Trong đó, thu nội địa ước đạt 151,3 nghìn tỷ đồng, bằng 12,9% dự toán. Đến thời điểm cuối tháng 1, về cơ bản các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương hoàn thành việc phân giao dự toán đến các đơn vị sử dụng ngân sách theo quy định.
Khẩn trương phân bổ, giao dự toán
Thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) và phân bổ ngân sách trung ương năm 2022; căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch và dự toán NSNN năm 2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 122/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2022 và hoàn thành việc thông báo nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã khẩn trương triển khai phân bổ, giao dự toán NSNN đến các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc theo quy định.
Đối với các bộ, cơ quan trung ương, đến ngày 25/1/2022, Bộ Tài chính đã nhận được quyết định phân bổ, giao dự toán chi ngân sách thường xuyên cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc của 71/76 (93,4%) bộ, cơ quan trung ương; quyết định phân bổ, giao dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản cho các chủ đầu tư của 48/52 (92,3%) bộ, cơ quan trung ương được giao kế hoạch vốn năm 2022.
Nhìn chung theo Bộ Tài chính, công tác phân bổ, giao dự toán NSNN của các bộ, cơ quan trung ương cơ bản đáp ứng yêu cầu, đúng chính sách, chế độ quy định và trong phạm vi dự toán được giao. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp chậm triển khai hoặc chưa phân bổ hết dự toán được giao; phân bổ dự toán chưa đúng quy định. Đối với các trường hợp này, Bộ Tài chính đã yêu cầu khẩn trương hoàn thành việc phân bổ, giao dự toán hoặc điều chỉnh lại dự toán đã phân bổ.
Đối với các địa phương, hội đồng nhân dân 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã quyết định dự toán NSNN năm 2022 của địa phương; tổng số thu cân đối NSNN trên địa bàn các địa phương (không bao gồm các khoản thu quản lý qua ngân sách) là 1.605,2 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% (68,3 nghìn tỷ đồng) so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó: thu nội địa tăng 5,2% (60,58 nghìn tỷ đồng, nếu trừ thu từ tiền sử dụng đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết thì tăng 24,6 nghìn tỷ đồng). Với 42/63 địa phương quyết định dự toán thu cao hơn dự toán được giao, 21 địa phương quyết định bằng dự toán được giao; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 1,9% (6,75 nghìn tỷ đồng); thu từ dầu thô tăng 1 nghìn tỷ đồng so dự toán được giao.
Trên cơ sở số thu cân đối ngân sách địa phương giao tăng thêm và nguồn thu kết dư từ năm trước, hội đồng nhân dân các địa phương đã quyết định tổng chi cân đối ngân sách địa phương (không bao gồm các khoản chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương) là 1.013,46 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% (70,17 nghìn tỷ đồng) so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương là 112,49 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 1.768 tỷ đồng so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.
Kinh tế phục hồi chậm nên một số khoản thu giảm
Về tình hình thực hiện thu - chi NSNN tháng 1/2022, Bộ Tài chính cho biết, tổng thu NSNN tháng 1 ước đạt 183,5 nghìn tỷ đồng, bằng 13% dự toán, bằng 96,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: Thu nội địa ước đạt 151,3 nghìn tỷ đồng, bằng 12,9% dự toán, giảm 8,1% so cùng kỳ năm 2021. Trong tổng thu nội địa, hầu hết các khoản thu quan trọng đều giảm, như: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 11,1% dự toán, giảm 20,9%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 14,9% dự toán, giảm 19,6%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh đạt 14,9% dự toán, giảm 14,8%. Một số khoản thu tăng và tăng nhẹ, như: thuế thu nhập cá nhân đạt 12,7% dự toán, tăng 0,2%; các loại phí, lệ phí đạt 11,4% dự toán, tăng 0,1%; các khoản thu về nhà, đất đạt 13,3% dự toán, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Bộ Tài chính nhận định, mặc dù đạt khá so dự toán, song thu NSNN tháng 1/2022 thấp hơn cùng kỳ năm 2021, chủ yếu do tình hình kinh tế quý IV/2021 phục hồi chậm trước tác động của dịch bệnh diễn biến phức tạp với những biến chủng mới nguy hiểm, lây lan nhanh, một số ngành tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so cùng kỳ (như: khai thác quặng kim loại giảm 20%; sản xuất bia giảm 3,6%; sản xuất thiết bị điện giảm 5,5%; sản xuất ô tô giảm 9,4%...).
Cùng với thu nội địa, thu từ dầu thô tháng 1 ước đạt 3,9 nghìn tỷ đồng, bằng 13,8% dự toán, tăng 44,6% so cùng kỳ năm 2021, do cả giá và sản lượng dầu thô tăng so với cùng kỳ năm 2021 (giá dầu của Việt Nam thanh toán trong kỳ bình quân đạt 75,6 USD/thùng, cao hơn 15,6 USD/thùng so với giá dự toán, tăng 48,9% so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 800 nghìn tấn, bằng 11,4% kế hoạch, tăng 12,67% so với cùng kỳ).
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 40,3 nghìn tỷ đồng, bằng 11,4% dự toán, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1 ước tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chính tăng mạnh, như: Xăng dầu tăng 16,9%; sắt thép các loại tăng 17,7%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 23,7%... tác động làm tăng thu NSNN trong lĩnh vực này. Sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (12 nghìn tỷ đồng), thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 28,3 nghìn tỷ đồng, bằng 14,2% dự toán, tăng 31,5% so cùng kỳ năm 2021.
Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Trong tháng 1/2022, Bộ Tài chính đã phát hành gần 23,08 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, với kỳ hạn bình quân 15,81 năm, lãi suất bình quân 2,36%/năm.
Sớm đưa chính sách miễn, giảm thuế vào cuộc sống
Ngày 11/1/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã khẩn trương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan có liên quan triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15. Theo đó, Bộ Tài chính đã khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15. Trong đó, đã hướng dẫn chính sách miễn, giảm thuế trong năm 2022 theo trình tự, thủ tục rút gọn để áp dụng ngay từ đầu tháng 2/2022.
Bộ Tài chính cũng đã chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các nội dung về tài khóa trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội; xây dựng các giải pháp huy động và sử dụng linh hoạt, hiệu quả các nguồn lực thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đáp ứng kinh phí đầy đủ, kịp thời cho các nhiệm vụ chi của NSNN nói chung và thuộc chương trình nói riêng. Đây chính là cơ sở để các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện, sớm đưa các chính sách đến được với người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh phát triển.