Aa

Ngành quản lý khách sạn: Doanh nghiệp Việt khó chen chân

Chủ Nhật, 24/11/2019 - 13:50

Là mảnh đất màu mỡ và đang ngày càng phát triển, nhưng các doanh nghiệp quản lý, vận hành khách sạn Việt khó chen chân vào các dự án khách sạn, resort cao cấp.

Khối ngoại lấn lướt

“Tôi kỳ vọng và mong chờ vào việc sẽ có doanh nghiệp Việt trở thành tên tuổi lớn của ngành quản lý, vận hành khách sạn trong tương lai”.

Đó là chia sẻ của ông Robert McIntosh, Giám đốc điều hành CBRE Hotels châu Á - Thái Bình Dương trong một hội thảo chuyên ngành về khách sạn cách đây chưa lâu.

Không chỉ phản ánh góc nhìn của một chuyên gia trong lĩnh vực này, chia sẻ và nhận định của ông Robert McIntosh còn cho thấy một thực tế, chúng ta chưa có được các thương hiệu Việt đủ lớn mạnh trong lĩnh vực mà Việt Nam đi sau thế giới cả chục, cả trăm năm.

Cần hiểu rằng, mục tiêu của việc chỉ định nhà điều hành không hẳn là chọn được thương hiệu cao cấp hay nổi tiếng nhất, mà là thương hiệu phù hợp nhất cho dự án với các điều khoản thương mại được thương thảo và cơ cấu hợp lý. Điều này chỉ có thể đạt được nếu thực hiện đúng và đầy đủ quy trình lựa chọn nhà điều hành - thường được bắt đầu bằng việc xác định định vị phù hợp cho dự án.

Ông Mauro Gasparotti,

Giám đốc Savills Hotels APAC

Vị chuyên gia của CBRE nhấn mạnh, các thương hiệu quản lý, vận hành quốc tế vẫn đang chiếm ưu thế và có mức tăng ấn tượng, đang có ngày càng nhiều hơn các tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực này tìm đến thị trường Việt Nam. Thậm chí, các tập đoàn này còn đưa cả những thương hiệu mới, với các phân khúc và tiêu chí khác đến để khai thác thị trường.

“Tiếc là số lượng các đơn vị quản lý, vận hành khách sạn trong nước lại tăng không nhiều. Tôi kỳ vọng các bạn người Việt thấu hiểu văn hóa địa phương sẽ có thể mở rộng lĩnh vực này và sớm có được những doanh nghiệp lớn, thương hiệu lớn”, ông Robert McIntosh nói thêm.

Trên thực tế, các thương hiệu quản lý vận hành khách sạn ngoại đang áp đảo tại các thị trường lớn, thị trường truyền thống vốn đã được du khách quen mặt, biết tên. Hai năm qua, số lượng các thương hiệu này ngày càng tăng và được dự báo sẽ còn tiếp tục trong tương lai. Nhưng trong xu hướng ly tâm và tìm đến các điểm đầu tư mới đang diễn ra mạnh mẽ, ngày càng xuất hiện nhiều hơn các dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở các vùng đất mới như Bình Định, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, hay những điểm đã khá quen thuộc nhưng đang bước vào cuộc tái định vị thương hiệu mới như Lâm Đồng, Bình Thuận, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ninh…

Đánh giá về tiềm năng thị trường ngách này, ông Trịnh Văn Khanh, Giám đốc điều hành Vietnam Hospitality Group - một thương hiệu quản lý, vận hành khách sạn Việt Nam cho rằng, các công ty quản lý khách sạn Việt có khả năng tham gia dự án tại các địa phương không sôi động về du lịch và các thị trường này, thậm chí chiếm đa số ở Việt Nam.

Nội khó chen chân

Có thể nói, việc tin dùng thương hiệu ngoại đang diễn ra khá phổ biến trên thị trường khách sạn Việt Nam. Thậm chí, có doanh nghiệp thẳng thắn đưa tiêu chí chỉ chọn ngoại.

Giải pháp liên kết, bắt tay giữa các công ty quản lý vận hành khách sạn trong nước và các thương hiệu ngoại có thể sẽ xảy ra trong tương lai. Nếu điều đó được thực hiện, thì các liên doanh sẽ hội tụ được nhiều điểm cộng, đáp ứng được tối đa nhu cầu của thị trường.

