Aa

Ngày giỗ Nội

Thứ Bảy, 26/06/2021 - 07:00

Am Thụy Ứng sẽ còn đó và mãi mãi sau này vẫn sẽ hiện diện. Dù có thể sẽ có những đổi thay, nhưng nhất định, đó là một sự hiện diện thật ý nghĩa, một “điềm lành” giữa nơi quê cha đất tổ thân thương của tôi...

Đến một thời điểm, tâm hồn của con người ta như đã chùng mỏi sau khi qua khắp mỏi nẻo đường đời. Rồi sẽ thèm trở về ngôi nhà ngày thơ bé, thèm được thấy lại hình bóng của những người thân giờ đã khuất xa. Ngôi nhà nào có bóng dáng ông bà, cha mẹ, sẽ mãi mãi là bến đỗ yên ấm cho tâm hồn của mỗi người. Dù người ta 5 tuổi, 15 tuổi, hay cả 50 tuổi thì cũng vậy thôi.

Chiều mùa Hạ, tôi ngồi nhấp một ngụm trà sen thơm ngát và nghe tiếng chim chóc líu ríu chuyền cành trên tán lá xanh rợp mát. Bỗng nhiên thèm có những câu chuyện, những người chị, người em để nhắc nhớ...

Ngôi nhà tuổi thơ với hầm tránh bom trở thành am tranh khiêm cung mà đầy màu nhiệm. Nơi này có ông bà nội, có ba tôi và mạ đã gắn bó suốt một đời. Nơi này, còn có cả tuổi thơ của anh em chúng tôi. Thoáng chốc, đã đổi thay quá nhiều.

Sắp tới ngày giỗ ông Nội của tôi. Ông tôi mất năm 1980, ngày ấy, tôi vừa lên chùa ở tròn 1 năm. Vậy mà hơn 40 năm đã đi qua từ ngày tôi mất ông! Lúc đó tôi 11 tuổi, vừa đủ lớn để hiểu chuyện gì đang xảy ra.

ông nội
Ảnh minh họa.

Ông vừa mất thì ở nhà ba tôi cho người đi bộ lên chùa báo tin cho hai thầy của tôi, để hai thầy biết và xin cho tôi về nhà nhìn ông trước khi liệm. Hồi đó, chúng tôi phải đi bộ, chưa có xe đạp. Khoảng cách từ quê tôi đến chùa hơn 20km.

Tôi về đến nhà thì nhìn đầy người ngồi khắp sân và trong nhà. Tôi được hướng dẫn đến chỗ gường ông đang nằm. Tôi thấy ông nằm trên giường thẳng tắp và mặt được đắp lại bằng tấm vải đỏ. Tôi đến đứng sát cạnh giường ông, thì cô của tôi (0 Tịch) dở khăn mặt ra cho tôi nhìn mặt ông. Đó là lần đầu tiên trong tôi có ý thức về cái gọi là chết.

Từ đó tôi cứ lo nghĩ là những người thân của mình sẽ lần lượt "chết" như ông. Vì ở chùa tôi được hiểu cuộc đời là vô thường, ai cũng chết. Tôi bắt đầu tập làm quen với chuyện người nhà mình rồi sẽ ra đi. Tôi làm quen dần bằng cách, mỗi lần được đi theo thầy nhập liệm các đám tang tôi đều quán chiếu người nằm đó là cha, là mẹ, là anh chị em mình. Tôi tự hình thành cho mình cách đó để đối diện với sự thật là, có ngày, mình sẽ mất người thân.

Trở lại chuyện ông tôi. Khi còn ở nhà, tôi thấy ông không nhìn được, đôi mắt ông bị mù. ông bị mù gần chục năm thì mất.

Trước ngày ông sắp mất, ông gọi ba tôi lại, ông bảo ba tôi: "Ba sẽ đi vào ngày 13 tháng 7". Ba tôi không chịu, mới thưa với ông, "Ba không đi ngày đó được, mà phải qua Rằm mới có các thầy vè lễ cho Ba". Ông tôi lắc đầu, bảo: "Không, ba đi ngày đó".

