Aa

Ngập lụt ở Đà Lạt, Phú Quốc: "Chưa có hạ tầng, chưa giao đất dự án"

Chủ Nhật, 25/08/2019 - 06:15

Nghịch lý đang xảy ra, đó là khu du lịch càng thu hút sự đổ bộ ồ ạt của các dự án phát triển bất động sản thương mại thì hệ lụy của nó là sự quá tải của hệ thống hạ tầng. Bài học nhãn tiền mới nhất chính là hình ảnh ngập lụt của Phú Quốc và Đà Lạt sau cơn mưa.

Ngập lụt vì phát triển đô thị quá nóng

Lần đầu tiên trong lịch sử, hình ảnh đảo ngọc Phú Quốc chìm trong cơn “Đại hồng thủy” sau đợt mưa lớn và kéo dài nhất trong vòng 100 năm qua. Thực tế trước đó, tình trạng con đường đến sân bay Phú Quốc bị ngập úng nhất thời cũng đã xảy ra khi xuất hiện cơn mưa lớn kéo dài. Còn tại Đà Lạt thì dường như những trận ngập sau mưa đã trở thành “đặc sản”.

Rõ ràng, là hai khu nghỉ dưỡng được “săn đón” nhiều nhất, được kỳ vọng trở thành trung tâm du lịch nổi tiếng, nhưng những trận ngập lụt đang khiến du khách phải ái ngại trước khi đặt chân tới đây.

Có một nghịch lý đang xảy ra, đó là cứ ở những nơi đâu có tiềm năng phát triển du lịch, sự kỳ vọng càng lớn, thu hút đầu tư càng mạnh… thì lại dễ xảy ra những hệ lụy phát sinh đi kèm về cơ sở hạ tầng. Lẽ ra, bộ mặt du lịch của Đà Lạt hay của Phú Quốc sẽ đổi thay từng ngày theo hướng tốt lên nhưng khi cơ sở hạ tầng chưa có sự đồng bộ và bứt phá thì ảnh hưởng từ thiên tai tác động khiến điểm du lịch này đang phải đối măt với các khiếm khuyết.

Nhiều ôtô bị chết máy tại Đà Lạt. (Ảnh: Zing)

Theo các chuyên gia quy hoạch, nguyên nhân khiến Đà Lạt và Phú Quốc phải trải qua ngập lụt sau cơn mưa lớn xuất phát từ quá trình phát triển đô thị hóa quá tham lam, bê tông hóa bề mặt để tăng diện tích thương mại.

Trả lời phỏng vấn báo chí, KTS Ngô Việt Nam Sơn còn cho rằng: “Chừng đó chưa đủ, họ còn lấp kênh rạch, sông hồ để kinh doanh mà bỏ qua không gian dành cho nước”.

Đồng quan điểm đó, KTS Khương Văn Mười nhấn mạnh, sự phát triển nóng của thành phố du lịch làm cho đô thị quá sức chịu đựng dẫn tới ngập lụt. “Lẽ ra hạ tầng kỹ thuật phải đầu tư trước rồi mới xây dựng nhà cửa nhưng các thành phố này lại chưa đáp ứng được”.

Bài toán từ thu hút đầu tư

Thẳng thắn nhìn nhận rằng, bài toán thu hút đầu tư của chính quyền địa phương đã kéo theo sự đổ bộ ồ ạt của các dự án bất động sản thương mại. Bộ mặt của điểm du lịch thay đổi với những tòa nhà cao tầng hiện đại, những shophouse thương mại đầy công năng và khách sạn, resort nở rộ… Nhưng thực tế, việc “lấp đầy” các dự án bất động sản đã kéo theo hệ lụy: quá tải chịu đựng về mặt hạ tầng.

Theo luật sư Nguyễn Sơn Tùng (Giám đốc Công ty Luật Legal United Law), Việt Nam đang trải qua sự bức bách về kết nối hạ tầng trong phát triển dự án bất động sản thương mại.

Phú Quốc vừa trải qua cơn "đại hồng thủy".

“Chúng ta đến thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21 rồi nhưng vẫn không nhận ra nguyên tắc phát triển hạ tầng và các dự án. Khi hạ tầng chưa có thì tại sao lại cho dự án tại khu vực đó phát triển quá nhanh? Nhà nước trước khi cấp hay giao đất để thực hiện dự án phải áp dụng nguyên tắc: có hạ tầng mới giao đất, nếu chưa có hạ tầng hay hạ tầng khu vực chưa đảm bảo thì chưa giao. Trong trường hợp, Nhà nước không đủ tiền làm hạ tầng, nhà đầu tư muốn phát triển dự án phải ứng tiền ra làm hạ tầng trước, rồi cần trừ sau lại với nhà nước”, luật sư Nguyễn Sơn Tùng nói.

Luật sư Nguyễn Sơn Tùng nhấn mạnh, nếu kiên trì nguyên tắc “Không có hạ tầng thì không giao đất” thì câu chuyện nhếch nhác của bộ mặt đô thị chắc chắn sẽ không bị ngổn ngang và nhiều bất cập.

“Bài học và quy định phát triển hạ tầng và dự án ở các nước đi trước chúng ta đã 50 – 70 năm. Như nguyên tắc thu hút dự án ở Mỹ, đó là buộc phải có hạ tầng trước khi xây dựng và phát triển dự án. Trong khi đó, ở Việt Nam, tình trạng này vẫn cứ diễn ra manh mún, giao cho các nhà đầu tư làm ồ ạt. Nhà đầu tư thì “lười” làm hạ tầng đàng hoàng còn Nhà nước cũng không chú trọng hoàn chỉnh hạ tầng để kết nối, tạo nền tảng cho sự phát triển của khu du lịch. Cứ tình trạng như vậy chỉ có phá nát hệ thống quy hoạch”, ông Tùng cho hay. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top