Tiếp tục tái cơ cấu, chuyển và giãn nợ
Với dư nợ khoảng 925 tỷ đồng tương đương 11% tổng dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, theo ông Hùng mức thiệt hại cụ thể chưa thống kê đầy đủ.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không có kế hoạch giảm lãi suất điều hành vì nhu cầu vay mới thấp và thanh khoản ngân hàng dồi dào, hiện tại chưa cần nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng có thể sau này sẽ áp dụng.
Vừa qua, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng tái cơ cấu nợ, chuyển nợ, giãn nợ… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thiệt hại do dịch Covid-19. Các đơn vị cũng chủ động nghiên cứu để trong thời gian sớm nhất (không quá 2 tuần) hoàn thành dự thảo cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng vay vốn ngân hàng bị tác động bởi dịch bệnh này.
Theo ông Hùng, cơ cấu nợ, giãn nợ là động thái quan trọng nhất. Sắp tới, NHNN sẽ có thông tư phù hợp để hướng dẫn cụ thể cho các ngân hàng thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Về việc giảm và ưu đãi lãi suất, các ngân hàng sẽ phân tích và xác định mức độ thiệt hại của khách hàng trong dịch Covid-19 và đưa ra chính sách. “Tuy nhiên, ngân hàng cũng không thể giảm lãi mãi được. Chính phủ vẫn sẽ hỗ trợ bằng vốn ngân sách, tùy vào tình hình cụ thể”, ông nói.
Theo NHNN, các ngân hàng cũng là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID -19. Giảm lãi suất đồng nghĩa với việc dùng chính tiền của ngân hàng để hỗ trợ các doanh nghiệp. Dù thế, các ngân hàng cũng chỉ có thể giảm mức độ cho khách hàng mà vẫn phải đảm bảo bù đắp được chi phí.
Trước đó, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng bảo đảm tránh việc lợi dụng cơ chế hỗ trợ làm ảnh hưởng tới thị trường tín dụng cũng như việc phân loại, xử lý nợ xấu. NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại trong trường hợp bị ảnh hưởng
Cho đến nay thanh khoản của các ngân hàng thương mại vẫn dồi dào, không có hiện tượng thiếu vốn. Do vậy, các ngân hàng thương mại không được tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động. Trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ có điều chỉnh để gián tiếp hỗ trợ các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp...
Ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, NHNN cần phải có những quy định cụ thể hơn để các tổ chức tín dụng dễ thực hiện. “Hiện có rất nhiều doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng khi dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc. Dễ nhận thấy nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Thế nhưng, không chỉ những đối tượng này mà cả những doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường khác cũng bị ảnh hưởng. Do vậy ngoài hàng không, du lịch dịch vụ các ngành khác cũng cần được NHNN và các tổ chức tín dụng ưu tiên chính sách tín dụng do thiệt hại từ cúm COVID-19...
Thiệt hại nặng đối với hàng không và du lịch
Mới đây hãng Reuter cho biết, Vietnam Airlines thiệt hại 250 tỷ đồng mỗi tuần khi doanh thu sụt giảm vì ngừng các đường bay Trung Quốc để phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó Tổng Công ty cũng cho hay đã phải ngừng toàn bộ các đường bay tới Trung Quốc đại lục từ cuối tháng 1, ảnh hưởng trực tiếp tới 70.000 hành khách mỗi tháng di chuyển trên trục bay này. Đồng thời Tổng Công ty đã thông báo về kế hoạch phải thu hẹp hoạt động và cắt giảm chi phí nhằm giảm thiểu ảnh hưởng từ dịch, hướng tới "đạt kết quả tài chính tích cực" trong năm 2020.
Trước đó, Cục Hàng không cho biết theo các hãng hàng không báo cáo, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay Trung Quốc tính tới 10/2 là hơn 10.000 tỷ đồng.
Cũng theo thống kê của Cục Hàng không trong giai đoạn 1 - 7/2, tức một tuần sau khi dừng khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, tổng sản lượng khách của hàng không Việt đạt 1,95 triệu khách, giảm 4,5% so với cùng kỳ 2019, trong đó thị trường quốc tế giảm 14,1%.
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong 3 tháng tới, ước tính thiệt hại của ngành du lịch sẽ vào khoảng 5,9 - 7 tỷ USD do dịch COVID-19 gây ra.
Ông Lê Hoài Chung - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết đây là thiệt hại dựa trên cơ sở nhiều tác động trước mắt, như: Trung Quốc đã hạn chế công dân đi ra nước ngoài; Việt Nam tạm dừng các lễ hội, hoạt động tại một số khu di tích, danh lam thắng cảnh; các thị trường quốc tế khác đang e ngại đến khu vực châu Á.