Ông nói điều đó với ba tôi trước 1 tuần. Ba tôi biết ngày 13 là ngày thiêng, ngày lễ Vía Đản Sinh của Bồ tát Đại Thế Chí, nhưng vì ba tôi muốn ông mất phải có hai thầy của tôi về lẽ cho ông nên đã điều đình với Ông.

Đúng ngày đã chọn, ông nhắm mắt thảnh thơi ra đi ...

Tục ở quê tôi, khi giỗ là giỗ ngày sống, không giỗ ngày mất, vì vậy ông mất 13 thì giỗ ngày 12.

Về sau, khi tu tập và tụng kinh tôi biết câu: "Dự tri mạng chung thời" là một lời nguyện lớn của người tu: "Cầu nguyện được biết trước giờ chết". Nghĩa đươc biết rõ giờ ngày mình chết để có cái chết thảnh thơi.

Ông tôi rất trực tính, khẳng khái, và không chịu luồn cúi nhún nhường hạ mình trước bất cứ áp lực nào. Ông sống trung thực, chính tâm, không xu phụ và sẵn sàng hy sinh vì việc nghĩa. Ông có tấm lòng trượng nghĩa, vì lợi ích cho dân cho làng ông nhất quyết hy sinh vì họ. Ông nhiều phen cứu dân cứu làng giữa cái buổi nhiễu nhương khi Pháp và Việt Minh, khi Mỹ và bộ đội...

Ông sống một đời xứng đáng, không hổ thẹn để ngửa mặt nhìn trời và bước đi giữa thương kính của bà con dân làng. Ông còn có công sáng lập ngôi Niệm Phật Đường thôn Thi Ông mà bây giờ là Chùa Thi Ông nằm bên bờ sông Vĩnh Định.

Ông quy y theo Phật có Pháp danh là Tâm Thụy. Ở trong làng, ông được ăn tiên chỉ vì là Chánh đội trưởng Bát phẩm. Người làng thường gọi ông với cái tên gần gũi: Ông Bát.

Tôi được ba gửi lên chùa, rồi lại trở về dựng lại am tranh của ba ngày nào cho thêm vững chãi, trang nghiêm. Am cũng mang một chữ “Thụy” trong tên của ông nội tôi. Thụy cũng có nghĩa là điềm lành. Thụy Ứng nghĩa là điềm lành đã ứng nghiệm. Những điềm lành ấy, chính là biết bao năm tháng am tranh xưa là hầm tránh bom đã che chở cho biết bao bà bon dân làng thoát khỏi bom rơi đạn lạc; là những điều màu nhiệm đã tới và chuyển hướng cuộc sống của ba, của cả gia đình tôi và bản thân tôi cho đến tận hôm nay.

Tiếp nối từ ông nội, như một cái cây đã vững vàng nơi cội rễ, thời gian qua đi mang theo nhiều biến đổi. Am xưa chỉ còn trong những tấm hình và ông tôi, rồi mạ tôi và biết bao người thân yêu của chúng tôi giờ cũng chỉ còn trong những ký ức. Một cái cây có thể bị thương ở cành nhánh, những chiếc lá có thể rụng xuống sau những ngày xanh... nhưng vòm cây thì luôn giữ mãi vẻ mát xanh. Đó là nhờ có gốc rễ vững chãi, bền chặt.

Am Thụy Ứng hôm nay trang nghiêm và hiền hòa nép mình nơi dòng sông Vĩnh Định. Cũng như cái tên Tâm Thụy của ông tôi, một tâm lành đã từng có mặt và hiến tặng cuộc đời thật lành lẽ, tự tại và đức độ. Am Thụy Ứng sẽ còn đó và mãi mãi sau này vẫn sẽ hiện diện. Dù có thể sẽ có những đổi thay, nhưng nhất định, đó là một sự hiện diện thật ý nghĩa, một “điềm lành” giữa nơi quê cha đất tổ thân thương của tôi./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top