Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) mới đây cho biết trong 3 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm xi măng ước đạt 22,31 triệu tấn so với mục tiêu kế hoạch tiêu thụ từ 104 -107 triệu tấn sản phẩm xi măng của cả năm.
Chỉ tính riêng tháng 3/2021, ước tiêu thụ sản phẩm xi măng đạt khoảng 8,87 triệu tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 5,02 triệu tấn. Trong số này, Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) tiêu thụ khoảng 1,83 triệu tấn và sản lượng xuất khẩu ước đạt khoảng 3,85 triệu tấn.
Lũy kế 3 tháng đầu năm, ước tiêu thụ khoảng 22,31 triệu tấn, tăng khoảng 1,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tiêu thụ tại thị trường nội địa khoảng 12,16 triệu tấn (Vicem tiêu thụ khoảng 5,08 triệu tấn) và xuất khẩu ước đạt khoảng 10,15 triệu tấn.
Theo Vụ Vật liệu xây dựng, trong tháng 3/2021, giá bán xi măng tại thị trường nội địa ổn định hơn so với tháng 2, giá xuất khẩu tăng nhẹ. Lượng xi măng tồn kho cả nước trong 3 tháng đầu năm hiện còn khoảng 4,6 triệu tấn, tương đương khoảng 20 đến 25 ngày sản xuất, chủ yếu là clanke.
Các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam được ngăn chặn hiệu quả cùng với việc tái khởi động lại các dự án bất động sản, xây dựng và đà phục hồi chung của nền kinh tế, sản lượng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm xi măng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, thị trường vật liệu xây dựng tăng hay giảm có mối liên hệ mật thiết với thị trường bất động sản, vì đầu ra của các sản phẩm vật liệu xây dựng chính là để phục vụ xây dựng nhà ở, văn phòng, khu công nghiệp và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.
Ghi nhận từ một số đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy trong năm 2021, nguồn cung căn hộ mới sẽ tăng mạnh ở hầu hết các địa phương, trong đó nguồn cung mới thuộc phân khúc hạng A và hạng B vẫn tiếp tục được duy trì.
Cụ thể, số liệu khảo sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy, tại Hà Nội, trong quý I và quý II/2021, dự kiến có hàng vạn sản phẩm ở nhiều phân khúc được chào bán ra thị trường, trong đó, khu vực phía Bắc và phía Tây Hà Nội chiếm tỷ trọng lớn. Còn tại TP.HCM, khoảng 20 dự án sẽ chào hàng trong 6 tháng đầu năm 2021, cung cấp ra thị trường khoảng 30.000 sản phẩm với đủ loại phân khúc.
Động lực cho sự tăng trưởng này đến từ những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống Covid-19 của Việt Nam, cộng với triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 (Ngân hàng Thế giới dự báo, GDP của Việt Nam có thể tăng trưởng trên 6% trong năm 2021)… Đây là những cơ sở không thể thiếu, quyết định dòng tiền vẫn đổ vào bất động sản, tạo lực đẩy tăng trưởng cho nhiều ngành sản xuất liên quan.
Trong đó, tính đến cuối năm 2020, ngành xi măng có 90 dây chuyền sản xuất clinker, xi măng với tổng công suất 106,6 triệu tấn, thực tế công suất có thể sản xuất khoảng 122 triệu tấn. Như vậy, năm 2021, bức tranh tổng thể của ngành xi măng được dự báo có nhiều gam màu sáng về sản xuất, gia tăng nguồn cung và nguồn cầu.
Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng cho rằng, thời gian qua, các các dây chuyền mới đều có công suất lớn, hiện đại, thời gian triển khai nhanh, hiệu quả. Động thái này đã góp thêm vào con số xuất khẩu xi măng trong những năm gần đây.
Trong 10 năm, sản lượng xi măng, clinker xuất khẩu đã tăng gấp 30 lần, đóng góp tới 32% tổng tiêu thụ toàn ngành và giúp Việt Nam dẫn đầu thế giới về xuất khẩu xi măng. Trong năm 2021, thị trường bất động sản có sự hồi phục trở lại sẽ đem tới động lực về nguồn cầu lớn cho ngành vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, các quyết định chủ trương đầu tư nhiều dự án đầu tư công được phê duyệt từ cuối năm 2020 sẽ triển khai trong năm nay chắc chắn cần dùng đến số lượng vật liệu rất lớn để đáp ứng công tác xây dựng. Đây cũng là một lực đẩy lớn cho thị trường vật liệu xây dựng nói chung, ngành xi măng nói riêng trong thời gian tới.