Du lịch là một ngành “dễ bị tổn thương” trước tác động của khủng hoảng kinh tế, bất ổn chính trị, thiên tai, dịch bệnh… Khi xảy ra các biến động khách quan, du lịch nội địa được xem như “giảm xóc” hiệu quả giúp các điểm đến vượt qua khó khăn, từng bước hồi phục trở lại.
Trước đây, kế sách dồn lực kích cầu du lịch nội địa đã được Việt Nam vận dụng thành công trong giai đoạn vượt khó khi chịu các tác động của dịch SARS năm 2003, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2009… Nhờ đó, du lịch Việt Nam đã phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trở lại.
Từ cuối tháng 1/2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lan rộng ở nhiều quốc gia, trở thành đại dịch toàn cầu. Hoạt động du lịch quốc tế bị “đóng băng” đã khiến cho ngành du lịch toàn cầu nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng lao đao và rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử. Khi du lịch quốc tế còn chưa mở cửa, du lịch nội địa lại được xem như “cứu cánh” cho du lịch hồi sinh.
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường du lịch vừa được công bố bởi JLL, các khách sạn ở khu vực lân cận thành phố lớn đang hưởng lợi từ nguồn khách du lịch nội địa. Bởi trong bối cảnh hạn chế đi lại và cảnh giác cao về vấn đề an toàn, trào lưu du lịch gần nhà đang nở rộ trên toàn thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Kỳ nghỉ (vacation) thường được hiểu là một chuyến đi dài ngày đến những nơi xa trong và ngoài nước, thì “staycation” sẽ là chuyến du lịch ngay tại thành phố sở tại, hoặc các thành phố lân cận chỉ cách vài tiếng di chuyển. Staycation vẫn có thể đáp ứng nhu cầu thay đối không khí và thư giãn, mà không tốn quá nhiều thời gian di chuyển.
Mặc dù lượng khách từ trào lưu này không thể bằng lượng khách du lịch quốc tế trước khi dịch bệnh xảy ra, nhưng vẫn tốt hơn là để trống phòng. Trong thời gian cách ly, các khách sạn khó kiếm doanh thu từ phòng trừ khi họ hoạt động như một khu cách ly của chính phủ.
JLL nhận định: “Trào lưu staycation là một động lực lớn về mặt tinh thần để các nhà kinh doanh khách sạn”.
Theo JLL, đại dịch toàn cầu khiến thị trường du lịch thế giới rơi vào tình trạng đóng băng, điểm dừng đầu tiên trên con đường phục hồi đầu tiên của ngành khách sạn và du lịch chính là thị trường nội địa.
Chẳng hạn ở Trung Quốc, các công ty du lịch và khách sạn đang nỗ lực để khuyến khích du lịch sau nhiều tháng chống dịch. Vì không thể du lịch nước ngoài, đa số người dân đã chọn đi đến những thành phố gần nơi ở của mình để nghỉ dưỡng.
Tại Việt Nam, sau nhiều tháng đóng cửa, cơn “đói” du lịch cũng đang là động lực thúc đẩy doanh thu cho ngành khách sạn Việt Nam. Các thành phố du lịch như Đà Lạt, Nha Trang cũng đã đông đúc trở lại vào những ngày cuối tuần kể từ khi quy định giãn cách xã hội được nới lỏng. Đây là một tín hiệu tốt cho các chủ khách sạn phải đối mặt với hiện trạng phòng trống dài hạn suốt những tháng qua.
Tuy nhiên, để khởi động lại sau thời gian dài im ắng, các chuỗi khách sạn cũng cần nghiên cứu thêm để mang đến những trải nghiệm mới cho khách hàng nội địa để gia tăng giá trị dịch vụ.
Với việc nhiều thành phố vẫn thực thi chính sách làm việc tại nhà, các khách sạn có thể giữ khách ở lại lâu hơn. Ví dụ như ở Ấn Độ, các khách sạn đã và đang cung cấp các gói “workcation”, nghỉ dưỡng kết hợp làm việc như một biến thể của staycations. Loại hình nghỉ dưỡng này rất thích hợp với những gia đinh có con nhỏ và bận rộn, khi bố mẹ có thể vừa làm việc từ xa, vừa tận hưởng sự thư giãn trong không gian khách sạn.
Giới phân tích thị trường đưa ra dự báo, hình thức “du lịch tại chỗ” là một trong những trào lưu điển hình trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, các khách sạn cần nhắm đến phân khúc khách hàng ở khu vực lân cận bằng cách mang đến những gói trải nghiệm gồm chỗ lưu trú, ăn uống và đầy đủ tiện ích. Khách hàng vẫn trải nghiệm như một chuyến du lịch thông thường ngay tại nơi họ đang sinh sống hoặc khu vực lân cận mà không cần phải đi xa. Ngoài ra, các nhà hàng cũng sẽ áp dụng những chiến lược tương tự bằng cách đưa ra các chương trình tiếp thị và quảng bá sáng tạo để có thể thu hút khách địa phương nhiều hơn, ví dụ như các bữa ăn cuối tuần theo chủ đề.
Tại Hội thảo "Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19" được tổ chức mới đây, chuyên gia kinh tế, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, phải làm mới ngành du lịch của Việt Nam. Theo ông, du lịch là ngành mũi nhọn vì vậy phải đi đầu và cũng đáng phải làm đầu tiên. Theo đó, nên đưa ra một khuôn khổ về chiến lược phát triển của ngành, trong đó có giải pháp "cần hiểu sự thay đổi của hành vi du lịch" để đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng.
Cụ thể, hành vi khách hàng theo một khảo sát đã có sự thay đổi trong bối cảnh Covid-19, đa số khách hàng muốn du lịch biển và du lịch thiên nhiên; thực hiện các tour ngắn ngày, gần nơi mình sinh sống và đi cùng nhóm nhỏ như bạn bè và gia đình. Xu hướng khách tự đặt tour (62%) và đặt phòng khách sạn, tour qua nền tảng trực tuyến (44%) cũng đang áp đảo đòi hỏi ngành du lịch phải cơ cấu lại.