Aa

Kinh doanh bất động sản tăng trưởng mạnh nhất 8 năm qua

Thứ Tư, 03/01/2018 - 19:40

Kinh doanh bất động sản năm 2017 đạt mức tăng trưởng ấn tượng 4,07%, cao nhất 8 năm. Nhân tố cơ bản giúp duy trì đà tăng của nhu cầu nhà ở là tăng trưởng kinh tế và thu nhập.

GDP quý IV của Việt Nam đạt mức tăng trưởng 7,65%, kéo tăng trưởng chung của cả năm 2017 lên 6,81%, cao hơn mục tiêu 6,7% và đạt mức cao nhất 10 năm qua. 

Nếu so với năm 2016, sự hồi phục ở cả 3 lĩnh vực Công nghiệp, Nông nghiệp và Dịch vụ đã tạo ra tăng trưởng cao của năm 2017 nhưng nếu so với năm 2015 thì yếu tố chính tạo ra kỳ tích 2017 lại nằm ở lĩnh vực Dịch vụ, chiếm tỷ trọng lớn nhất tới 41,32% GDP, nên sự phục hồi của Dịch vụ có ý nghĩa quan trọng đến tăng trưởng chung. Trong năm 2017, hầu hết các ngành cấu thành trong lĩnh vực Dịch vụ đều có tăng trưởng cao hơn năm 2016, đặc biệt Lưu trú ăn uống và Vận tải kho bãi là 2 ngành nổi bật nhất.

Lưu trú ăn uống đạt mức tăng trưởng 9%, cao nhất 4 năm nhờ sự phục hồi của ngành Du lịch. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2017 đạt kỷ lục 12,9 triệu lượt khách, tăng 29,1% so với năm ngoái. Ngành Vận tải kho bãi tăng 7,91%, cao nhất 7 năm, trong đó sự hồi phục của Vận tải biển có vai trò rất quan trọng.

Bán buôn bán lẻ, ngành có tỷ trọng lớn nhất trong lĩnh vực Dịch vụ (chiếm 25%), cải thiện nhẹ so với 2016. Ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm có tỷ trọng đứng thứ 2 sau Bán buôn bán lẻ (chiếm 15%) và 2017 cũng là một năm thành công với mức tăng trưởng 8,14%, cao nhất 7 năm.

Kinh doanh bất động sản đạt mức tăng trưởng ấn tượng 4,07%, cao nhất 8 năm. Nhân tố cơ bản giúp duy trì đà tăng của nhu cầu nhà ở là tăng trưởng kinh tế và thu nhập. Bên cạnh đó, quy định cho phép người nước ngoài mua nhà, môi trường lãi suất thấp và sự bùng nổ của các sản phẩm cho vay tiêu dùng liên quan đến bất động sản cũng là những động lực giúp thị trường tiếp tục sôi động.

Lĩnh vực Công nghiệp và Xây dựng (chiếm 33,3% GDP) đạt mức tăng trưởng 8%, trong đó Công nghiệp tăng 7,85% và Xây dựng tăng 8,7%. Với tỷ trọng lớn nhất trong cấu thành GDP, ngành công nghiệp chế biến chế tạo chính là ngành kéo tăng trưởng chung vượt mục tiêu 6,7%.

Ngược với chế biến chế tạo, ngành khai khoáng giảm -7,1%, là mức giảm kỷ lục do sản lượng khai thác dầu thô giảm -10,8%, đánh dấu năm đi xuống thứ 2 liên tiếp (năm 2016 giảm -9,9%) và khai thác than giảm -0,5%. Nếu như không tính khai khoáng, tăng trưởng GDP đạt 7,9%, cho thấy bức tranh rõ nét hơn về sự phục hồi kinh tế Việt Nam năm 2017.

Lĩnh vực nông, lâm, thủy sản cũng có một năm thành công với mức tăng chung là 2,9%, cao nhất 3 năm, trong đó Nông nghiệp tăng 2,07% và Thủy sản tăng 5,54%, cùng đạt mức cao nhất 3 năm.

Tựu chung lại năm 2017 có thể thấy tăng trưởng kinh tế Việt Nam có dấu ấn của yếu tố nước ngoài khá rõ rệt trong cả lĩnh vực Dịch vụ, Công nghiệp cũng như Nông, ngư nghiệp. Yếu tố này thể hiện trực tiếp qua đầu tư và tiêu dùng cũng như gián tiếp qua sự hồi phục của giá cả hàng hóa thế giới.

Trong bối cảnh nội lực còn hạn chế, việc dựa vào nguồn lực bên ngoài để có tăng trưởng cao là lựa chọn hợp lý. Việc tận dụng thị trường cũng như dòng vốn quốc tế để phát triển kinh tế cũng hoàn toàn phù hợp với chiến lược dài hạn.

Tuy nhiên, báo cáo nhận định đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% - 6,7% cho năm 2018 là quá khiêm tốn và không mang lại động lực tích cực cho tăng trưởng. Việc đạt tăng trưởng 7% trong năm 2018 là hoàn toàn có thể cho dù ngành khai khoáng tiếp tục tăng trưởng âm.

Nền tảng cơ bản cho tăng trưởng là thể chế chính sách đang được định hình đúng hướng, thể hiện qua sự coi trọng kinh tế tư nhân, phát triển các động lực tăng trưởng mới như du lịch, nông nghiệp công nghệ cao hay mô hình đặc khu kinh tế.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top