Aa

Ngày giao phố

Thứ Sáu, 27/12/2019 - 06:30

Tuổi đã hơn một hoa giáp nhưng sao lạ, đến những ngày này vẫn thấy phập phồng, phấp phỏng. Hình như trong mỗi người đều có một đứa trẻ háo hức với tiết năm sang tuổi.

Tôi gọi những ngày cuối năm là ngày giao phố. Phố phường chuyển năm và dĩ nhiên những ngày này bao giờ cũng đặc biệt và vô cùng hối hả. Năm ở đây là năm dương lịch. Nó khác với năm âm, ấy là Tết, dù rằng năm dương cũng được gọi là Tết dương lịch, nhưng với người phố, Tết ta, Tết âm lịch mới thực sự ý nghĩa.

Ngày chuyển giao năm dương về hình thức mới đúng là kết thúc một năm thật sự. Ngoài chuyển lịch, nó còn là kết thúc của một năm dài lao động sản xuất, bán buôn, công tác. Mọi thành tựu, cá nhân hay gia đình, lớn hơn là tập thể, của cả viên chức, công nhân hay ông chủ, quan chức... đều kết ở thời điểm này. Thế nên giai đoạn cuối năm, tất tần tật quáng quàng, nháo nhác vắt chân lên cổ mà chạy đua với thời gian.

Phố cũng vậy. Dịp cuối năm chuẩn bị cho năm mới, nên hình dáng phố cũng thay đổi. Đó là chất tươi mới. Phố xá được trang hoàng lại ở những điểm chính. Các công sở, những tòa nhà, đặc biệt là những con phố được trang trí lộng lẫy. Đèn trang trí nhấp nhánh đủ màu sắc làm sắc phố bừng lên. Hoa, cờ, biểu ngữ dịp này cũng đua nhau tràn khắp phố.

Trùng dịp Noel nên những khu vực xung quanh được thơm lây từ các nhà thờ bởi sắc màu của đèn nến, cây nêu và không khí tấp nập, trang nghiêm. Những cây thông lớn, nhỏ bây giờ chẳng phải độc quyền của nhà thờ và dân đạo nữa mà là mốt chơi, là trang sức của bất cứ gia đình nào có điều kiện và ý thích. Thậm chí cả trụ sở các công ty, cơ quan cũng đặt cây thông. Khá giả thì chơi cây thông lớn, khiêm tốn hơn thì chơi cây nho nhỏ. Mà thông thì bây giờ sản xuất công nghiệp có thể lắp ráp, chơi hết vụ Noel, hết vụ Tết dương lịch, lại có thể tháo ra cất đi sang năm chơi tiếp.

Hà Nội đêm Noel. Ảnh: Bùi Văn Doanh

Nói đến những ngày giao phố này không thể không nói đến thời tiết. Đã gần như thành quy luật, dịp áp năm, thời tiết bao giờ cũng thuận và một chiều. Có thể nắng rờ rỡ như mùa hè hoặc rét căm căm, nhưng ít khi bị gió táp mưa sa. Nếu có mưa chỉ là sùi sụt rắc bụi nước chút ít. Người dân dịp giao phố tưng bừng diện quần áo mới súng sính dạo phố. Đêm Noel người đổ về khu vực Nhà thờ lớn và Hồ Hoàn Kiếm đông chật. Có lẽ ngoài Noel thì cả năm chỉ có mấy dịp được lễ hội tưng bừng như thế. Có thể kể trên đầu ngón tay như ngày Quốc khánh, ngày chuyển giao năm dương đón năm mới và đêm giao thừa Tết âm.

Khu vực Hồ Hoàn Kiếm giờ đã trở thành phố đi bộ mỗi cuối tuần nên càng được đầu tư trang hoàng lộng lẫy. Đặc biệt dịp giao phố này vì là kết thúc một năm nên mọi công việc làm ăn đều được tính toán kết lại. Người làm công thì trông ngóng tiền thưởng. Các ông chủ dịp này cứ gọi là méo mặt. Lo quyết toán lời lãi thế nào để chi thưởng đậm hay nhẹ. Tháng lương thứ 13 là phổ biến nhưng cũng có khi là thưởng đậm hơn nhiều. Tất nhiên ở những nơi thua lỗ thì mong được lĩnh đủ lương đã là hạnh phúc. Chuyện tiền thưởng này có ở mọi doanh nghiệp cả trong và ngoài quốc doanh.

