Aa

Ngân sách Nhà nước dư gần 110.000 tỷ đồng nhưng chậm trễ chi đầu tư phát triển

Thứ Sáu, 15/04/2022 - 06:25

Tính đến hết quý I, cân đối Ngân sách Nhà nước thặng dư 109,3 nghìn tỷ đồng. Dù "dư dả" nhưng tốc độ chi ngân sách cho đầu tư phát triển chậm trễ sẽ là "điểm nghẽn" đến tiến trình phục hồi...

Cập nhật tình hình thu chi ngân sách mới nhất, Bộ Tài chính cho biết, tổng thu Ngân sách Nhà nước quý I ước đạt 460,6 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 32,6% dự toán và duy trì mức tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2021, mặc dù nhiều khó khăn, thách thức trong quý đầu năm. 

9/12 khoản thu đạt khá

Trong cơ cấu thu Ngân sách Nhà nước quý I, thu nội địa đạt 375,2 nghìn tỷ đồng, đạt 31,9% dự toán, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021.

Đạt được kết quả trên, cơ quan thuế tăng cường công tác quản lý thu Ngân sách Nhà nước, kiểm tra, rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên địa bàn để đưa vào quản lý thuế, kiểm soát chặt chẽ tình hình sản xuất kinh doanh, kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp, quản lý hóa đơn bán hàng, chống thất thu ngân sách.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng, đảm bảo đúng chính sách, quy định của pháp luật.

Nguồn: Bộ Tài chính.

Cũng tính đến hết quý I, tổng số thuế được miễn, giảm để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân theo quy định đạt khoảng 9 nghìn tỷ đồng. Cơ quan thuế tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, dù giảm thu ngân sách trong ngắn hạn nhưng lại hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân vượt khó vì tác động tiêu cực của đại dịch.

Bên cạnh đó, do giá dầu tăng mạnh, bình quân quý I đạt khoảng 90 USD/thùng, tăng hơn 30 USD/thùng so dự toán và tăng mạnh 59,5% so cùng kỳ năm 2021 nên thu từ dầu thô quý 1 đạt 14,7 nghìn tỷ đồng, hoàn thành nửa chặng đường, đạt 52,3% dự toán, tăng tới 67,6% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng dầu thô thanh toán 1,97 triệu tấn, bằng 28,1% kế hoạch.

Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu quý I đạt 70,6 nghìn tỷ đồng, bằng 35,5% dự toán, tăng 23,3% so cùng kỳ năm 2021, trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 107 nghìn tỷ đồng, bằng 30,4% dự toán; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 36,38 nghìn tỷ đồng, bằng 23,8% dự toán.

Theo Bộ Tài chính, một số ngành có đóng góp số thu lớn cho ngân sách tăng trưởng khá như sản xuất thiết bị điện, trang phục, da, sản phẩm điện tử, máy tính...

Một số khoản thu tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021 như thuế thu nhập cá nhân tăng 20,7%, chủ yếu nhờ tăng thu từ các hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán...; thuế bảo vệ môi trường tăng 7,1% do tiêu thụ xăng dầu trong quý 1 tăng; lệ phí tăng 4,7% nhờ tăng thu lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, nhà đất.

Cùng với đó, thu tiền cho thuê đất tăng 26,9%; thu tiền sử dụng đất tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021...

Tuy nhiên, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh, mặc dù đạt khá so dự toán, nhưng vẫn thấp hơn so cùng kỳ năm 2021.

Bộ Tài chính cũng lưu ý, có 3 khoản thu tiến độ đạt thấp là thu cấp quyền khai thác khoáng sản mới đạt 17,4% dự toán; thu quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác đạt 22,5% và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước đạt 22,8% dự toán, chủ yếu do chưa phát sinh thu tiền bán vốn Ngân sách Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp.

Chậm trễ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công

Về phía chi, tổng chi Ngân sách Nhà nước quý I đạt 351,3 nghìn tỷ đồng, bằng 19,7% dự toán.

Trong đó, chi trả nợ lãi đạt 28,8% dự toán; chi thường xuyên đạt 23,4% dự toán. Đáng quan ngại, chi đầu tư phát triển đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (13,17%).

Bộ Tài chính khẳng định, các nhiệm vụ chi ngân sách được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, Ngân sách Trung ương chi từ dự phòng bổ sung cho các địa phương 913 tỷ đồng kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định.

Tiến độ giải ngân vốn quý I chậm so với cùng kỳ, nhất là vốn ngoài nước chỉ đạt xấp xỉ 1% kế hoạch.

Ngoài ra, thực hiện xuất cấp 27,19 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả mưa lũ, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.

Như vậy, cân đối Ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo, Ngân sách Nhà nước thặng dư 109,3 nghìn tỷ đồng. 

Tính đến ngày 25/3/2022, thực hiện phát hành 41,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 15,85 năm, lãi suất bình quân 2,39%/năm.

Liên quan đến chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao là 518,1 nghìn tỷ đồng, các địa phương giao tăng khoảng 39,9 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương... Cũng trong năm 2022, hàng chục ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công được giải ngân từ chương trình phục hồi. 

Tuy nhiên, đến hết quý I, các bộ, cơ quan Trung ương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đạt 97,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Như vậy, kế hoạch vốn chưa được triển khai phân bổ chi tiết là 51.015,655 tỷ đồng, chiếm 9,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, vốn trong nước là 49.443,821 tỷ đồng, vốn ngoài nước là 1.571,834 tỷ đồng. Trong đó, có 19/51 bộ và 20/63 địa phương chậm trễ chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.

Việc giải ngân chậm vốn ODA do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn: tác động bởi đại dịch Covid-19, áp lực lạm phát, giá vật tư, vật liệu xây dựng sắt thép, cát đá, xi măng tăng cao làm cho tiến độ thi công các dự án ODA bị chậm lại.

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn được nhìn nhận là nguyên nhân chủ yếu, dẫn đến tiến độ giải ngân vốn ODA ì ạch.

Theo Bộ Tài chính, một số Bộ, ngành, địa phương còn thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ, chưa thật sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và các nhà tài trợ còn thiếu chặt chẽ.

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác có thể kể đến như tính sẵn sàng của dự án chưa tốt, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn gặp khó khăn, vướng mắc do phải thực hiện hài hòa giữa thủ tục trong nước và chính sách của nhà tài trợ, các quy định pháp luật về vốn ODA còn phức tạp...

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị chức năng bảo đảm nguồn thanh toán cho các dự án; rà soát các quy định để tiếp tục đơn giản hoá thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát chi, rút vốn từ nhà tài trợ, bảo đảm đúng quy định.

Bộ Tài chính cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời xử lý các vướng mắc về thanh, quyết toán; phối hợp với các nhà tài trợ nước ngoài và các cơ quan liên quan và cơ quan chủ quản đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết Hiệp định, triển khai dự án và giải ngân, rút vốn từ các nhà tài trợ.

Về việc kéo dài kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách Trung ương năm 2021 sang năm 2022, người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát số vốn còn lại của năm 2021 chưa giải ngân và nhu cầu kéo dài của các địa phương để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Trong đó, báo cáo rõ các quy định về kéo dài, thẩm quyền quyết định và đề xuất phương án xử lý, bảo đảm đúng quy định.

Về giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương coi việc giải ngân vốn đầu tư năm 2022 là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022.

Vì vậy, cần có các giải pháp quyết liệt ngay để triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên.

Đồng thời, khẩn trương rà soát, kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn...; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc chậm giải ngân, gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top