Aa

Nghệ An: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 12/2023 ước tăng 6,16% so với cùng kỳ năm 2022

Phương Nam
Phương Nam
Thứ Năm, 28/12/2023 - 16:09

Báo cáo tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh Nghệ An tháng 12/2023, ông Phạm Hồng Quang – Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 12/2023 ước tăng 6,16% so với cùng kỳ năm 2022. Luỹ kế cả năm 2023, một số sản phẩm công nghiệp dự ước có mức tăng khá so với năm 2022.

Tham dự phiên họp có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An; ông Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Nam Đình – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Bùi Thanh An – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh cùng tham dự phiên họp.

Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 12/2023 ước tăng 6,16% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế cả năm, IIP ước tăng 7,6%; trong đó ngành khai khoáng ước bằng 91,94%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 10,01%, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí ước bằng 94,64%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước tăng 25,74% so với cùng kỳ.

Luỹ kế cả năm, một số sản phẩm công nghiệp dự ước có mức tăng khá so với năm 2022 như: Nước mắm 393 triệu lít, tăng 19,58%; sữa chua 51 nghìn tấn, tăng 5,62%; sữa tươi 274 triệu lít, tăng 11,19%; thức ăn gia súc 170 nghìn tấn, tăng 13,2%; bia đóng chai 41 triệu lít, tăng 2,64%; phân bón 55 nghìn tấn, tăng 21,78%; nước máy 35 triệu m3, tăng 2,75%…

Trong tháng 12/2023, thị trường đã từng bước có dấu hiệu phục hồi trở lại sau những tháng đầu năm gặp khó khăn, nhu cầu mua sắm của người dân có xu hướng tăng trở lại, hệ thống siêu thị bán lẻ và các hoạt động kết nối cung cầu tiếp tục được mở rộng trên nhiều địa bàn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12/2023 ước đạt 13.543,36 tỷ đồng, gấp 1,46 lần so với cùng kỳ năm 2022; luỹ kế cả năm ước đạt 123.133,27 tỷ đồng, tăng 21,38% so với năm 2022.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 12/2023 ước đạt 220 triệu USD; tăng 26,37% so với cùng kỳ 2022. Lũy kế cả năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,11 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 2,452 tỷ USD, tăng 12,02%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.323 triệu USD, tăng 4,15% so với cùng kỳ năm 2022.

Lượng khách du lịch tháng 12 ước đạt 350.000 lượt, doanh thu du lịch ước đạt 366 tỷ đồng. Luỹ kế 12 tháng, lượng khách du lịch ước đạt 8,36 triệu lượt, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2022.

Thu ngân sách năm 2023 ước thực hiện 18.136 tỷ đồng, đạt 114% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 81% so với thực hiện năm 2022. Trong đó, thu nội địa ước thực hiện 16.940 tỷ đồng, đạt 116% dự toán và bằng 80% năm 2022; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 1.175 tỷ đồng, đạt 94% dự toán và bằng 88% so với năm 2022. Chi ngân sách năm 2023 ước thực hiện 35.661 tỷ đồng, bằng 107,5% dự toán.

Trong tháng 12, toàn tỉnh đã cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp GCNĐKĐT) cho 08 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 5.126,4 tỷ đồng

Tính đến ngày 20/12/2023, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023 đã giải ngân 6.729,549 tỷ đồng, đạt 74,5%; trong đó: vốn đầu tư công tập trung giải ngân 3.636,289 tỷ đồng, đạt 65,12%. Kế hoạch năm 2022 kéo dài sang năm 2023 đã giải ngân 1.017,114 tỷ đồng, đạt 64,79%.

Một số dự án trọng điểm có tiến độ giải ngân tốt như: Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) đoạn từ Km7 - Km76 đạt 84,96%, Đường giao thông nối từ Quốc lộ 7C (Đô Lương) đến đường Hồ Chí Minh (Tân Kỳ) đạt 99,76%, Đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 2) đạt 100%...

Trong tháng 12/2023 (tính từ ngày 01/12/2023 đến 18/12/2023), trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp GCNĐKĐT) cho 08 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 5.126,4 tỷ đồng. Điều chỉnh 12 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 03 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng 3.208,7 tỷ đồng. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 8.335,1 tỷ đồng.

Lũy kế trong năm 2023 (tính đến ngày 18/12/2023), trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp GCNĐKĐT) cho 115 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 44.883,4 tỷ đồng. Điều chỉnh 183 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 49 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng 10.127,6 tỷ đồng. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 55.011 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng dự án cấp mới tăng 3,6%, tổng vốn đăng ký cấp mới gấp 1,53 lần.

Trong tháng 12 (tính đến ngày 20/12/2023), có 136 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 781 tỷ đồng. Lũy kế cả năm (tính đến ngày 20/12/2023), có 2.869 doanh nghiệp thành lập mới, bằng 97,05% so với cùng kỳ năm 2022 với tổng số vốn đăng ký 18.566 tỷ đồng; 1.053 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 7,33% so với cùng kỳ năm 2022.

Các hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế tiếp tục được triển khai hiệu quả. Lĩnh vực văn hóa – xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác đăng ký đất đai, đăng ký biến động đất đai và cấp GCNQSD đất cho các tổ chức, cá nhân được thực hiện tốt. Các huyện, thành phố, thị xã đã hoàn thiện hồ sơ đề xuất phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024, đồng thời tiếp tục điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2023. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên hiện nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp trên địa bàn nhiều huyện, thành phố, thị xã (Hiện có 114 ổ dịch tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa qua 21 ngày tại 19 huyện, thành phố, thị xã; số lợn chết, buộc tiêu hủy 7.452 con, tổng trọng lượng 431.457 kg). Lũy kế 12 tháng, một số sản phẩm công nghiệp dự kiến giảm so với cùng kỳ năm 2022 như: Bia đóng lon giảm 3,36%; dăm gỗ giảm 6,86%; xi măng giảm 1,42%; điện sản xuất giảm 7,48%...

Mặc dù tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 cao hơn cùng kỳ năm 2022 và cao hơn bình quân cả nước nhưng một số nguồn vốn giải ngân còn thấp như: Vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới giải ngân 390,207 tỷ đồng, đạt 52,17%; vốn nước ngoài mới giải ngân 137,454 tỷ đồng, đạt 46,45%; Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mới giải ngân 228,352 tỷ đồng, đạt 36,12%; Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững mới giải ngân 9,779 tỷ đồng, đạt 4,78%...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top