Ngay với Vietnam Hospitality Group, trong năm 2019, chúng tôi cũng nhận được hai lời mời hợp tác. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu và tiếp tục tìm kiếm các cơ hội tốt hơn nữa. Việc hợp tác, theo tôi còn giúp các công ty Việt có cơ hội vươn ra thị trường khu vực.

Năm ngoái, chúng tôi có khách hàng mời tham gia dự án bên Lào, nhưng do quá bận với các dự án trong nước tại thời điểm đó và cũng cần có thời gian nghiên cứu, thiết lập nền tảng tại thị trường đó, nên chúng tôi chưa vội tham gia.

Ông Trịnh Văn Khanh, Giám đốc điều hành Vietnam Hospitality Group

Trong một chia sẻ với phóng viên, đại diện một chủ đầu tư cho biết, dự án của mình từng bị đối tác ngoại từ chối hợp tác vì chưa nhìn thấy tiềm năng, thương hiệu chủ đầu tư chưa được kiểm chứng vì mới gia nhập thị trường. Doanh nghiệp này đã mất hơn 1 năm theo đuổi mới nhận được cái gật đầu. Dù khó khăn như vậy, nhưng doanh nghiệp này chưa từng nghĩ đến việc thuê công ty trong nước.

Chia sẻ về lý do, vị này cho biết, việc hợp tác với thương hiệu ngoại sẽ mang đến nhiều thuận lợi, nhất là các yếu tố về thương hiệu, tệp khách hàng. Do đó, đây vẫn là những ưu tiên. Với các thương hiệu lớn có tuổi đời hàng chục, thậm chí cả trăm năm, lại là các thương hiệu toàn cầu, nên việc họ từ chối hợp tác khi chưa thích hợp là hoàn toàn dễ hiểu. Điều đó cũng cần tôn trọng.

“Khi chúng tôi chịu khó sửa mình, khẳng định được thương hiệu, chất lượng sản phẩm, cùng lúc tiềm năng thị trường đi lên trông thấy, hai bên đã tìm được tiếng nói chung”, vị này cho biết.

Trong khi đó, nhìn nhận về cuộc đổ bộ của các thương hiệu ngoại và việc có hay không khả năng thuê đơn vị trong nước quản lý, vận hành dự án bất động sản nghỉ dưỡng do doanh nghiệp mình triển khai, ông Adam Riley, Giám đốc Bộ phận khách sạn BIM Group cho biết, trong quá trình phát triển các dự án, BIM Group làm việc và gặp nhiều đơn vị vận hành ngoại. Trong khi chủ đầu tư là phía có tài sản lớn (dự án), còn phía quản lý, vận hành lại là các đơn vị có nhiều kinh nghiệm, cả hai điều này là rất quan trọng để quyết định hiệu quả dự án.

Từ góc nhìn của BIM Group, có thể thấy, doanh nghiệp này đề cao vai trò của các đơn vị vận hành và không loại trừ khả năng sử dụng dịch vụ của đơn vị trong nước.

“Việc lựa chọn đối tác trong nước hay nước ngoài còn tùy quan điểm, thời điểm”, ông Adam Riley nhấn mạnh.

Ở góc nhìn khác, khi chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels APAC cho rằng, với số lượng thương hiệu và nhà điều hành khu vực, cũng như quốc tế ngày càng gia tăng như hiện nay, các chủ đầu tư hiện đang có khá nhiều lựa chọn. Việc chọn lựa này rất quan trọng, nhưng cũng cần hiểu rằng, chọn thương hiệu đúng đắn chưa hẳn là đắt đỏ hay cao cấp nhất, mà phải là phù hợp nhất, đúng với thị trường, phù hợp với sản phẩm. Nếu dự án không được hoạch định cẩn thận từ những giai đoạn ban đầu, có thể dẫn đến việc gia tăng chi phí trong quá trình phát triển và vận hành trong tương lai.

“Đôi khi các chủ đầu tư tiếp xúc với chúng tôi và muốn kết nối với thương hiệu A, thương hiệu B, nhưng quan trọng hơn là chúng ta cần có cái nhìn tổng quan xem dự án của mình có phù hợp với các thương hiệu không, cần phân tích, xem xét kỹ về thị trường, nhu cầu khách thuê. Từ đó, chúng tôi cũng có những tư vấn thích hợp, chứ không phải nhất nhất kết nối theo ý kiến chủ quan trước đó”, ông Mauro Gasparotti nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top