Aa

Ngàn tỷ đồng "chết dí" tại dự án Đại học Quốc gia Hà Nội (Hòa Lạc)

Thứ Tư, 20/09/2017 - 06:01

Với mục tiêu xây dựng khu đô thị đại học hiện đại, tiên tiến bậc nhất khu vực Ðông Nam Á, Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) được Chính phủ thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 2003 với tổng kinh phí ước tính đầu tư là 7.320 tỷ đồng. Tuy nhiên, đã 10 năm qua, dự án mới được đầu tư chủ yếu cho giải phóng mặt bằng và hạ tầng giao thông.

Dự án Đầu tư Xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG Hà Nội) tại Hòa Lạc được triển khai đầu tư xây dựng từ năm 2003 với tổng quỹ đất lên đến 1.000ha. Ngày 30/9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển chủ đầu tư dự án Dự án Đầu tư Xây dựng ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc từ ĐHQG Hà Nội sang cho Bộ Xây dựng. Hiện, quy mô đào tạo của ĐHQGHN đã thay đổi từ 13 dự án thành phần tăng lên 21 dự án; số lượng sinh viên tăng từ 41 nghìn lên 60 nghìn.
 
Ngày 20/12/2003, Lễ khởi công dự án ĐHQG Hà Nội tại Hoà Lạc đã được tiến hành. Theo kế hoạch ban đầu, Dự án này được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: từ 2003 đến 2007 giá trị xây dựng là 3.877 tỷ đồng; Giai đoạn 2: từ 2008 đến 2015 giá trị xây dựng là 3.898 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, đến nay dự án này vẫn chưa biết đến khi nào có thể về đích.
 
Hiện tại, Dự án ĐHQG Hà Nội tại Hoà Lạc đã đưa vào sử dụng công trình khu nhà công vụ số 1. Đây là công trình đầu tiên được thi công với quy mô xây dựng 9.685m2 sàn, chiều cao 5 tầng. Nhà công vụ số 1 là nơi ở của các chuyên gia, giáo viên thỉnh giảng trong nước và quốc tế, là tổ hợp dịch vụ, nơi tổ chức các hội nghị của ĐHQG Hà Nội với 97 phòng ngủ, hội trường 130 chỗ, khu ăn uống, giặt là, sân thể thao... được xây dựng đạt chuẩn khách sạn 3 sao.
 
Nằm đối diện với nhà công vụ số 1 là công trình Ban Quản lý Đầu tư xây dựng ĐHQG Hà Nội - Bộ Xây dựng.
 
 Ngày 21/11/2014, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng ĐHQG Hà Nội (BQL, thuộc Bộ Xây dựng) đã tổ chức lễ bàn giao Khu KTX số 4 cho ĐHQG Hà Nội.
 
Theo quy hoạch, các công trình KTX sinh viên là dự án thành phần gồm 5 khu được xây dựng trên phần đất có diện tích 88,8ha, tổng diện tích sàn dự kiến 494.270m2, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho gần 43.000 sinh viên. Giai đoạn 1, sẽ đầu tư xây dựng 108.739m2 sàn. Khu KTX số 4 bao gồm các công trình nhà D2, D3, D4, D5 và hạ tầng kỹ thuật có quy mô phục vụ cho hơn 2.000 sinh viên. 
 
Trung tâm Giáo dục Quốc phòng - An ninh quản lý, khai thác các hạng mục công trình phục vụ công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên theo mô hình tập trung tại Hòa Lạc.
 
 Sân chơi thể thao cạnh Nhà ở công vụ số 1.
 
Việc triển khai chậm và đầu tư dang dở nhiều hạng mục hạ tầng tại đây đã dẫn đến lãng phí không nhỏ. Hạ tầng không được kết nối, nhiều tuyến đường làm xong rồi để đó. 
 

  Nút giao thông tương đối hoàn thiện tại dự án ĐHQG Hà Nội. Nhưng hiệu quả sử dụng thì lại không có, gây ra một sự lãng phí lớn. 

Các tuyến đường đã triển khai đều bị cỏ dại mọc um tùm...
 
Phần lớn, diện tích sự án vẫn là những đồi đất hàng trăm héc-ta vẫn phủ kín màu cỏ dại, hoang vắng.  
 
Các công trường triển khai hạ tầng giao thông bị bỏ dở, không có bóng dáng công nhân.
 
Mặc dù là dự án đầu tư cho giáo dục có vốn lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng sự quan tâm giải quyết những vướng mắc tại đây còn rất chậm trễ.
 
Theo Bộ Xây dựng, khó khăn lớn nhất hiện nay là huy động nguồn kinh phí đầu tư tiếp cho dự án, lượng vốn được Nhà nước giao hàng năm quá thấp so với yêu cầu, không đáp ứng theo chỉ đạo về tiến độ của Chính phủ. Kế hoạch vốn cấp cho dự án năm 2016 là 340 tỷ đồng và cho cả giai đoạn từ 2016-2020 là hơn 1.129 tỷ đồng. 
 
Tuyến đường số 11 thuộc Dự án thành phần xây dựng cơ sở hạ tầng của Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc đã được hoàn thiện. 
 
Mới đây, tại buổi làm việc, giải quyết các kiến nghị, vướng mắc của ĐHQG Hà Nội ngày 12/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ kỳ vọng và tháo gỡ nhiều vướng mắc để dự án xây dựng khu đô thị đại học tại Hòa Lạc thành hiện thực.  
 
Trước kiến nghị về dự án xây dựng ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc, Thủ tướng đồng ý việc chuyển giao ban quản lý dự án từ Bộ Xây dựng về ĐHQG Hà Nội, đồng thời ủy quyền quyết định đầu tư cho ĐHQG Hà Nội. Đồng thời, Thủ tướng mong muốn, với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao, với tiềm năng nội lực về đội ngũ, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là với kinh nghiệm và thành tựu đạt được của mình, ĐHQGHN là đơn vị tiên phong, đi đầu góp sức quan trọng vào việc phát triển, triển khai các hoạt động thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.
 
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top