Sáng 16/10, UBND TP. Hà Nội, Công ty TNHH Hiệp hội Thể thao Xe động cơ (VMA) và Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix (VGPC) đã chính thức thông báo hủy chặng đua xe Công thức 1 tại Việt Nam năm 2020 sau nhiều lần thảo luận với Liên đoàn Ô tô quốc tế (FIA) và Tập đoàn Formula 1.
Chia sẻ với Reatimes, ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội nhấn mạnh, chặng đua F1 được kỳ vọng là sự kiện để quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội, khi có thể là cầu nối để thu hút đông đảo khách quốc tế đến Việt Nam, xây dựng hình ảnh một Việt Nam năng động, hiện đại, văn minh và thân thiện tới bạn bè quốc tế. Thời gian qua, đơn vị tổ chức cũng như các doanh nghiệp du lịch đã bỏ nhiều tâm huyết và nguồn lực để chuẩn bị cho giải đua diễn ra tại Việt Nam. Tuy nhiên, dịch bệnh xảy đến ngoài ý muốn khiến mọi kế hoạch đặt ra bị “phá sản”. Hồi tháng 3, các đơn vị liên quan đã hoãn giải đua này vô thời hạn. Đến thời điểm này, dù Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh nhưng trên thế giới tình hình vẫn đang rất căng thẳng.
Do đó, vị này khẳng định, dù việc dừng tổ chức sự kiện sẽ tạo ra nhiều hụt hẫng và tiếc nuối, đồng thời cũng gây tốn kém không ít chi phí đã bỏ ra, tuy nhiên, đây là quyết định đúng đắn và dũng cảm. Việc quảng bá du lịch, đó là câu chuyện đường dài, lúc này không nên vội vàng mà đánh đổi sự an toàn của người dân.
“Thời điểm này, việc phòng chống dịch vẫn được đặt lên hàng đầu nên phải hết sức cẩn trọng. Việc tổ chức giải đua sẽ kéo theo nhiều du khách quốc tế sẽ khó mà kiểm soát được. Đặc biệt, trong thời điểm dịch vẫn bùng phát như hiện nay thì việc đón các du khách để tổ chức giải sẽ hết sức khó khăn và chưa chắc đã tổ chức được, chưa kể việc tổ chức ra sẽ không khả thi. Trừ trường hợp một số nước đua mà không có khán giả, khán giả trực tuyến. Việc hủy chặng đua F1 trong năm 2020 là tối ưu. Có thể chúng ta sẽ tổ chức vào năm 2021, 2022, tùy vào tình hình dịch bệnh và khả năng phục hồi kinh tế”, ông Hùng nói.
Vị này chia sẻ thêm, thời điểm này, các công ty du lịch đã ký hợp đồng với ban tổ chức để bán vé cho khách, thậm chí những khách sạn xung quanh đường đua đã được đặt chỗ hết nhưng với tình hình dịch diễn biến như hiện nay thì buộc phải hủy vé và trả lại tiền cho khách hàng.
“Không riêng gì khách du lịch tham gia đường đua, mà khách du lịch quốc tế thường họ đặt vé trước 6 tháng hoặc một năm thì chúng tôi cũng sẽ làm như vậy.
Ngành du lịch cũng luôn ủng hộ quyết định này, mặc dù du lịch thì rất cần khách, nhưng với tình hình hiện nay thì ưu tiên số 1 vẫn là phòng chống dịch. Vì phòng chống dịch tốt thì hoạt động kinh tế mới quay trở lại, còn nếu cứ vài tháng dịch lại bùng phát thì sẽ khiến cho nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Đó không phải là điều mà chúng ta muốn nhận. Do đó, việc cân nhắc để hướng tới chặng đường xa hơn, bền vững hơn là điều đáng hoan nghênh”, chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội nhấn mạnh.
Bà Lê Thị Hoàng Yến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao cũng nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay thì tất cả các giải thể thao nói chung đều không thể tổ chức được vì không có các chuyến bay thương mại, chưa kể phải cách ly rất phức tạp nên việc hủy giải đua F1 là điều tất nhiên để tránh những rủi ro có thể xảy đến.
"Quyết định hoãn giải đua F1 tại Hà Nội trong năm nay, tôi cho rằng rất cần thiết và đúng đắn ở thời điểm này. Nếu chúng ta cố tổ chức, mục tiêu ban đầu là quảng bá du lịch và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam cũng sẽ không thể đạt được. Hơn nữa, ảnh hưởng của dịch Covid-19 được dự báo sẽ còn rất dài. Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung cần ưu tiên về kinh tế, an sinh xã hội để phục hồi lại sau đại dịch", bà yến khẳng định.
Ở góc độ kinh tế, chia sẻ với báo chí, TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận, việc hủy chặng đua F1 không chỉ là điều nên làm mà còn là điều phải làm. Bởi trong bối cảnh dịch bệnh thế này, khả năng có một cuộc đua hấp dẫn theo cách truyền thống, thu hút hàng triệu khách du lịch, nhờ đó, có thể thu hồi vốn như dự kiến, chắc chắn là không tưởng. Hủy tổ chức giải đua từ góc nhìn kinh tế chính là để giảm thiểu thiệt hại cho nguồn lực xã hội, nói rộng hơn nữa là cho cả nền kinh tế trong tương lai.
“Đây không phải là lãng phí, mà là sự hy sinh cần thiết. Ít nhất nó cũng giống như thao tác "cắt lỗ" trong đầu tư chứng khoán. Vấn đề lúc này là lựa chọn mục tiêu mới: chặn xu thế lỗ để giảm tổn thất. Rộng hơn, có thể là dành nguồn lực cho mục tiêu ưu tiên khác, giải quyết vấn đề sống còn đại cục”, TS. Trần Đình Thiên khẳng định.
Mặt khác, theo các chuyên gia, chặng đua F1 không phải là hình thức duy nhất để quảng bá du lịch mà còn rất nhiều cách khác hiệu quả hơn. Vì lợi ích lâu dài, việc hủy bỏ chặng đua F1 là vấn đề không phải bàn cãi. Trong tương lai gần, Nhà nước cần ưu tiên hỗ trợ cả chính sách và ngân sách cho những doanh nghiệp có thể lan tỏa cho nền kinh tế phục hồi nhanh sau tác động của dịch bệnh. Khi nền kinh tế ổn định và tăng trưởng trở lại mới cân nhắc đến việc giải quyết nhu cầu giải trí thể thao.