Aa

Ngành thép và ngân hàng bán lẻ có thể là tâm điểm thị trường năm 2018

Thứ Sáu, 05/01/2018 - 03:02

Trong một báo cáo về cơ hội và tiềm năng đầu tư trong năm 2018, Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) đã đưa ra một kịch bản có thể tham khảo về độ hấp dẫn của các ngành nghề. Trong đó, hai ngành bán lẻ (gồm cả ngân hàng bán lẻ) và thép kỳ vọng sẽ có triển vọng tăng trưởng tốt nhất.

TCBS cho rằng trước khi xác định được cơ hội kinh doanh, các nhà đầu tư cần xác định được hiện đang ở thời kỳ nào của nền kinh tế. Từ dữ liệu vĩ mô trong quá khứ, không khó để nhận ra rằng từ 2007-2016, nền kinh tế của chúng ta đã trải qua 3 giai đoạn lớn: Giai đoạn giảm sốc trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007 – 2008, giai đoạn suy thoái kinh tế 2009 – 2012 và giai đoạn phục hồi chậm 2013-2016.

Và với sự phục hồi mạnh mẽ của tăng trưởng GDP, tăng trưởng tín dụng, sự hồi phục ấn tượng của thị trường bất động sản năm 2017 trong bối cảnh lãi suất, lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp, là cơ sở để nhận định rằng 2017 khởi đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới. Dòng vốn ngoại đổ mạnh vào thị trường chứng khoán dịp cuối năm là một dấu hiệu khẳng định quan điểm này.

Dựa trên phân tích đó, có thể sẽ có 4 xu hướng chính của nền kinh tế trong năm 2018. Xu hướng thứ nhất là sự gia tăng của tầng lớp trung lưu vẫn là tâm điểm. Tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang có sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng. Theo dự báo của nhà nghiên cứu thị trường Nielsen, ước tính tầng lớp trung lưu sẽ đạt gần nửa dân số vào năm 2020. Điều này tác động mạnh mẽ đến một loạt ngành trong nền kinh tế. Hưởng lợi trực tiếp nhất là ngành bán lẻ, sau đó là các ngành khác như ngân hàng, đặc biệt các ngân hàng mạnh về bản lẻ và tín dụng tiêu dùng. Ngành ô tô, dược phẩm, du lịch, bất động sản cũng được hưởng lợi từ xu hướng này.

Xu hướng thứ 2 là các ngành được hưởng lợi từ chu kỳ tăng trưởng của nền kinh tế, bao gồm ngành thép, bất động sản và xây dựng, ngân hàng, cảng biển.


Xu hướng thứ 3 là các ngành được hưởng lợi từ sự hậu thuẫn và hỗ trợ về mặt chính sách của Chính phủ. Cụ thể bao gồm: Ngành thép, ngành dược phẩm, ngành ô tô, du lịch, phân bón.

Xu hướng thứ 4 là các doanh nghiệp nằm trong tâm điểm thoái vốn nhà nước. Năm 2017 chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng của SAB và VNM ở mức định giá vượt trội so với thị trường nhờ sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Các cổ phiếu tâm điểm thoái vốn 2018 có thể kể tới như PLX, DVN, DMC, VGC, VCG, FPT, NTP, BMP, DIG, BHN…

Còn trên thị trường chứng khoán, vốn được coi là "hàn thử biểu" của nền kinh tế đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2017. Tuy nhiên, bối cảnh vĩ mô như trên cho ta thấy nền kinh tế mới đang ở giai đoan đầu của tăng trưởng trong một chu kỳ kinh tế mới.

VN-Index đã tăng khoảng 46% so với đầu năm, tuy nhiên, mức tăng lớn tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu trụ chứ không tăng đều do đó, vẫn còn những cơ hội đầu tư hấp dẫn. Nhà đầu tư nên tập trung nắm giữ những cổ phiếu cơ bản tốt, có triển vọng kinh doanh tích cực trong 2018 - 2019 và định giá còn ở mức phù hợp.

Tổng hợp các xu hướng của nền kinh tế và dự báo diễn biến trên thị trường chứng khoán, TCBS cho rằng hai ngành bán lẻ (gồm cả ngân hàng bán lẻ) và thép sẽ có triển vọng tăng trưởng tốt nhất. Trong đó, ngành bán lẻ được hưởng lợi từ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu còn ngành thép là hưởng lợi từ chu kỳ kinh tế và chính sách hỗ trợ của Chính phủ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top