Aa

Ngành xi măng Việt Nam cần những “ông lớn” thực thụ

Thứ Hai, 10/06/2019 - 14:01

Công nghiệp xi măng cần những nhà đầu tư lớn, doanh nghiệp lớn, giá thành hạ, năng suất lao động cao, bảo vệ môi trường tốt… thì mới cạnh tranh được.

Theo số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng, năm 2018 tiêu thụ xi măng trong nước tăng trưởng khoảng 5 triệu tấn, tăng 6,7 - 7% so với 2017, đạt 64 triệu tấn. 4 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng tiêu thụ xi măng gần như chưa có, mới đạt 98% so với 4 tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, thông thường tiêu thụ xi măng những tháng đầu năm tăng trưởng hay sụt giảm không nói lên nhiều vấn đề.

Về thị trường xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2019 so với năm ngoái cũng có tăng trưởng chút ít. Theo dự báo và đánh giá của Hiệp hội xi măng Việt Nam, các cơ quan quản lý, thì chỉ muốn dừng lại ở mức như 2018 là 32 triệu tấn xi măng, clanke. Trong khi cả thế giới chưa năm nào xuất khẩu đạt 200 triệu tấn, Việt Nam đạt hơn 30 triệu tấn, chiếm trên 1/7 dưới 1/6 của thế giới, và là nước đứng số 1 thế giới, nhưng đứng gấp đôi nước đứng thứ 2.

Công nghiệp sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu xi măng đang đứng trước những cơ hội và thách thức đòi hỏi phải có sự thay đổi về chất thì mới có thể cạnh tranh với các liên doanh, doanh nghiệp FDI và thị trường xuất khẩu thế giới.

 

ông Nguyễn Văn Cung, Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Cung, Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam

VOV.VN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Cung, Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam về những cơ hội, thách thức của ngành trong bối cảnh hiện nay.

PV: Thưa ông, theo các số liệu thống kê thì trên bản đồ xuất khẩu xi măng thế giới, Việt Nam rõ ràng là nước có năng lực lớn, nhưng vì sao trong nội tại của công nghiệp xi măng trong nước lại có nhiều vấn đề khiến các nhà quản lý và doanh nghiệp lại “đau đầu” như vậy?

Ông Nguyễn Văn Cung: Xung quanh vấn đề xuất khẩu xi măng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng thực ra xuất khẩu trong 2 năm qua cho thấy cái cần quan tâm là sức cạnh tranh của xi măng Việt Nam chứ không phải thị trường. Năm 2016 giá clanke xuất khẩu chỉ 28 - 29 USD/tấn thì cuối 2017 đến nay xuất khẩu ở mức 40 USD/tấn. Như vậy khối lượng tăng và giá tăng.

Điều đáng nói, Việt Nam có quá nhiều dây chuyền công suất nhỏ, hiện Việt Nam có 42/khoảng gần 60 dây chuyền công suất từ 2.500 tấn clanke/ngày trở xuống, tức là 1 triệu tấn/năm trở xuống chiếm 22% sản lượng. Sản xuất xi măng trên những dây chuyền đó không xuất khẩu được, chứng tỏ rằng nếu xi măng sản xuất bằng công nghệ chưa được tiên tiến lắm thì việc xuất khẩu rất khó khăn.

Doanh nghiệp không đủ năng lực sẽ tự "chết" theo qui luật

PV: Vậy với các dây chuyền sản xuất nhỏ lẻ này chúng ta cần giải quyết như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Cung: Chủ trương của Nhà nước, của ngành là giảm đầu mối các nhà máy xi măng, ví dụ Thái Lan tổng công suất thiết kế 56 triệu tấn thì có 5 nhà sản xuất xi măng. Còn Việt Nam có khoảng 100 triệu tấn thì có khoảng trên 50 nhà sản xuất.

Nếu ta giảm xuống còn khoảng 10 nhà sản xuất thì sẽ ra đời những nhà sản xuất xi măng lớn, khi đó sẽ mang lại rất nhiều hiệu quả: chi phí giảm (chi phí vận hành, hoạt động hành chính…), năng suất lao động tăng, giá thành hạ và điều kiện để đầu tư, đổi mới công nghệ tốt hơn, điều kiện đầu tư thân thiện với môi trường tốt hơn. Việc tổ chức sáp nhập là quyền của doanh nghiệp, họ có thể tự mua bán - sáp nhập với nhau.

Đối với khu vực công suất nhỏ, kể cả công suất lớn đầu tư đã lâu thì một trong những điều kiện nhà nước coi như bắt buộc là phải đầu tư công nghệ, đổi mới theo hướng thân thiện môi trường, tăng năng suất lao động. Năng suất lao động của các nhà máy xi măng Việt Nam quá thấp so với thế giới. Chỉ so với các liên doanh xi măng trong nước đã thấp hơn. Dây chuyền nhỏ thì không có khả năng tăng năng suất lao động.

