Aa

Ngân hàng VietABank “dâng dê tế thần” có tránh được “sao quả tạ”?

Chủ Nhật, 06/01/2019 - 20:04

Làm sao một cá nhân không phải “người nhà” của ngân hàng VietABank lại có thể làm khống hồ sơ, giả chữ ký để có thể gửi qua đảo lại hàng trăm tỷ đồng?

trụ sở chính của VietABank ở phố Hàn Thuyên

Trụ sở chính của VietABank ở phố Hàn Thuyên

Khách hàng đồng loạt tố cáo

Theo đơn tố cáo của anh Đặng Nghĩa Toàn ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) khoảng đầu tháng 5/2018, anh đến giao dịch ở Chi nhánh Đông Đô của ngân hàng VietABank. Tại đây, anh Toàn và một số người được Nguyễn Thị Hà Thành đón tiếp. Thành tỏ ra thoải mái đi lại trong quầy giao dịch, ra vào phòng giám đốc nên nhiều người tưởng Thành là sếp làm việc trong ngân hàng.

Sau đó, Nguyễn Thị Hà Thành thuyết phục khách hàng lập sổ tiết kiệm đồng sở hữu với Thành để được hưởng lãi suất ưu đãi.

Đầu tháng 12, anh Đặng Nghĩa Toàn và những người đã lập sổ tiết kiệm đồng sở hữu với Nguyễn Thị Hà Thành tá hỏa khi phát hiện các sổ tiết kiệm này bị đem thế chấp vay vốn ngân hàng.

Anh Toàn khẳng định không có nhu cầu vay vốn và cũng không ký bất cứ giấy tờ gì đồng ý cho Thành dùng sổ tiết kiệm đồng sở hữu để thế chấp ngân hàng.

Đến khi anh Toàn đề nghị phía ngân hàng VietABank cho xem hồ sơ vay vốn thì phát hiện chữ ký của mình là giả nên đã nộp đơn tố cáo đến cơ quan công an. Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ các dấu hiệu vi phạm.

Chưa dừng lại ở đó, trường hợp bà Triệu Thị Tuyết Trinh và ông Triệu Hùng Cường (phường Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng dính “kịch bản” giả mạo chữ ký.

Khoảng tháng 8/2018 bà Triệu Thị Tuyết Trinh và ông Triệu Hùng Cường cùng gửi tiết kiệm có kỳ hạn tổng cộng 170 tỷ đồng tại Ngân hàng Việt Á (VietABank), phòng giao dịch Đông Đô.

Tuy nhiên, đến ngày 8/12/2018, họ đến phòng giao dịch rút tiền nhưng không được. "Thông qua cán bộ VietABank có tên là Nguyễn Thanh Tùng, tôi được biết số tiền của tôi đã bị giả mạo chữ ký để chiếm đoạt", nội dung đơn tố cáo của bà Triệu Thị Tuyết Trinh và ông Triệu Hùng Cường viết.

Giải thích việc có liên quan tới bà Nguyễn Thị Hà Thành, khách hàng Triệu Hùng Cường cho biết bà Thành giới thiệu mình là khách hàng VIP của VietABank nên được các ưu đãi chi trả lãi suất thực tế cao hơn lãi suất danh nghĩa trên hợp đồng. Từ đó các hợp đồng tiền gửi đồng sở hữu giữa ông Cường, bà Trinh liên quan đến Nguyễn Thị Hà Thành được ký kết để đảm bảo cho việc chi trả lãi suất cao hơn thực tế. Tuy nhiên, ông Cường cho biết đã hoàn lại số tiền bà Thành góp và không còn liên quan nữa.

csf

Một trong sáu hợp đồng tiền gửi tại VietA Bank do nhóm khách hàng Triệu Hùng Cường, Triệu Thị Tuyết Trinh đưa ra. 

Trong đơn tố cáo, hai khách hàng đưa ra hình ảnh 6 hợp đồng tiền gửi với số tiền từ 20 đến 35 tỷ đồng mỗi hợp đồng, có chữ ký của Giám đốc VietABank chi nhánh Đông Đô cùng giấy gửi tiền và phiếu thu có chữ ký của giao dịch viên. Các hợp đồng tiền gửi trong tháng 9-10/2018, gửi 3 tháng, lãi suất 5,5% mỗi năm.

Như vậy, có hay không việc VietABank đã trả “lãi suất ngoài” cho những khoản tiền gửi liên quan đến Nguyễn Thị Hà Thành? Nếu có thì những ai được trục lợi từ khoản tiền này?

