Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa thông báo chính thức quyết định áp thuế cao nhất là 456% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu có xuất xứ từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) được đưa sang Việt Nam, sau đó qua công đoạn gia công đơn giản rồi mới xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Liên quan tới thông tin này, các doanh nghiệp và chuyên gia ngành thép cho rằng, việc áp thuế sẽ không gây ra quá nhiều tác động tiêu cực đối với ngành thép Việt.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Ống thép Hòa Phát, quyết định áp thuế của Hoa Kỳ không ảnh hưởng tới việc sản xuất và xuất khẩu của công ty. Bởi việc áp thuế đối với thép cán nguội và thép không gỉ, mà trước đến nay doanh nghiệp chưa xuất khẩu.
Cũng theo Tập đoàn Hòa Phát, về mặt tổng thể, tập đoàn này không xuất khẩu quá nhiều, cũng như chính sách "không bỏ trứng vào một giỏ." Do vậy, tỷ lệ xuất khẩu của Hòa Phát là không lớn.
Bên cạnh đó, đại diện Tập đoàn Hòa Phát cũng cho rằng, với dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Tập đoàn tiến tới chủ động hơn nguồn nguyên liệu sản xuất. Đây là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam sản xuất thép cuộn cán nóng. Đồng thời, sản xuất các loại thép dùng trong công nghiệp phụ trợ cơ khí, ôtô và ngành thép vẫn là sản phẩm cốt lõi của Tập đoàn.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép, quyết định áp thuế của Hoa Kỳ cũng không gây ra quá nhiều tác động tiêu cực tới ngành thép trong nước. Ông Sưa cho biết, việc đánh thuế tương tự đã từng được Hoa Kỳ thực hiện trước đây, nhưng Việt Nam cũng chỉ bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn. Bởi nguồn thép cán nóng đã được Formosa Hà Tĩnh sản xuất để làm thép cán nguội và thép chống gỉ (thép mạ, thép phủ màu).
Năm 2018, Formosa sản xuất 3,4 triệu tấn thép cán nóng và năm 2019 sản xuất khoảng 4,5 triệu tấn. Đây là nguồn nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp Việt Nam. "Chúng tôi chỉ khuyến cáo là doanh nghiệp Việt không dùng nguyên liệu nhập từ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc để tránh việc bị áp thuế", ông Sưa bày tỏ.
Đặc biệt, ông Sưa cho biết, việc ngành thép bị áp thuế để chống lẩn tránh thuế từ các nước đã không còn mới. Do vậy, các doanh nghiệp lớn, có thế mạnh đã chủ động đa dạng hóa thị trường và chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào. Việc chủ động được nguồn nguyên liệu sẽ vừa tăng sức cạnh tranh, vừa giúp doanh nghiệp thoát mối lo áp thuế chống lẩn tránh thuế từ các thị trường.
Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, Bộ Công Thương luôn theo sát việc này ngay từ khi phía Bộ Thương mại Hoa Kỳ bắt đầu khởi xướng điều tra và ban hành kết luận sơ bộ. Hiện thị trường Hoa Kỳ chỉ chiếm hơn 6% trong tổng lượng xuất khẩu thép các loại của Việt Nam ra các thị trường. Hoa Kỳ nhập khẩu các sản phẩm thép chính từ Việt Nam là: thép cuộn cán nguội, thép xây dựng, tôn mạ kim loại sơn phủ màu....
Những doanh nghiệp lớn xuất khẩu thép sang Hoa Kỳ thì đều đã có hợp tác với phía Hoa Kỳ để tự chứng nhận xuất xứ, nguyên liệu đầu vào. Nên xét một cách tổng thể thì sự việc này cũng không có quá nhiều tác động tới xuất khẩu của ngành thép Việt Nam.
“Bộ Công Thương hiện vẫn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Thép Việt Nam, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ và các doanh nghiệp liên quan của Việt Nam để theo dõi chặt chẽ; trao đổi với phía Bộ Thương mại Hoa Kỳ để các doanh nghiệp có sự hợp tác, cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra Hoa Kỳ về quá trình sản xuất tại Việt Nam, mức độ giá trị gia tăng của sản phẩm... sẽ được hưởng các chế độ đối xử một cách công bằng và hợp lý," bà Giang cho biết thêm.
Theo thông báo của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, cơ quan này đã phát hiện một số sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội được sản xuất tại Việt Nam, sử dụng thép chất nền của Hàn Quốc hoặc Đài Loan (Trung Quốc) vốn đã né thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ giá của Hoa Kỳ.
Trước đó, vào đầu tháng 7/2019, DOC đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Theo kết luận của DOC, việc sản xuất hai loại thép này sau khi nhập khẩu vào Việt Nam là chuyển đổi không đáng kể, giúp lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng đối với sản phẩm của Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Do đó, DOC sẽ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế tạm thời với hai sản phẩm thép nói trên nhập khẩu từ Việt Nam. Trong trường hợp thép cuộn cán nguội và thép chống ăn mòn được sản xuất từ nguyên liệu của Việt Nam hoặc các nước, vùng lãnh thổ khác sẽ không bị áp thuế trong vụ việc này.
Bộ Công Thương cũng đã cảnh báo, khuyến nghị các doanh nghiệp thép về việc các cơ quan điều tra của nước nhập khẩu có thể thay đổi quy định, đề ra các yêu cầu khắt khe hơn trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại để doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh phù hợp. Đặc biệt chuyển sang sử dụng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc các nguồn khác.
Từ cuối năm 2017, DOC cũng đã cho rằng thép các bon chống ăn mòn (thường được gọi là tôn mạ) và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam có việc lẩn tránh thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) khi được sản xuất từ thép cán nóng của Trung Quốc. Do đó hai sản phẩm này từ Việt Nam nhập vào Hoa Kỳ phải chịu với mức thuế AD là 199,43% và CVD là 39,05% đối với tôn mạ và mức thuế AD là 265,79% và thuế CVD là 256,44% đối với thép cán nguội mà Hoa Kỳ đang áp dụng cho sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc…/.