Vì vậy bắt buộc phải cải tạo để sử dụng nhiều hơn phụ gia, lượng phế thải công nghiệp tro, xỉ… Trong số đó sẽ có những DN không đủ năng lực để cải tạo, thì những doanh nghiệp ấy bắt buộc phải tự chết hoặc bán cho một doanh nghiệp lớn để cải tạo. Nếu năng lực cạnh tranh của xi măng trong nước kém thì chắc chắn xi măng ngoại sẽ tràn vào, thiệt hại đầu tiên người tiêu dùng trong nước phải chịu.

Giống như xi măng lò đứng, trước đây rất nhiều người nói là phải dẹp nhưng thực ra tự nó phải đào thải vì không cạnh tranh được. Đây là một xu thế tốt xảy ra ở rất nhiều lĩnh vực khác, được khuyến khích, tức là phải ra đời những nhà đầu tư lớn, doanh nghiệp lớn, giá thành hạ, năng suất lao động cao, bảo vệ môi trường tốt, sử dụng nhiều phế thải, rác thải của các ngành công nghiệp để giảm clanke trong xi măng (xi măng các bon thấp).

Đã hết thời đầu tư xi măng theo phong trào

PV: Hiện nay, vẫn có những doanh nghiệp mở rộng qui mô sản xuất, đầu tư dây chuyền công nghệ mới. Như vậy có phù hợp, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Cung: Đã qua thời kỳ đầu tư theo phong trào rồi. Nhà nước phải đặt lên vai doanh nghiệp, doanh nhân quyền tự quyết theo cơ chế thị trường. Họ phải tự quyết định trên cơ sở những thông tin thị trường và cơ quan quản lý đưa ra và những chính sách quản lý chặt chẽ của nhà nước về vấn đề môi trường, tài nguyên, khoáng sản.

Cho đến hiện nay, chúng ta chưa chuyển hẳn sang kinh tế thị trường một cách hoàn chỉnh nên doanh nghiệp của chúng ta chưa thực sự đứng vững. Trong thời gian này, cần có một bước chuyển tiếp, có sự quản lý của Nhà nước về một số vấn đề như công nghệ chuẩn, qui mô ra sao, phương án xử lý môi trường, sử dụng phế thải… để cơ quan quản lý xem xét năng lực về thị trường, tài chính đề quyết định đầu tư.

Quyền của doanh nghiệp rất lớn nhưng vai trò của Nhà nước lại quan trọng, hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp thiếu năng lực, xét thấy phương án không đầy đủ thì chắc chắn nhà nước chưa cho phép đầu tư. Việc đầu tư của các doanh nghiệp xi măng là việc phải thường xuyên, liên tục, bởi đến một lúc nào đó dây chuyền hiện đại cũng thành lạc hậu.

 

Nhà máy xi măng Long Sơn

Nhà máy xi măng Long Sơn

Tôi được biết, có những doanh nghiệp như Thành Thắng, Xuân Thành, Long Sơn là những doanh nghiệp xi măng mới nhưng làm ăn bài bản. Ví dụ như Long Sơn đầu tư 2 dây chuyền trong thời gian rất ngắn, phát huy vượt công suất thiết kế 20 - 30%, đã xây dựng xong hệ thống các Trạm phân phối tại miền Trung và miền Nam.

Điều đó chứng tỏ năng lực công nghệ, tổ chức xây dựng đầu tư nhanh, bài bản, sức tiêu thụ tốt. Đây là doanh nghiệp có năng suất lao động cao, tương đương với năng suất của các liên doanh kỳ cựu như Chinfon, Nghi Sơn, Holcim hay là Insee.

PV: Vấn đề vận tải, Logistic đối với xi măng hiện nay theo ông có những điểm nghẽn nào?

Ông Nguyễn Văn Cung: Đây là vấn đề lớn của nhiều ngành trong đó có xi măng. Cái này không biết lỗi từ đâu? Các nhà đầu tư liên doanh và nước ngoài vào đầu tư sau chúng ta nhưng vị trí họ chọn đã thấy họ nhìn nhận như thế nào về logistic: Nghi Sơn đầu tư ngay điểm gần biển; Holcim, Chinfon… tư duy logistic đã hình thành rất sớm. Còn chúng ta chỉ đi tìm vùng nguyên liệu nên đầu tư sâu trong nội địa, xa vùng cảng.

Vấn đề này hiện nay đang được khắc phục dần. Nhiều doanh nghiệp đã thay việc sản xuất một chỗ đã sản xuất và làm trạm phân phối, thậm chí làm nghiền trộn tại trạm phân phối, phụ gia lấy tại địa phương. Vì vậy đối với thị trường trong nước, doanh nghiệp nào có hệ thống logistic, phân phối tốt thì doanh nghiệp đó sẽ có lợi thế về mặt tiêu thụ.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top