Ngày giao phố, thành phố như hân hoan và ngập tràn trong liên hoan tiệc tùng. Tết dương khác Tết âm ở chỗ đấy. Tết âm ai về nhà nấy và toàn bộ nhà hàng, quán ăn đóng cửa, còn Tết dương ngược lại. Dù vẫn được nghỉ, thậm chí là vài ba ngày liền, nhưng người dân ít ai ở nhà. Họ đi chơi và liên hoan tiệc tùng. Các nhà hàng, quán ăn chật ních khách. Tiếng hô dô dô chạm cốc vang dội khắp phố. Tất niên mà. Hết một năm dù tính cách nào thì Tết dương vẫn là mỗi người thêm tuổi. Tuổi trên mọi văn bản giấy tờ được luật pháp thừa nhận. Mỗi người thêm một tuổi, cái sự trưởng thành này tính cả cho người già. Vẫn biết già đi thì quỹ thời gian sống ngắn lại, nhưng từ già đến trẻ ai nấy đều hân hoan. Trẻ nhỏ thì tăng tuổi là niềm vui sướng của cả đại gia đình.

Ngày giao phố, dù tất bật, hối hả đủ mọi nhẽ nhưng lắng nghe vẫn thấy cái nhịp chầm chậm thụ hưởng của tất cả mọi người. Ai có quê xa bắt đầu tích cóp quà cáp chuẩn bị cho Tết âm lịch. Các cửa hàng tạp hóa đã thấy hàng họ mang khuôn mặt Tết xanh xanh đỏ đỏ đến là vui mắt. Những đồ quần áo, giày dép, mỹ phẩm... được dịp xả hàng cực khí thế với những biển giảm giá hấp dẫn. Hoa nữa, vào dịp này hoa cũng tươi sắc hơn hòa cùng không khí phố. Lác đác đã có đào sớm e ấp hé nụ khi ngang qua phố. Đào thắm như cánh chim báo Tết đến.

Lác đác trên phố đã có đào sớm e ấp hé nụ. Ảnh: Internet 

Áp năm, dân làm báo mới thật sự thấm cái ý nghĩa của ngày giao phố. Hối hả lo cho tờ báo xuân khiến cả tòa soạn mặt mũi ai nấy râu ria hốc hác. Chuẩn bị bài vở, lo từ nội dung đến hình thức. Cái trang báo xuân là khó làm, khó nhằn lắm. Tết không thể có những gì bi lụy mà phải tươi tắn nhộn nhịp, phải tràn trề không khí xuân và đậm đà giai điệu hạnh phúc.

Các nhà văn, nhà báo có tiếng dịp này đúng là mùa màng vào vụ. Cắm cúi viết viết xóa xóa lo tòa soạn A chưa xong thì báo B đã thúc. Tầm cuối năm mọi thứ tất tần tật phải xong bài vở để đưa vào nhà in. Cách Tết âm non tháng là mùa báo Tết bung ra. Chỉ cần nhìn vào sạp báo rực rỡ muôn màu với đủ các họa phẩm và ảnh đẹp là đủ biết mùa xuân đang đến. Ui chao, Tết. Tết, Tết đến nơi rồi.

Tôi đã chứng kiến trong đời người không biết bao nhiêu ngày giao phố. Tuổi đã hơn một hoa giáp nhưng sao lạ, đến những ngày này vẫn thấy phập phồng, phấp phỏng. Hình như trong mỗi người đều có một đứa trẻ háo hức với tiết năm sang tuổi.

Hà Nội đã đổi thay rất nhiều từ cả dáng hình đến những chuyển động bên trong của nhịp sống phố. Người Hà Nội cũng vậy, dân số đông ra, muôn hình muôn vẻ nhưng tựu trung tất cả vẫn phải sống chậm lại khoan thai thụ hưởng dù đang rất tất bật hối hả cuộc ma ra tông về đích của năm.

Ấy là khi ngày giao phố. Một cái mốc không chỉ của năm mà là tất cả mọi cuộc đời.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top