Một trong những điểm sáng của tình hình kinh tế 2 tháng đầu năm là cân đối Ngân sách Nhà nước (NSNN) ghi nhận thặng dư 1,1 tỷ USD trong tháng 2 và 4,2 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2022.
Theo WB, thu ngân sách tăng so với cùng kỳ năm trước và đạt gần 23% dự toán trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, cho thấy tác động của các chính sách gia hạn, miễn, giảm, giãn hoãn thuế trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế chưa được thể hiện rõ trong kết quả thu ngân sách. Mặt khác, giá dầu thô tăng cũng khiến thu ngân sách từ khoản này còn tiếp tục tăng, tạo thêm dư địa từ ngân sách để hỗ trợ nền kinh tế.
Nhiều khoản thu đang tăng vượt dự báo
Tổng thu NSNN 2 tháng đầu năm 2022 đạt 323,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó các khoản thu chính đều tăng tích cực như: Thu từ dầu thô tăng 57,2%, thu xuất nhập khẩu tăng 29,4%, thu nội địa tăng 7,6%. Ở chiều ngược lại, Chính phủ đã chi 12,8% kế hoạch được giao. Giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện đáng kể, đạt 8,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 5,1% cùng kỳ năm trước.
Hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định xu hướng tăng hay giảm của các khoản thu ngân sách quan trọng trong cả năm 2022, song diễn biến hiện nay cho thấy nhiều khoản thu đang tăng tốt hơn so với dự toán mà Bộ Tài chính đưa ra vào cuối năm 2021. Cụ thể, cơ quan này dự báo tổng thu cân đối NSNN năm 2022 chỉ tăng 3,4% so với ước thực hiện năm 2021. Các khoản thu chính được dự toán với sự thận trọng, như thu nội địa tăng khoảng 3,8% (trong khi 2 tháng đầu năm tăng 7,6%), thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ tăng 5,1% (2 tháng đầu năm tăng 29,4%) và số thu từ dầu thô giảm đi (2 tháng đầu năm tăng tới 57,2%).
Theo ý kiến của các chuyên gia, dự toán ngân sách năm 2022 được xây dựng khá thận trọng, số tăng cả thu và chi đều không nhiều. Trong bối cảnh hiện nay, việc phải thận trọng là tốt, nhưng cũng cần đối chiếu với thực trạng nền kinh tế trong năm 2022 cần nhiều chính sách hỗ trợ để phục hồi. Nếu ngay từ khâu lập dự toán đã không mạnh tay tính tới việc phải tăng cường các nguồn lực hỗ trợ, thì khi đi vào thực hiện sẽ khó khăn hơn.
PGS. TS. Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính đánh giá ngay từ khâu lập dự toán đã có tăng chi cho chi thường xuyên, tuy nhiên mức độ tăng chi tập trung một số lĩnh vực như dự phòng là hơi ít. Ông Cường cho rằng mức tăng chi thường xuyên chưa vạch rõ là chính sách an sinh xã hội hay y tế. Các khoản tăng chi cho y tế cần được quan tâm thảo luận kỹ. Bộ Y tế cần tăng chi cho vắc-xin nhưng ngoài ra cũng còn nhiều nhu cầu khác, chẳng hạn y tế dự phòng. Chính vì tăng vọt nhu cầu như vậy nên cần đặt vấn đề trong năm 2022 mức tăng chi như đã đặt ra có đủ hay không.
“Một vấn đề khác là chi cho đào tạo lao động, tôi thấy chưa rõ. Sự bùng phát của dịch Covid-19 tại các địa phương đã làm cấu trúc lao động thay đổi lớn, để họ quay lại cần có chi phí đào tạo”, ông Cường khuyến nghị.
Hỗ trợ phải trực tiếp và hiệu quả
Diễn biến kinh tế trong 2 tháng đầu năm cũng cho thấy sức cầu vẫn còn yếu. Tính chung 2 tháng, tổng mức bán lẻ ước tăng nhẹ 1,7% so với cùng kỳ, nhưng nếu loại trừ yếu tố giá vẫn giảm 0,3% (cùng kỳ năm 2021 tăng 0,7%). Trong tháng 2 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhưng vẫn không đủ để phục hồi sức mua, hoạt động bán lẻ có sự phục hồi nhẹ nhưng tập trung chủ yếu ở các mặt hàng thiết yếu. Rõ ràng sức cầu còn yếu do thu nhập của doanh nghiệp, người dân bị giảm sút bởi đại dịch.
TS. Vũ Sỹ Cường nhấn mạnh, về chi phí cho an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ quan trọng nhất là tiền mặt. Từ đầu năm 2021 khi được tham vấn ý kiến, ông Cường đã cho rằng cách hỗ trợ nhanh nhất, hiệu quả nhất là tiền mặt còn mọi cách khác đều sẽ chậm hơn. Các khoản này sẽ trực tiếp đi vào nền kinh tế thực, kích thích tiêu dùng, từ đó đi vào đầu tư sản xuất.
Nhiều ý kiến cho rằng việc lo ngại gánh nặng nợ là có cơ sở, nhưng cũng cần đặt lại vấn đề rằng đây có phải là lúc lo ngại chuyện vay nợ hay không. TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách và quản lý Fulbright nhận định, dự toán NSNN năm 2022 có vẻ lạc quan, với bội chi ngân sách một lần nữa tròn trịa ở mức 4,2% là con số rất an toàn. Và như vậy mục tiêu nợ công cuối năm nay cũng duy trì mức lý tưởng 58 - 59% GDP, dưới mức trần 60% mà Quốc hội cho phép. Chúng ta sẽ vay mới hơn 573.000 tỷ đồng, trong đó phần trả cho nợ gốc cũ đến hạn khoảng 200.000 tỷ đồng và như vậy phần vay ròng là hơn 300.000 tỷ đồng. So với năm 2021 thì mức vay nợ đó cũng vẫn thấp hơn.
“Chúng ta thấy có điều lạ là các quốc gia đều tăng vay nợ, tăng nợ công để thực hiện chính sách tài khoá nghịch chu kỳ. Trong bối cảnh khó khăn, các yếu tố tổng cầu gồm tiêu dùng hộ gia đình, đầu tư tư nhân, chi tiêu Chính phủ đều sụt giảm làm tổng cầu suy yếu, rất cần chính sách ngược chu kỳ để hỗ trợ nền kinh tế”, ông Tuấn khuyến nghị.
Với vai trò là năm bản lề, đặt nền móng để nền kinh tế phục hồi, việc chi tiêu ngân sách trong năm 2022 cần được thảo luận kỹ để có biện pháp kích thích nền kinh tế, trong khi bối cảnh bên ngoài vẫn tiềm ẩn rất nhiều biến động khó lường.
Hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định xu hướng tăng hay giảm của các khoản thu ngân sách quan trọng trong cả năm 2022, song diễn biến hiện nay cho thấy nhiều khoản thu đang tăng tốt hơn so với dự toán mà Bộ Tài chính đưa ra vào cuối năm 2021.
Cụ thể, cơ quan này dự báo tổng thu cân đối NSNN năm 2022 chỉ tăng 3,4% so với ước thực hiện năm 2021. Các khoản thu chính được dự toán với sự thận trọng, như thu nội địa tăng khoảng 3,8% (trong khi 2 tháng đầu năm tăng 7,6%), thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ tăng 5,1%(2 tháng đầu năm tăng 29,4%) và số thu từ dầu thô giảm đi (2 tháng đầu năm tăng tới 57,2%).