Ngày mưa, mỗi khi thật buồn tôi hay nhảy lên xe buýt ngồi ghế đầu để nhìn cái gạt nước trên xe, chỉ mong cái gạt nước xóa đi phiền muộn như nó đã từng gạt nước trên kính. Có những hôm tôi đi chợ cây giống tận bên trường Đại học Nông nghiệp 1 hay đi chợ quê tận Ba la Bông đỏ mạn Hà Đông chỉ để nhìn mưa và cái gạt nước.
Một lần xe buýt vắng khách, nhìn cái gạt nước như cái đũa cả ghế cơm, xóa nước trên cái hình nan quạt, nhìn cái gạt nước lau mặt kính tôi nghĩ, giá như cái gạt nước ấy như cái dấu nhấn trên máy tính, chỉ cần Delete - xóa được đau khổ trong lòng người thì hạnh phúc biết mấy.
Lần này mưa, tôi ngồi sau xe do đứa cháu lái Grab đưa về làng Cát Quế, chuyến đi có một thông điệp là gửi một món quà mừng đám cưới đứa cháu bên ngoại rồi tôi ra ngay. Đám cưới ở làng Cát Quế, nơi cách làng Sơn Đồng nổi tiếng làm tượng phật có hơn một cây số. Nơi cách hồ Gươm khoảng hai chục km. Mà lạ, đám cưới nào cũng cứ bày đặt ra hàng hai trăm mâm cỗ, tiết kiệm nhất cũng hơn trăm mâm. Nhà trai cưới cho con xong lại còng lưng trả nợ.
Hà Nội 2 của tôi, ở một vùng thôn quê mới lên phố vài năm, họ đều biết miền Trung đang lũ lụt đói khổ, dù tiết kiệm lắm cũng vẫn lo cỗ rõ to. Vẫn biết làng Cát Quế người dân làm kinh tế giỏi, có nghề truyền thống làm mật mía, miến dong, bánh gio, đời sống rất khá giả nhưng nhận thức để thay đổi về lối sống văn hóa, văn minh thì xem ra lệ làng còn chậm như rùa.
Tôi ngồi nhìn cái gạt nước trên kính, đang xóa đi những hạt mưa trên gương mờ. Cháu Dân lái xe tâm sự: “Khi vừa ở Huế ra, trong lòng cháu cũng buồn bã, muốn đi đâu đó cho khuây khỏa. Ở Huế, nhìn nước ngập chỉ biết nuốt khan. Rồi cháu tiếp: “Tận mắt nhìn đồng bào mình cơ cực cháu cũng “sốc”, giờ cháu đã bắt tay vào việc mới, cũng đỡ hơn”. Dân nói với tôi, cháu không tin vào phép nhiệm màu, ngoài đôi bàn tay và suy nghĩ của mình.
Tháng trước cháu có về làng Sơn Đồng, ngôi làng chuyên sản xuất đồ thờ cho cả nước, tượng phật quan thế âm bồ tát, có tượng còn bầy ra cả đường đi, họ phơi cho gỗ khô; những đôi câu đối tết cũng đang được viết chữ, kẻ sơn trên tàu lá chuối cũng bầy ra trước hiên nhà. Quả thật, những thợ mộc có thể gõ gõ đục đục không chán, họ cúi mặt đánh giấy ráp ngón chân, bàn tay tượng phật trên thớ gỗ cả ngày, người thợ có đức tin thật kỳ diệu. Đức tin đã làm cho họ yêu nghề mộc hơn chăng? Cậu lái xe phục chàng thợ mộc. Dân từng chạy xe ôm kiếm sống, mới đây học lái ô tô lấy cái bằng mới chạy xe Grab này.
Đời sống tâm linh và người Việt luôn coi trọng chữ nghĩa, bố mẹ vẫn mong cho con cái hay chữ để nên thân nên người, nhưng không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng để học giỏi. Dân hỏi tôi: “Cô tin có phép màu không?” Tôi đáp: “Chắc có với đồng bào miền Trung đấy, mới đây thôi, những người lính không quân sư đoàn 372 đi trực thăng cứu hộ đồng bào ở Phước Sơn; rồi 4 người miền Tây do bạn Hoài Phong dẫn đầu đi nằm vùng ở Quảng Trị cứu đói và nhiều người thầm lặng giúp đỡ bà con vùng lũ. Họ chính là phép màu. Người dân miền Trung chất phác họ không nói được bằng lời hoa mỹ mà thôi. Gốc rễ thật thà mộc mạc, nhìn thấy đồng bào mình nhường cơm sẻ áo cho nhau, như bầu như bí cùng giàn vậy”.
Tuần trước, Dân lái xe cho một gia đình sang vườn hồng qua cầu Vĩnh Tuy, Dân nói: “Thoạt nhìn thấy họ hạnh phúc lắm, đứa cháu gái mũm mĩm, xinh đẹp, thấy ông ngoại dắt cháu đi chơi còn cô con gái đứng chụp ảnh. Lúc người mẹ lấy đồ uống thức ăn nhanh lại quay mặt lau nước mắt, chỉ mấy câu đối thoại thở hắt ra của người mẹ: “Là chồng con bé mới mất, chồng nó gặp nạn ở nước ngoài, vợ chồng tôi đưa hai mẹ con nó đi chơi vườn hồng cho khuây.
