2.000 nhân sự với năm 2018.

Trong khi đó, ở một số ngân hàng khác, việc tuyển dụng nhân sự mới cũng đồng nghĩa tiếp tục quá trình tái cấu trúc. Ông Nguyễn Cảnh Vinh, Quyền Tổng Giám đốc Eximbank cho biết, trong năm 2019, theo kế hoạch New Eximbank, ngân hàng ưu tiên tái cấu trúc nhân sự nhưng không cắt giảm hay tuyển dụng ồ ạt. Sự ổn định của nhân sự tại Eximbank trong năm qua được giới quan sát đánh giá là thành công về mặt quản trị trong bối cảnh Eximbank chưa thực sự gỡ được "rối ren" quyền lực chi phối của các nhóm cổ đông.

Áp lực số hóa ngân hàng

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết, số hóa sẽ chưa dẫn đến tác động dịch chuyển lớn đối với nhân sự OCB. Bởi một mặt OCB đã có chiến lược và các hoạt động đào tạo để cập nhật công nghệ cho nhân sự của hệ thống. Mặt khác, nhu cầu phát triển của OCB còn rất lớn. 

"Cùng với nhu cầu mở rộng quy mô hệ thống thông qua mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch để tăng cường tiếp cận dịch vụ đến người dùng - nếu được NHNN cho phép mở rộng, OCB vẫn sẽ tiếp tục tuyển nhân sự ở quy mô lớn trong năm nay", ông Tùng chia sẻ.

Theo chuyên gia IR Lê H. H., hầu hết các ngân hàng hiện vẫn đang trong giai đoạn chuyển đổi số. Về lâu dài, việc phát triển ngân hàng số và các doanh nghiệp Fintech sẽ dẫn đến nhu cầu tuyển dụng nhân sự có trình độ số hóa cao. Và đó là xu thế tất yếu phù hợp với công nghệ số ứng dụng trong sản phẩm dịch vụ tài chính, vừa giúp người dùng tiện lợi, vừa giúp tổ chức tiết kiệm chi phí. Theo đó, nhân sự ngân hàng cũng sẽ bắt buộc đáp ứng cả trình độ chuyên môn nghiệp vụ lẫn sự thông thạo công nghệ.

"Trong năm 2020, việc cạnh tranh tăng cường mạng lưới để chiếm giữ thị phần dịch vụ, đặc biệt dịch vụ bán lẻ tới mọi vùng sâu, vùng xa và nông thôn- khu vực mà hệ số lợi nhuận cao hơn nhiều so với việc mở mới chi nhánh, phòng giao dịch tại trung tâm, vẫn sẽ thúc đẩy ngân hàng gia tăng tuyển dụng nhân sự.

Một Tổng giám đốc ngân hàng cũng lưu ý, song song với nhu cầu số hóa tài chính, ngân hàng vẫn là lĩnh vực giao dịch của niềm tin. Do đó, ở nhiều quốc gia phát triển và đi đầu số hóa, nhiều nhà băng vẫn giữ cách thức giao dịch truyền thống - một hình ảnh hữu hình để củng cố sự tin tưởng bền vững trong giao dịch vốn xã hội. Dù áp lực số hóa ngân hàng lớn, nhưng số lượng nhân sự ngân hàng chưa giảm quá nhiều.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top