Vậy ngành vật liệu xây dựng có liên đới như thế nào với thị trường bất động sản? Để trụ vững trước những thách thức của thị trường, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng cần phải có những động thái như thế nào?
Reatimes đưa những nhận định của ông Lê Văn Tới, Phó Chủ tịch Hội vật liệu xây dựng Việt Nam về vấn đề này trong chương trình Góc nhìn đa chiều.
Nửa đầu năm 2019, thị trường bất động sản Việt Nam có dấu hiệu chững lại. Điển hình, nguồn cung nhà ở tại Hà Nội giảm 25% so với cùng kỳ năm 2018.
Tại TP. HCM, mức độ giảm mạnh hơn khi tổng nguồn cung giảm gần 50%. Theo đánh giá của VNREA, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thị trường bất động sản lắng xuống. Theo đó, năm 2019, nhiều dự án bất động sản bị rà soát pháp lý theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nên việc cấp chủ trương đầu tư tại nhiều dự án bị đình lại.
Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống còn 40%, đã tác động mạnh đến các giao dịch bất động sản. Do khó tiếp cận vốn nên nhu cầu đầu tư và mua bán bất động sản giảm mạnh.
Theo Hiệp hội bất động sản TP.HCM, trong 6 tháng 2019, mới chỉ có 10 dự án nhà ở thương mại được Sở Xây dựng đề xuất với UBND TP HCM chấp thuận đầu tư (giảm 46 dự án so với cùng kỳ năm 2018). Cũng trong 6 tháng đầu năm 2019, thành phố này chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai. Trong khi đó tại TP. Hà Nội, nửa đầu năm nay chỉ có 22 dự án bất động sản hoàn thiện, đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam trong 6 tháng qua cũng sụt giảm mạnh. Theo đó, nửa đầu đầu năm nay chỉ đạt 1,32 tỷ USD, giảm 76% so với 5,54 tỷ USD thời điểm cùng kỳ năm 2018.
Theo chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam, một số sản phẩm thuộc ngành vật liệu xây dựng đang gặp khó, có hiệp hội đã phải gửi văn bản khuyến nghị hội viên giảm công suất 20% thay vì áp dụng chính sách giảm giá.
Trước nhịp chững của thị trường bất động sản, ngành vật liệu xây dựng có còn cơ hội?
Bất động sản trầm lắng, nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng không có tăng trưởng
PV: Vâng thưa ông, dưới góc độ của một chuyên gia về vật liệu xây dựng, ông có thể đưa ra một vài đánh giá về tình hình phát triển của thị trường này trong nửa đầu năm 2019?
Ông Lê Văn Tới: Nhìn chung thị trường vật liệu xây dựng 8 tháng đầu năm nay đang bị chững lại. Các năm vừa qua, hầu hết sự tăng trưởng trong sản xuất cũng như tiêu thụ các sản phẩm vật liệu xây dựng năm sau thường cao hơn năm trước 7 - 10%. Nhưng nửa đầu năm nay, cố gắng lắm thì con số tiêu thụ các sản phẩm cũng chỉ nhích hơn năm 2018 chút ít.
Chỉ có sản phẩm xi măng vẫn có sự tăng trưởng. Theo số liệu của Hiệp hội xi măng Việt Nam cũng như số liệu của Bộ Xây dựng, ước tiêu thụ xi măng 8 tháng đầu năm 2019 vào khoảng 63,91 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 43 triệu tấn, xuất khẩu ước đạt gần 21 triệu tấn.
Còn các chủng loại vật liệu xây dựng khác như gạch ốp lát, kính xây dựng và sứ vệ sinh thì không có tăng trưởng, thậm chí việc tiêu thụ còn kém hơn.
PV: Vậy theo ông, sự chững lại của thị trường bất động sản có phải là nguyên nhân chính liên đới dẫn đến sự ảm đạm của ngành vật liệu trong nửa đầu năm nay?
Ông Lê Văn Tới: Tôi cho rằng nhận định trên rất đúng. Thị trường bất động sản chiếm tỷ trọng đáng kể trong đầu tư, xây dựng. Một sản phẩm bất động sản được cấu thành có sự tham gia của trên 80 chủng loại vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép, đá, cát, sỏi, vật liệu xây, ốp lát, kính xây dựng, sứ vệ sinh, dây điện, ổ cắm, công tắc, ống nước… Do vậy, khi thị trường bất động sản trầm xuống, kéo theo đó là sự giảm sút của việc xây dựng các dự án mới, dẫn đến sức tiêu thụ của ngành vật liệu xây dựng sẽ bị giảm sút theo.
PV: Như ông vừa nêu ở trên, điểm sáng duy nhất của ngành vật liệu xây dựng trong thời gian qua tập trung ở lượng tiêu thụ sản phẩm xi măng. Vậy điều gì khiến sản phẩm này vượt lên khỏi "thảm cảnh" chung của ngành xây dựng?
