Tại đây, Thủ tướng chỉ đạo các bên liên quan xử lý tốt vấn đề nguồn vốn cho dự án theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, yêu cầu nhà đầu tư tập trung các giải pháp kỹ thuật để thực hiện thi công đúng tiến độ đã đề ra. Mục tiêu là cho xe dưới 20 ghế ngồi lưu thông vào cuối năm nay và khánh thành đưa vào sự dụng vào năm 2021.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các ngân hàng cam kết tài trợ vốn cho dự án, trong đó, VietinBank với vai trò là ngân hàng đầu mối phải cung cấp đủ vốn như đã cam kết.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải sớm thu phí trở lại dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương và có báo cáo Chính phủ để triển khai thi công dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Tấn Đống, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, hồ sơ giải ngân và các điều kiện tiên quyết trước ngày giải ngân đã đảm bảo theo quy định của hợp đồng tín dụng.
“Ngân hàng VietinBank đại điện cho các ngân hàng tài trợ vốn cam kết sẽ giải ngân khoản vay đầu tiên cho dự án vào ngày 9/3”, ông Đông nói.
Trước đó, liên danh các ngân hàng cấp tín dụng cho dự án, gồm VietinBank, BIDV, AgriBank, VPBank và doanh nghiệp dự án đã ký hợp đồng tín dụng vào ngày 16/12/ 2019 với hạn mức cam kết tài trợ là 6.686 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thời gian qua, do vướng các thủ tục pháp lý giữa phía ngân hàng và Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Tiền Giang nên việc giải ngân nguồn vốn gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Trần Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, hai điều kiện giải ngân cuối cùng mà VietinBank yêu cầu làm rõ, bao gồm: tính pháp lý đối với các công văn do UBND tỉnh ký ban hành về giá thu phí, lộ trình thu phí cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để dự án có đủ cơ sở cần thiết thi công là đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, theo ông Dũng, phía ngân hàng yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang ký bảo lãnh vốn vay trong hợp đồng tín dụng giữa chủ đầu tư dự án với ngân hàng cho vay. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, pháp luật không quy định thẩm quyền, trách nhiệm của Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền (UBND tỉnh Tiền Giang) của dự án như vậy, mà việc này là do thỏa thuận của bên cho vay và bên vay.
Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là tuyến nằm trong quy hoạch đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Tuyến đường này có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long với TP.HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Việc sớm hoàn thành tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và kết nối đồng bộ tuyến cao tốc TP.HCM đến Cần Thơ sẽ góp phần tạo “sức bật” mới, tháo gỡ “điểm nghẽn” về giao thông cho khu vực miền Tây Nam Bộ.
Về tiến độ thi công cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, hiện nay, dự án đã hoàn thành thi công cắm bấc thấm để xử lý nền đất yếu trên tuyến chính và đang trong giai đoạn đắp gia tải, triển khai thi công cầu. Tính đến nay, qua 11 tháng kể từ khi khi Tập đoàn Đèo cả tham gia quản trị, điều hành, dự án đã thi công đạt hơn 35% khối lượng của toàn dự án, tăng gấp 3 lần so với khối lượng 10 năm trước.