Triển khai Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh và nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chỉ đạo, thúc đẩy ngành Xây dựng giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Phấn đấu đạt và vượt mục tiêu
Việc tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của ngành Xây dựng được Bộ Xây dựng thể hiện rõ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế như: Dự thảo Luật Kiến trúc, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, sửa đổi Luật Nhà ở, trong xây dựng và thực hiện các Đề án: “Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng”, “Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng”, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia hay trong quá trình đề xuất các giải pháp để nâng hạng chỉ số cấp phép xây dựng, năm 2019 tăng 1 bậc, tiến tới đến năm 2021 lên 2 - 3 bậc...
Kết quả một số chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu thực hiện đến 15/6/2019 của ngành Xây dựng: Tỷ lệ đô thị hóa 38,6%, tỷ lệ lập Quy hoạch chung xây dựng đô thị 100%, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết 38,6%, tỷ lệ quy hoạch xây dựng nông thôn 100%, tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung 87%, tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm còn 21%, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị 86%, diện tích nhà ở toàn quốc bình quân 24,25m2 sàn/người, sản lượng sản phẩm xi măng 50 triệu tấn.
Các công tác hoạt động cốt lõi của Bộ Xây dựng đảm bảo đúng mục tiêu, tiến độ. Cụ thể, trong quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng, công tác thẩm định dự án, thiết kế và dự toán trong 6 tháng vừa qua, Bộ Xây dựng thẩm định 10 dự án, tiếp nhận thẩm định thiết kế cơ sở 225 công trình (đã xử lý là 194 công trình), tiếp nhận thẩm định 6 Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, tiếp nhận thẩm định thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở là 168 công trình (đã xử lý 136 công trình), tiếp nhận thẩm định thiết kế và dự toán 15 công trình (đã xử lý là 12 công trình), cấp 499 chứng chỉ năng lực cho tổ chức hạng I và cấp 3.889 chứng chỉ hành nghề cho cá nhân hạng I, thụ lý 65 giấy phép hoạt động của nhà thầu nước ngoài.
Trong quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị, Bộ Xây dựng tập trung nghiên cứu đổi mới phương pháp quy hoạch đô thị, quản lý phát triển đô thị nhằm nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị, đảm bảo tính khoa học, hội nhập, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài việc tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai các Chương trình, Đề án về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật và các chương trình, dự án đầu tư nâng cấp đô thị, tăng trưởng xanh, thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong 6 tháng vừa qua Bộ Xây dựng tổ chức xem xét, thẩm định, báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định công nhận 5 đô thị và Quyết định công nhận theo thẩm quyền 8 đô thị, thụ lý hồ sơ 5 Đề án.
Kiểm soát thị trường bất động sản, vật liệu xây dựng
Về nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng tăng cường kiểm soát thị trường bất động sản, bảo đảm sự ổn định, tăng trưởng bền vững, hiệu quả, không để xảy ra các biểu hiện cực đoan. Trong quý II/2019 so với quý I/2019, tại Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,16%. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 0,13%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,33%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 0,27%, nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,96%.
Tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,62%. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 0,67%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,63%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 0,55%, nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 2,7%.
Về cho vay đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản, quý I/2019 dư nợ tín dụng khoảng 462.100 tỷ đồng, giảm 0,01% so với quý IV/2018. Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Tiếp tục kiểm soát, thúc đẩy thị trường vật liệu xây dựng phát triển ổn định, đảm bảo cân đối cung cầu, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu nội địa, từng bước đẩy mạnh xuất khẩu, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên. Thị trường vật liệu xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2019 không có nhiều biến động. Cân đối cung cầu thị trường vật liệu xây dựng cơ bản được đảm bảo. Ước số liệu tiêu thụ 6 tháng đầu năm của xi măng khoảng 50 triệu tấn, kính xây dựng 125 triệu m2, sứ vệ sinh 9 triệu sản phẩm, đá ốp lát 9,2 triệu m2, gạch ốp lát 355 triệu m2, gạch nung 9,2 tỷ viên, gạch không nung 3,5 tỷ viên…
Phát hành văn bản điện tử, chữ ký số
Ngoài ra, Bộ Xây dựng thực hiện phát hành văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản Quốc gia, áp dụng chữ ký số đối với một số loại văn bản điện tử từ ngày 25/4/2019. Bộ Xây dựng đã triển khai 40 đoàn thanh tra theo kế hoạch và 2 đoàn thanh tra đột xuất (tại Trường Đại học Y Hà Nội và Ban Quản lý dự án đầu tư chuyên ngành Bộ Xây dựng), Bộ trưởng Bộ Xây dựng có kế hoạch tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo định kỳ các tháng, trong 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng tiếp và hướng dẫn 3 lượt công dân, 2 đoàn đông người, tiếp nhận và xử lý 276 lượt đơn.
Bộ Xây dựng triển khai đồng loạt công tác thoái vốn Nhà nước tại 11 Tổng công ty - Công ty cổ phần theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020. Chỉ đạo người đại diện vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp cập nhật kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, kết quả thẩm định.
6 tháng cuối năm 2019, Bộ Xây dựng tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế và các công cụ quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng và sự tuân thủ pháp luật của các hoạt động đầu tư xây dựng, đổi mới chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý tốt thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội, tăng cường quản lý phát triển vật liệu xây dựng, tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện kế hoạch tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp trực thuộc.