Ngành du lịch, khách sạn khởi đầu thuận lợi sau dịch Covid-19
Du lịch, nhà hàng, khách sạn là một trong những ngành công nghiệp đầu tiên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và được dự đoán sẽ cần nhiều thời gian nhất để có thể phục hồi hoàn toàn. Tất cả các lĩnh vực trong ngành đều bị ảnh hưởng, từ các chuỗi nhà hàng, khách sạn quốc tế, dịch vụ hàng không cho đến các nhà hàng và cơ sở lưu trú quy mô nhỏ. Tình trạng này đang xảy ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Các nước phương Tây hiện vẫn đang áp dụng lệnh phong tỏa với hy vọng có thể sớm mở cửa trở lại vào tháng 5 tới.
Nhờ có các biện pháp ứng phó nhanh chóng và kịp thời, Việt Nam đã kiểm soát dịch tốt hơn một số quốc gia khác. Bên cạnh đó, việc cho phép mở lại một phần hoạt động kinh doanh của các nhà hàng và khách sạn trong những ngày gần đây được xem là sự khởi đầu thuận lợi cho quá trình hồi phục tại thị trường Việt Nam.
Thực tế cho thấy ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn hiện nay vẫn có tốc độ phục hồi khá chậm, các chủ khách sạn vẫn chưa thể định hình được tình hình hoạt động trong thời gian tới và bao lâu thì nguồn cầu mới quay trở lại mức trước đại dịch. Trong giai đoạn này, phần lớn các nhà hàng và khách sạn đều áp dụng chiến lược tạm ngưng một phần hoặc hoàn toàn hoạt động kinh doanh để cắt giảm chi phí, chỉ giữ lại các nhân sự chủ chốt cũng như chuẩn bị kế hoạch đi vào hoạt động trở lại.
Những chiến lược này sẽ phần nào giúp bù đắp sự sụt giảm doanh thu trong ngắn hạn, tuy nhiên nguồn cầu trong thời gian tới vẫn là dấu hỏi lớn cho các chủ khách sạn. Trong ngắn hạn, khách du lịch nội địa được kỳ vọng sẽ là phân khúc đầu tiên phục hồi trở lại.
Giải pháp phục hồi cho ngành khách sạn
Yếu tố sáng tạo được xem là giá trị cốt lõi và là chìa khóa để tạo ra nguồn doanh thu mới. Các khách sạn trong thành phố cần đưa ra những chính sách hấp dẫn để có thể thu hút nhóm khách công vụ và nghỉ dưỡng. Hình thức “Du lịch tại chỗ” - “Staycations” là một trong những ví dụ điển hình, theo đó các khách sạn nhắm đến phân khúc khách hàng ở khu vực lân cận bằng cách mang đến những gói trải nghiệm gồm chỗ lưu trú, ăn uống và đầy đủ tiện ích. Khách hàng vẫn trải nghiệm như một chuyến du lịch thông thường ngay tại nơi họ đang sinh sống hoặc khu vực lân cận mà không cần phải đi xa.
Hy vọng các nhà hàng cũng sẽ áp dụng những chiến lược tương tự bằng cách đưa ra các chương trình tiếp thị và quảng bá sáng tạo để có thể thu hút khách địa phương nhiều hơn, ví dụ như các bữa ăn cuối tuần theo chủ đề. Các hình thức lưu trú cũng có thể đưa ra các gói trải nghiệm cho khách hàng như cung cấp đầu bếp riêng cho du khách.
Về chi phí hoạt động, trong ngắn hạn chủ đầu tư có thể cân nhắc cho nhân viên nghỉ việc tạm thời và sử dụng quỹ dự phòng để giúp duy trì hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, trong dài hạn nếu nguồn cầu không hồi phục nhanh chóng thì việc trả các khoản nợ và chi phí thuê tài sản/ đất sẽ có tác động đáng kể, đăc biệt đối với các cơ sở kinh doanh thuộc lĩnh vực nhà hàng và quán bar. Các tổ chức tài chính và đơn vị cho thuê sẽ tích cực làm việc với chủ đầu tư để tìm ra những giải pháp cùng có lợi nhằm góp phần xây dựng và hỗ trợ quá trình phục hồi sau đại dịch.
Riêng đối với phân khúc du lịch MICE - Loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác - được dự kiến sẽ là một trong những phân khúc phục hồi sau cùng vì những hoạt động này thường đòi hỏi sự tập trung lượng lớn người tham dự.
Nguồn khách MICE nội địa dự kiến có thể phục hồi lại khi được Chính phủ cho phép. Các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vẫn phải được áp dụng nghiêm ngặt và các doanh nghiệp cũng cần cắt giảm quy mô của những buổi hội họp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực bất động sản, vì những buổi ra mắt dự án thường diễn ra với sự tham gia của một lượng lớn các khách hàng.
Do vậy, các doanh nghiệp cần cân nhắc áp dụng các hình thức tổ chức sự kiện, hội thảo khác trong giai đoạn này cho đến khi việc tham gia vào những sự kiện đông người không còn là mối lo ngại và được Chính phủ cho phép.
Có thể nói, các hoạt động MICE sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi việc đa số các doanh nghiệp hiện nay đều thực hiện cắt giảm chi phí cho các sự kiện và hoạt động giải trí trong ít nhất hai quý tới. Các sự kiện quy mô nhỏ dự kiến sẽ được phục hồi trước. Các sự kiện quốc tế được tổ chức bởi các tập đoàn đa quốc gia với sự tham gia của lượng lớn khách quốc tế sẽ chỉ được tổ chức trở lại sau khi các chính sách hạn chế du lịch được dỡ bỏ và mức chi tiêu của các doanh nghiệp tăng trở lại mức trước đại dịch. Quá trình này có thể sẽ mất một thời gian khá dài.
Kỳ vọng một kịch bản tươi sáng
Trước đây, sự phục hồi sau đại dịch Covid-19 được kỳ vọng sẽ theo mô hình chữ V, điều này vốn phổ biến trong ngành khách sạn và du lịch, và đã từng diễn ra ở Việt Nam trước đó khi khách Trung Quốc và Nga đột ngột giảm trong giai đoạn từ tháng 6/2014 đến tháng 6/2015 nhưng cả hai đều nhanh chóng phục hồi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tác động kinh tế toàn cầu và diễn biến khó lường trước của dịch Covid-19, dự đoán việc khôi phục hoàn toàn có thể sẽ diễn ra vào năm 2021.
An toàn là một yếu tố vô cùng quan trọng trong ngành du lịch và mọi người sẽ chỉ bắt đầu đi du lịch trở lại khi họ cảm thấy thật sự an toàn. Nhu cầu du lịch trong nước sẽ đóng vai trò quan trọng trong thời gian tới, đặc biệt là nhóm du khách trẻ, tiếp sau đó là việc dần mở cửa trở lại đối với một số quốc gia đóng vai trò quan trọng với ngành du lịch của Việt Nam.
Chúng ta có thể tin tưởng rằng Việt Nam sẽ trải qua quá trình tương tự như Trung Quốc sau khi đại dịch được kìm hãm, theo đó thị trường Trung Quốc chỉ mất khoảng 6 tuần để công suất phòng khách sạn trở lại mức 30% sau khi công suất bị giảm mạnh vào giai đoạn trước đó và điều này phụ thuộc hoàn toàn vào khách du lịch nội địa, đặc biệt là nhóm du khách trẻ. Có nhiều cơ sở để tin tưởng rằng ngành khách sạn Việt Nam một lần nữa sẽ trở thành một minh chứng điển hình về khả năng phục hồi sau đại dịch.