Thảo luận tại tổ nội dung này, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đồng thời nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thi hành Luật.
Các đại biểu tập trung thảo luận về phạm vi sửa đổi, bổ sung; trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh; việc bổ sung hình thức văn bản nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; hình thức thông tư liên tịch của Tổng Kiểm toán Nhà nước; việc bỏ quy trình lập đề nghị xây dựng đối với một số nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; việc bổ sung các trường hợp và thẩm quyền quyết định xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn…
Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ biểu quyết Luật Thư viện. Sau nội dung này, các đại biểu thảo luận tại hội trường dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).
Việc sửa đổi Luật Thanh niên nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm của Đảng về công tác thanh niên; cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp; khắc phục những bất cập trong thực tiễn thi hành; tạo hành lang pháp lý để thanh niên phát huy sức trẻ, khả năng, trí tuệ đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) trình xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 gồm 06 Chương, 62 điều, tăng 26 điều so với năm 2005.
Thảo luận tại tổ, về cơ bản, các đại biểu tán thành với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng, việc sửa đổi Luật Thanh niên là yêu cầu tất yếu khách quan, một mặt đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đề ra, mặt khác nhằm thể chế hóa các quan điểm, Nghị quyết của Đảng; cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013; tạo hành lang pháp lý và điều kiện cho thanh niên phát huy sức trẻ, trí tuệ đóng góp vào sự phát triển của quốc gia, dân tộc.