“Dê tế thần” – Nguyễn Thị Hà Thành là ai?

Trước áp lực của khách hàng, đại diện của VietABank khẳng định sẽ trả lại sổ tiết kiệm nếu khách hàng chứng minh được chữ ký của khách hàng trong hồ sơ thế chấp của Nguyễn Thị Hà Thành là giả.

Sau đó, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Hà Nội đã xác định chữ ký của khách hàng trên các hồ sơ thế chấp vay vốn của bị can Nguyễn Thị Hà Thành là giả.

Tuy nhiên, đến nay ngân hàng VietABank vẫn phong tỏa tài khoản dẫn đến việc nhiều khách hàng bức xúc mang băng rôn kéo đến tụ tập, tạo sức ép với ngân hàng.

Trong thông cáo phát đi cuối ngày 4/1/2019, ngân hàng VietABank cho biết đã nhận thấy dấu hiệu bất thường về giao dịch của nhóm khách hàng "có dấu hiệu lừa đảo".

Theo ngân hàng VietABank, nhóm khách hàng này bắt đầu giao dịch từ giữa năm 2018. Tuy nhiên, ngay sau khi mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu, họ lập tức cầm cố các sổ tiết kiệm để vay từ 95% đến 98,5% giá trị đã gửi, đồng thời chuyển tiền qua lại giữa các tài khoản và có giao dịch với Nguyễn Thị Hà Thành. "Bằng thủ đoạn này, con số giao dịch mở sổ tiết kiệm lên tới cả trăm tỷ đồng nhưng số tiền gửi thực tế lại rất ít", VietABank cho biết.

Ngân hàng VietABank khẳng định có đủ bằng chứng về việc chuyển tiền qua lại giữa các đối tượng và các sổ tiết kiệm trên đã được cầm cố cho các khoản vay mà sau đó được giải ngân vào chính các tài khoản gửi tiền tại ngân hàng VietABank.

Như vậy, động thái phía ngân hàng VietABank làm đơn tố cáo Nguyễn Thị Hà Thành dường như chứng tỏ  ngân hàng không liên quan đến Nguyễn Thị Hà Thành? Tuy nhiên, phía khách hàng trong mỗi hợp đồng đều có “bóng dáng” của Nguyễn Thị Hà Thành. Vậy Nguyễn Thị Hà Thành là ai? Tại sao một người mà ngân hàng VietABank "không quen" lại có thể ra vào phòng lãnh đạo ngân hàng VietABank như “người nhà”? (theo khách hàng phản ánh)

Có 2 kịch bản cho câu trả lời này, một là ngân hàng VietABank đang tìm cách đẩy trách nhiệm cho người môi giới – Nguyễn Thị Hà Thành và khách hàng; hai là Nguyễn Thị Hà Thành sẽ là con “dê tế thần” mà ngân hàng VietABank dâng lên cơ quan điều tra để đánh lạc hướng?

Bước đầu cho thấy, bằng thủ đoạn lập sổ tiết kiệm đồng sở hữu, Nguyễn Thị Hà Thành và một số cá nhân đã lập khống hồ sơ, giả chữ ký, thế chấp sổ tiết kiệm để vay vốn ngân hàng.

Đến nay, anh Đặng Nghĩa Toàn bị ngân hàng phong tỏa sổ tiết kiệm 20 tỷ đồng, ông Triệu Hùng Cường (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) và em gái bị chiếm đoạt 6 sổ tiết kiệm có tổng số tiền 170 tỷ đồng. Ngoài ra, một số cá nhân khác có sổ tiết kiệm với số tiền từ 15 ỷ đồng trở lên cũng bị nhóm của Thành đem cầm cố vay vốn khoản tiền tương đương bằng hồ sơ giả mạo.

Làm sao một cá nhân không phải “người nhà” của ngân hàng lại có thể làm khống hồ sơ, giả chữ ký để có thể gửi qua đảo lại hàng trăm tỷ đồng trước quy trình được quy định nghiêm ngặt của hệ thống ngân hàng?

Nếu đúng là một mình Nguyễn Thị Hà Thành mà làm trót lọt được hàng loạt hồ sơ như vậy thì cũng chứng tỏ hệ thống quản trị của ngân hàng VietABank đang có vấn đề ở mức báo động khẩn cấp và phải chăng đã đến lúc các cơ quan chức năng phải vào cuộc để tránh thiệt hại cho khách hàng?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top