Aa

Nghệ thuật đem đến “cuộc sống thứ hai” cho đô thị

Chủ Nhật, 16/06/2019 - 20:31

Nghệ thuật đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình bảo tồn, gìn giữ các giá trị đô thị.

Những tác phẩm của cố họa sỹ Bùi Xuân Phái đã giúp bảo tồn đường phố Hà Nội cả ngoài đời thực lẫn trong lòng mọi người.

Những tác phẩm của cố họa sỹ Bùi Xuân Phái đã giúp bảo tồn đường phố Hà Nội cả ngoài đời thực lẫn trong lòng mọi người.

Các thành phố hiện nay, nếu so với khoảng một thế kỷ trước, vững chắc hơn rất nhiều nhờ vào những phát kiến mới trong ngành xây dựng, giao thông, quy hoạch… Và khi khoa học – công nghệ vẫn duy trì được tốc độ phát triển như vũ bão, các thành phố sẽ còn trở nên vững chắc hơn rất nhiều. Tuy vậy, hiện nay vẫn còn những thành phố đang chờ đợi ngày kết thúc của mình.

Lấy ví dụ như Venice. Thành phố miền Đông Bắc nước Ý này từ lâu được biết đến với hệ thống kênh đào chằng chịt nối 108 hòn đảo nhỏ ở vùng phá Venezia. Cảnh sắc tự nhiên có một không hai, kết hợp với nền kiến trúc Gothic và những con người Ý mến khách, đã đặt Venice vào nhóm những thành phố thơ mộng nhất thế giới. Tuy vậy, Venice ngày nay đang bị chìm dần xuống biển.

Ngoài nguyên do chính là sự chuyển động của các mảng kiến tạo địa chất, sự thành công của Venice cũng đang góp phần giết chết dần thành phố. Các hòn đảo nay không còn có khả năng chống đỡ cho sức nặng của tất cả những công trình được xây dựng bên trên. Việc bơm nước ngầm lên từ trước năm 2000 để phục vụ nhu cầu người dân làm yếu thêm nền móng của những hòn đảo.

Chính quyền Venice đã chi hàng chục triệu Đô-la cho các dự án xây dựng, cải tạo, di dân… nhưng đến nay thành phố vẫn hứng chịu những trận lụt nặng nề hằng năm. Sẽ đến một lúc nào đó nước biển nhấn chìm hoàn toàn những hòn đảo và các công trình lịch sử hằng trăm năm tuổi trên đó.

Trường hợp của Venice và những thành phố khác đang đứng trước vực thẳm là minh chứng rõ ràng cho thấy sự cần thiết của việc bảo tồn đô thị đi đôi với phát triển. “Bảo tồn” ở đây không chỉ gói gọn trong việc duy trì, bảo quản những nét văn hóa vật chất – tinh thần đô thị như nhà cửa, đường xá, chợ… mà còn là nâng cao những giá thị đó thông qua nghệ thuật.

Trước hết, tiền đề của việc bảo tồn là làm cho người dân, doanh nghiệp, chính phủ… hiểu được tầm quan trọng của những nét văn hóa vật chất – tinh thần đối với bản thân họ và xã hội.

Ngoài nói về giá trị kinh tế trực tiếp thì chúng ta có thể tìm cách gắn kết nét văn hóa với đời sống tinh thần của họ. Đơn cử như một người, một phường, hay một thành phố sẽ khó có thể chấp nhận việc chặt đi những cây cổ thụ nếu như những cây này là cảm hứng cho một bài hát được nhiều thế hệ yêu thích.

Hay trong số những đứa trẻ được tạo cơ hội làm quen với các bộ môn diễn xuất truyền thống, chắc hẳn sẽ có những em trở thành thế hệ nghệ sỹ mới duy trì ngành nghệ thuật.

Ai không yêu nơi mình ở, nếu không trực tiếp gây hại cho mọi người sống xung quanh thì cũng sẽ đứng ngoài lề khi thành phố bị “bào mòn” dần vì thời gian. Đây là nhiệm vụ của nghệ thuật. Một bài hát, một bức tranh, hay một cuốn tiểu thuyết được khán giả yêu thích hoàn toàn có thể khiến thành phố nơi đặt tác phẩm trở thành niềm tự hào của người dân địa phương. Chính những con người này, chứ không phải ai khác, nắm giữ “chìa khóa” của sự nghiệp bảo tồn những nét văn hóa vật chất – tinh thần đô thị.

Mở rộng ra thì nghệ thuật là một phương tiện rất thích hợp để quảng bá những nét văn hóa vật chất – tinh thần của thành phố đến bạn bè trong và ngoài nước. Đơn giản vì nghệ thuật không chịu rào cản của biên giới địa lý, vật chất hay tinh thần.

Một minh chứng cho việc này ngay trước mắt chúng ta chính là Nhà thờ Đức bà Pari. Khi Nhà thờ bị hỏa hoạn thiêu rụi, cả thế giới dường như quay chậm lại trước hết vì kinh ngạc, sau là vì đau buồn. Thử hỏi rằng nếu không có tác phẩm kinh điển “Thằng gù Nhà thờ Đức bà” của cố nhà văn Victor Hugo thì liệu thế giới có thể đoàn kết, chia sẻ với Pháp như đã diễn ra không?

Thứ hai, chúng ta phải phân tích những nét văn hóa vật chất – tinh thần đô thị từ các góc độ khác nhau, để từ đó hiểu rằng mỗi giá trị lại mang nhiều ý nghĩa trong mình. Một ngôi chợ vừa là nơi để người ta mua bán, vừa là “bàn mổ” phân tích những biểu hiện lâm sàng của nền kinh tế, nhưng cũng là một đối tượng để học hỏi, nghiên cứu về thói quen, cách ăn nói, đối nhân xử thế đương thời. Và liệu có ai ngoài các nghệ sỹ có đủ sự tinh tế và nhẫn nại để chỉ ra những ý nghĩa khác nhau đấy cho những người khác?

