Nửa nhiệm kỳ qua, Nghệ An đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, thu hút được nhiều dự án của các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước đã đầu tư vào Nghệ An.
Nổi bật như: Dự án đầu tư KCN WHA Hemaraj 1- Nghệ An của WHA Hemaraj Land And Development (SG) PTE.LTD, Thái Lan (1 tỉ USD); Nhà máy xi măng Sông Lam giai đoạn 2 tại xã Bài Sơn, huyện Đô Lương (9.449 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất gỗ ván sợi MDF tại huyện Anh Sơn của Công ty CP Gỗ MDF Nghệ An (1.754 tỷ đồng); Nhà máy bia, nước giải khát Masan Nghệ An tại KCN Nam Cấm của Công ty CP Tập đoàn Masan (1.661 tỷ đồng); Nhà máy nước tinh khiết và nước hoa quả Núi Tiên tại huyện Nghĩa Đàn của Công ty TNHH Nước tinh khiết Núi Tiên (1.176 tỷ đồng).
Tiến độ thực hiện một số dự án, công trình trọng điểm được Nghệ An đẩy nhanh và hoàn thành đưa vào hoạt động: Tuyến đường nối từ QL7- N5 - D4 đến Nghi Thiết; Nhà máy Xi măng Sông Lam, trạm nghiền xi măng Nghi Thiết, cảng The Vissai - Nghi Thiết của Tập đoàn Vissai; Tổ hợp khách sạn vui chơi, giải trí, biệt thự nghỉ dưỡng Vinpearl - Cửa Hội của Tập đoàn Vingroup; Nhà máy Tôn Hoa Sen Đông Hồi của Tập đoàn Hoa Sen.
Đặc biệt là Nhà máy gỗ MDF của Tập đoàn TH tại huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An. Đây là nhà máy chế biến gỗ ván sợi sử dụng công nghệ tiên tiến, trang thiết bị hiện đại và có quy mô lớn của Việt Nam với tổng mức đầu tư hơn 6 ngàn tỷ đồng, tương đương 300 triệu đô la Mỹ được chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn I với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD gồm dây chuyền chế biến gỗ thanh với công suất 12.000 m3/năm và dây chuyền chế biến ván sợi MDF với công suất: 130.000 m3/năm.
Giai đoạn II sẽ nâng tổng công suất của nhà máy gỗ thanh lên 40.000 m3/năm và nhà máy gỗ MDF: 400.000 m3/năm với tổng mức đầu tư 200 triệu USD. Với việc đưa nhà máy vào hoạt động, chủ đầu tư dự án - Tập đoàn TH và nhà tư vấn đầu tư - Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) tự hào tiếp tục đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển bền vững và chuyển dịch cơ cấu kinh tế miền Tây Nghệ An nói riêng cũng như vùng kinh tế trọng điểm Tây Bắc nói chung.
Tuy nhiên, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất thấp, chỉ có 5,6% về số lượng và 13,3% số vốn đăng ký; chưa có nhiều dự án lớn mang tính động lực, thúc đẩy mạnh trong phát triển kinh tế của tỉnh. Bên cạnh đó, theo đánh giá cũng cho thấy: Thu hút đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp chiếm tỷ trọng thấp, chỉ có 17,3% về số lượng và 24,27% vốn đăng ký.
Hiện tỉnh Nghệ An đang tìm giải pháp để khắc phục yếu điểm này.