Ông Lê Văn Tới: Tôi cho rằng, ở thời điểm này xi măng có nhiều lợi thế để tăng trưởng hơn các sản phẩm khác, một mặt vì đây là sản phẩm thiết yếu phải có cho mọi công trình xây dựng. Ngoài các công trình thuộc dự án bất động sản, còn có các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, xây dựng các cơ sở sản xuất của doanh nghiệp và người dân cũng xây dựng nhà ở. Tất cả những công trình đó đều phải sử dụng xi măng. Trong khi các chủng loại khác như vật liệu xây, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, vật liệu trang trí… chỉ được sử dụng và sử dụng nhiều trong các dự án bất động sản. Vì vậy, khi thị trường bất động sản chững lại, xi măng vẫn sẽ giữ được lượng tiêu thụ và có tăng trưởng. Mặt khác, 8 tháng đầu năm nay, lượng xuất khẩu của sản phẩm xi măng vẫn được duy trì với sản lượng xuất khẩu tương đối lớn.
Các doanh nghiệp vật liệu xây dựng nên làm gì?
PV: Vâng phải thừa nhận rằng, việc hướng đến xuất khẩu là hướng đi quan trọng giúp cho sản phẩm xi măng trở thành điểm sáng trên thị trường. Vậy, phải chăng, các sản phẩm khác cũng nên tập trung vào thị trường xuất khẩu để cứu vãn lượng tồn kho, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, sức mua giảm?
Ông Lê Văn Tới: Nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng khác cũng đã có xuất khẩu đi nhiều nước, tuy nhiên số lượng chưa nhiều. Bởi sự cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới là rất quyết liệt. Tôi cho rằng, việc nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm vật liệu xây dựng để hướng đến thị trường xuất khẩu nhiều hơn là một hướng đi tốt và lâu dài cho ngành vật liệu xây dựng Việt Nam. Để cho thấy, ngành này vẫn còn nhiều cơ hội khác để vươn lên dù thị trường bất động sản có chững lại.
PV: Vâng thưa ông, có thể thấy số dự án xây dựng bất động sản ở TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội được duyệt trong năm 2018 và sang năm 2019 rất ít, quy trình đợi phê duyệt xây dựng bị trì hoãn, kéo theo đó là đầu ra của ngành vật liệu xây dựng cũng sẽ khó khăn thêm. Theo đó, thị trường này sẽ có thể tiếp tục rơi vào chu kỳ có sự cạnh tranh quyết liệt mà ở đó sự hạ giá là thách thức lớn. Để trụ vững và phát triển trong thời điểm khó khăn hiện nay, theo ông, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng cần phải làm gì?
Ông Lê Văn Tới: Tôi cho rằng, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng không nên quá lo lắng mà lúc này càng cần phải cải tiến, cập nhật công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành, nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp. Tất cả nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để trụ vững trong thời điểm khó khăn này và phát triển bền vững trong tương lai.
PV: Liệu có khi nào chỉ khi thị trường bất động sản sôi động trở lại thì thị trường vật liệu xây dựng mới có sự khởi sắc thưa ông?
Ông Lê Văn Tới: Điều đó không sai. Khi thị trường bất động sản khởi sắc thì các sản phẩm vật liệu xây dựng sẽ có sức tiêu thụ tốt hơn nhưng nếu thị trường suôn sẻ, dễ dàng quá thì việc các doanh nghiệp tự nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ kém đi. Do đó, sự chững lại của thị trường nếu nhìn nhận lạc quan thì đôi khi cũng là điều tốt để các doanh nghiệp vật liệu tự tìm hướng đi riêng do mình. Như đã nói ở trên, ngành vật liệu xây dựng của chúng ta có nhiều tiềm năng để hướng sang thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, hoàn toàn có thể nâng cao chất lượng để dần thay thế các sản phẩm hiện vẫn phải nhập ngoại.
PV: Vậy, vai trò của chính sách thì sao, theo ông, chính sách cần như thế nào để tạo lực đẩy cho ngành vật liệu xây dựng phát triển trong thời gian tới?
Ông Lê Văn Tới: Tôi cho rằng, Nhà nước cần có những chính sách điều chỉnh phù hợp để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, đúng hướng bởi sự phát triển của ngành này có liên đới đến rất nhiều ngành kinh tế khác đặc biệt là vật liệu xây dựng.
Trong bất kỳ điều kiện nào thì Nhà nước vẫn cần có chính sách khuyến khích vật liệu xây dựng phát triển, đặc biệt là hướng vào đầu tư vật liệu xanh, thân thiện với môi trường, thúc đẩy phát triển công trình xanh.
Chính sách cũng cần quyết liệt và đồng bộ để khai thác triệt để thế mạnh là thông qua sản xuất vật liệu xây dựng có thể xử lý phế thải của các ngành sản xuất khác như nhiệt điện, than, nhựa…
- Cảm ơn ông vì những chia sẻ thú vị!