Điều này rất quan trọng trong quá trình bảo tồn, tái tạo các nét văn hóa vật chất – tinh thần đô thị. Cho dù là một ngôi nhà hay một môn nghệ thuật đi nữa, không nét văn hóa nào tồn tại trong một môi trường hoàn toàn độc lập, mà sự quý giá của chúng chỉ được thể hiện ra khi được đặt vào bối cảnh kinh tế - xã hội thích hợp.

Điều này giống như trình diễn chèo trong sân đình làng vậy - các vở chèo sáng tác để được diễn trong một khoảng không mở, dưới ánh đèn đuốc tờ mờ, và thưởng thức bởi một lớp khán giả mà chính họ cũng là đề tài. Nếu muốn duy trì sự tồn tại của các nét văn hóa vật chất – tinh thần, chúng ta phải nghiên cứu rất kỹ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, trong đó có cả các tác phẩm nghệ thuật, để phục dựng bối cảnh theo một cách tốt nhất.

Thứ ba, chính các tác phẩm nghệ thuật cũng là nguồn tạo nên các nét văn hóa vật chất – tinh thần đô thị. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh những thành phố mới đang mọc ra với tốc độ chóng mặt. Những thành phố không lịch sử này có thể cung cấp đầy đủ những tiện nghi cho một cuộc sống tân tiến, nhưng liệu nó có mang trong mình bất kỳ giá trị nào để khẳng định nó “có một không hai”? Trong trường hợp này thì sáng tác âm nhạc, văn học cũng quan trọng như xây dựng những công trình kiến trúc thật đẹp vậy - đều là vì mục đích tạo dựng một “danh tính” vĩnh cửu cho thành phố.

***

Chúng ta đang làm việc bảo tồn đô thị thông qua nghệ thuật mà nhiều người không nhận ra. Ví dụ như ngay từ thời bao cấp đã có các cuộc thi sáng tác được chính quyền, hội nghệ sĩ thành phố tổ chức. Những cuộc thi này là động lực để các nghệ sỹ đi ra ngoài, suy nghĩ xem thành phố có giá trị như thế nào với mình, và thể hiện những chiêm nghiệm cá nhân trong tác phẩm của mình.

Trong công cuộc gìn giữ những nét văn hóa vật chất – tinh thần này, vai trò của người trẻ đang càng ngày được nâng cao. Các em tuy có thiếu sót về mặt kiến thức và nguồn lực, nhưng các em lại có trí tò mò, sự năng động, và lòng nhiệt huyết đổi lại. Những dự án, chiến dịch như Hà Nội 3D hay trang trí những mảng tường bằng tranh vẽ là minh chứng cho thấy người trẻ hoàn toàn toàn có thể trở thành nghệ sỹ để bảo tồn thành phố mà nơi mình sống.

Cần có thêm nhiều hơn nữa những dự án nghệ thuật đô thị như 3D Hà Nội.

Cần có thêm nhiều hơn nữa những dự án nghệ thuật đô thị như 3D Hà Nội.

Việc hoạt động của giới trẻ Việt Nam chỉ là một phần trong một trào lưu đang đi lên trên toàn thế giới. Chưa bao giờ xã hội các nước lại thay đổi nhanh như thế. Nếu như trước đây, một người nông dân hay nhà buôn có thể đoán khá chính xác rằng cuộc sống của anh ta sẽ như thế nào, thì nay chúng ta còn khó tưởng tượng nổi chúng ta sẽ ra sao sau mười năm nữa. Đó là vì một nền kinh tế năng động, khoa học – công nghệ phát triển với tốc độ chóng mặt, giao thông trở nên dễ dàng hơn, và luồng thông tin toàn cầu chảy không ngừng.

Trên một phương diện nào đó thì con người không được sinh ra và lớn lên để sống với xã hội thay đổi nhanh chóng như thế. Với những người buộc phải chịu đựng điều này, có rất nhiều hiểm họa đang chờ đón họ như nghèo đói, suy giảm sức khỏe, stress, trầm cảm… Một cách mà xã hội đang phản ứng lại là đi tìm những giá trị vật chất – tinh thần có tính bền vững ngay trong cuộc sống thường ngày để mà bám víu vào. Từ đó mới nảy sinh những sáng tác, dự án nghệ thuật tự nguyện bảo tồn ở nhiều thành phố khác nhau trên thế giới.

Sự tha thiết của người dân với thành phố của họ là một điểm rất đáng khen và nên được khuyến khích để nhân rộng hơn nữa. Tuy vậy, vần còn nhiều dự án không những không đạt hiểu quả mà còn phản tác dụng, làm hỏng đi chính giá trị được bảo tồn - Con đường gốm sứ Hà Nội là một ví dụ điển hình.

Điều này xảy ra phần nhiều là do sự thiếu hiểu biết và kinh phí của các cá nhân, tổ chức tham gia. Chính quyền nay lại có thêm vai trò làm người chỉ dẫn, tài trợ, và điều tiết sao cho công sức của những nghệ sỹ chuyên và không chuyên được đặt đúng chỗ.

Thành phố vẫn thường được so sánh với một cơ thể sống, không lúc nào dừng hoạt động cả. Và cũng giống như con người phải hướng cái nhìn của mình cả về quá khứ lẫn tương lai, thành phố cũng phải gìn giữ những giá trị cao đẹp vốn có của mình để làm tiền đề cho sự phát triển. Nghệ thuật đáp ứng yêu cầu này của con người, nên không có lý do gì để nghệ thuật không làm điều tương tự với các thành phố./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top