Khuây, làm sao hoa hồng có thể giải khuây đây? Cô tính tình cảm vợ chồng đang thời thanh xuân, đang yêu nhau thế, đùng cái, một nửa của tình yêu bỏ đi, cha mẹ có chuẩn bị tâm lý thế nào thì cũng phải đợi chờ thời gian. Thời gian sẽ như thuốc Efferalgan giảm đau cho người. Chứ dù bố mẹ có bày ra múa rối cũng không thể xua đi được nỗi buồn trong trái tim bé nhỏ trong lồng ngực. Làm sao nhấn Delete (xóa đi) trong tim đây?
Cậu lái xe tên Dân kể tiếp: “Quê cháu cũng có người bà con trong vùng huyện Phước Sơn, nơi cũng đang thiếu ăn, lũ cuốn sạch bách, trâu bò, gà lợn. Ở làng có người mẹ già Quảng Trị, chăm chút có đàn gà chục con sống mái, mẹ cứ để dành không dám cho con cháu ăn ngon, cố nuôi lớn để bán lấy tiền mua sách vở cho con cháu ăn học, giờ thì lũ cuốn đi mất, còn ngồi tiếc của cả ngày. Xét cho cùng thì người dân khổ quá nên họ phải sống tằn tiện, để rồi trời lại lấy đi tuốt. Người mẹ kêu khóc khản hơi, đến lúc có đội quân cứu trợ của bà con miền Tây, mang hàng hóa cho quà; người mẹ cũng được phần, có miếng ăn cứu đói nhưng mẹ vẫn ăn dè dặt, đứa con, cháu còn phải dọa: “Nếu mẹ không ăn thì giời lại lấy đi nốt đó, dọa thế mẹ mới ăn!”
Căn bệnh cần kiệm, nom thật khổ hạnh của người miền Trung xét cho cùng cũng chỉ vì đời sống thường nhật quá cơ cực. Rồi máy bay trực thăng của sư đoàn không quân 372, cứu đói ở Phước Sơn, đó chẳng là phép nhiệm màu là gì? Thương lắm cháu X học sinh lớp 11 ở Trà Leng, ngôi mộ bố mẹ đắp vội, tung vãi mấy gói mì tôm khô bẻ nát bét vứt trên đất, cháu phải nhìn đi nơi khác. Vì hôm đó trên thế giới người Celts đang tôn vinh vị thánh Samhain, tôn vinh các vị thần cai quản linh hồn chết và cũng là cách để xua đuổi tà ma quỷ quái trên dương gian vào hôm 31/10 hàng năm. Nhưng ở miền Trung, ngày đó thì không rõ có vị thần nào độ cho dân chúng người Việt, bớt đi nước xiết?
Nếu các ngài cai quản linh hồn thì hãy giúp bà con tìm thấy thân nhân họ trong bùn lầy. Và trong tận cùng của dòng nước, đâu đó phận người bị nước cuốn đi và đã có người biệt tăm. Cái gạt nước nghĩ gì về sự biệt tăm của phận con ong cái kiến? Nước và đất xóa tên ngôi làng với 11 ngôi nhà. Không rõ họ có còn kịp làm giấy khai sinh cho con cháu không. Tên tuổi họ mãi nhấn chìm trong nước và bùn cây. Từng có giả thiết đặt ra. Nếu như những ai không còn người thân thích nữa, chỉ xin với đất, hãy để họ yên nghỉ trong đất, đừng đào bới lên làm gì.
Vì người thân không còn, vì con người sinh ra từ cát bụi cuối cùng lại trở về với cát bụi mà thôi. Nếu có tìm kiếm chôn cất lại, thì gia đình họ có còn ai thân thích đâu mà hương khói? Sự thật vẫn đắng lòng cho phận người bé nhỏ. Còn kết quả tìm kiếm người mất tích vẫn cứ là kết quả trên con số tin vắn hàng ngày. Bể nước mênh mông và kết quả, những người lính, công an, công binh, họ đầy tình trách nhiệm yêu thương đồng bào, họ vẫn khổ công kiếm tìm trong hi vọng và cả trong thất vọng.
Còn kết quả khác, ẩn số mưa lũ ở vùng sâu, nhiều nơi vùng Quảng vẫn có miền quê hiu vắng lắm. Có những phận người bé mọn còn sống ẩn khuất trong đâu đó xa vời. Nếu có phép màu thật, thì chính chúng ta đừng có đốt rẫy phá rừng. Cái gạt nước, cũng nhắc người Việt nhớ lại trận sóng thần ở Nhật Bản, ở Indonexa, năm nào. Sóng cũng cuốn đi cả một vệt làng quê ven biển của người Nhật. Và họ đã thầm lặng chịu đựng và thầm lặng vượt qua. Làm sao có thể khác. Đã qua nhiều năm rồi, nỗi đau đã lắng chìm dưới biển, có người nhớ và có người quên.
Cái gạt nước có gạt đi u buồn hay nỗi thống khổ của người còn sống sót, lại vừa mất người thân trong gia đình khi làng mạc, nhà cửa bị cuốn trôi sau xả lũ. Và sau cả sụt lở đất, liệu rồi phép màu có mãi hiện ra, khi người dân không kịp thời ngăn chặn nạn phá rừng, khi người ta vẫn xẻ núi làm du lịch. Để rồi mong muốn “giũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi). Khó sao?