Aa

Những mái nhà hội tụ tinh hoa

Thứ Hai, 25/03/2019 - 06:00

Sự thật là những con người tài hoa luôn bị hấp dẫn bởi nhau, và một trong những biểu hiện rõ nhất của điều này là những cộng đồng dân cư gồm gia đình các nghệ sỹ.

Việc những con người thuộc cùng một tầng lớp, có cùng công việc hay sở thích tự mình tìm đến sống gần với nhau không có gì là lạ, mà chỉ đơn giản là một quy luật tự nhiên. Điều này đặc biệt đúng khi áp dụng lên giới nghệ sỹ, vì một tài năng luôn bị hấp dẫn bởi những tài năng khác. Trên thế giới đã có không ít cộng đồng được tạo lập bởi riêng những nghệ sỹ và gia đình của họ. Mỗi cộng đồng này lại mang những bản sắc riêng mà không nhóm dân cư nào khác có được.

Đơn cử như ngôi làng Greenwich ở ngay giữa lòng quận Hạ Manhattan, thành phố New York, Mỹ. Ban đầu chỉ là một ngôi làng bé nhỏ, đến đầu thế kỷ 20, nhiều nghệ sỹ đương đại đã chuyển đến sống tại Greenwich. Chính sự tiếp xúc và cộng tác giữa các nghệ sỹ này đã sản sinh ra một loạt các phong trào trong nghệ thuật Mỹ, từ hội họa Avant-Garde đến kiến trúc Art Deco, từ thời trang Bohemia đến nhạc Rock ‘n Roll. Các viện bảo tàng, học viện, studio,… nối nhau mọc lên ở Greenwich và biến nơi đây trở thành một trong các trung tâm của nền văn hóa Mỹ.

Học viện Hội họa & Mỹ thuật New York, một trong những tòa nhà lâu đời nhất tại Greenwich.

Học viện Hội họa & Mỹ thuật New York, một trong những tòa nhà lâu đời nhất tại Greenwich.

Một ví dụ khác là khu phố Metelkova (tên đầy đủ là “Trung tâm Nghệ thuật Tự trị Metelkova”) tại thủ đô Ljubljana của Slovenia. Sau nhiều năm làm nơi đóng doanh trại của quân đội Yugoslavia (và sau đó là Slovenia), Metelkova đã trở thành một khu ổ chuột chỉ có những người vô gia cư mới đến ở. Nhiều nghệ sỹ trẻ Slovenia, những người không có đủ tiền để thuê hay mua nhà, bắt đầu chuyển đến sống trong các tòa nhà bỏ hoang tại đây vào năm 1991. Họ phải đấu tranh với đủ mọi thứ, từ thời tiết, công trình xuống cấp, không có điện nước,… Nhưng cuối cùng, những nghệ sỹ đã chiến thắng và Metelkova trở nên nổi tiếng trên toàn quốc vì bản sắc văn hóa cộng đồng của riêng mình.

Có được một cộng đồng dân cư gồm toàn những nghệ sỹ quả là điều may mắn với các thành phố. Không chỉ làm giàu cho nền văn hóa của toàn quốc gia, mà nhờ đây các thành phố có cơ hội tạo lập được bản sắc riêng cho mình. Tiềm năng thu về trên mặt kinh tế - xã hội từ đây là không thể đo đếm được và thậm chí trong một số trường hợp hãn hữu như Hollywood (bang Los Angeles, Mỹ) cả phần “xác” lẫn “hồn” của thành phố đều phụ thuộc vào cộng đồng nghệ sỹ này.

Ở Việt Nam, chúng ta chưa hình thành được những cộng đồng dân cư nghệ thuật. Những khu tập thể của các cơ quan nhà nước hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thành lập từ những năm bao cấp không thể đảm nhận chức năng này, mà phần nhiều vì bối cảnh kinh tế bấp bênh vào thời điểm đó. Ngày nay, tuy nền kinh tế phát triển, các nghệ sỹ có điều kiện tài chính để mua nhà đẹp sống gần nhau, chúng ta vẫn chưa hề thấy có một khu phố hay con đường nào tự tạo được bản sắc văn hóa của mình. Phải chăng đây là phản ánh của việc những mối liên kết trong cộng đồng cư dân đang ngày càng trở nên lỏng lẻo hơn?

Trong một chương trình “Quán thanh xuân” gần đây, nữ diễn viên, NSƯT Chiều Xuân có chia sẻ một câu chuyện rất đáng để suy ngẫm: gia đình cố nhạc sỹ Đỗ Nhuận (bố chồng của diễn viên Chiều Xuân) sau giải phóng đã cùng với một số nghệ sỹ khác, trong đó có danh họa Nguyễn Tư Nghiêm và Nguyễn Sáng, nhà văn Vũ Tú Nam, nhà văn Nguyễn Đình Thi,… đến sống tại căn biệt thự số 65 Nguyễn Thái Học. Từ đó mà gia đình các nghệ sỹ hình thành mối quan hệ thân thiết, con cháu của họ lớn lên trong cả một đại gia đình và tình bạn của họ kéo dài đến tận ngày nay.

Căn biệt thự số 65 Nguyễn Thái Học là tổ ấm của nhiều gia đình nghệ sỹ. (Nguồn: VTV)

Căn biệt thự số 65 Nguyễn Thái Học là tổ ấm của nhiều gia đình nghệ sỹ. (Nguồn: VTV)

Sau khi con trai nhạc sỹ Đỗ Nhuận, nhạc sỹ Đồ Hồng Quân, kết hôn với diễn viên Chiều Xuân và chuyển sang sống riêng, nhà văn Vũ Tú Nam sống cạnh nhà nhạc sỹ Đỗ Nhuận đã sẵn sàng nhượng lại căn hộ của mình cho nhạc sỹ Đồ Hồng Quân cho dù được rất nhiều người trả giá cao. Nhà văn Vũ Tú Nam làm như thế phần vì ông coi nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân như người thân, nhưng cũng vì ông mong muốn cặp vợ chồng trẻ có thể giữ được những kỷ niệm đẹp đẽ, linh thiêng gắn liền với căn hộ, căn biệt thự. Dù không phải một cộng đồng lớn về quy mô, nhưng ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học cũng đã tạo nên một nét văn hóa trong đời sống của nhiều con người. 

Dù vậy, trải qua thời gian, nhiều cộng đồng dân cư nghệ thuật đã bị phá hỏng, một phần vì sự phát triển của thị trường bất động sản. Ví dụ như ngôi làng Greenwich kể trên nay không còn có một nghệ sỹ nào sống ở đó nữa vì giá đất đai quá cao. Nay nơi đây chỉ toàn các biệt thự, chung cư cao cấp và cửa hàng đồ xa xỉ. Hay Metelkova ở Slovenia. Đã hơn hai thập kỷ từ khi những nghệ sỹ đầu tiên đến sống ở đây, nhưng họ đã đi đâu rồi? Nếu không rời đi thì họ trở thành các ông chủ quán bar, khách sạn, nhà hát,… tại một trong những trung tâm du lịch văn hóa “hot” nhất Đông Âu. Có thể nói rằng chính bản sắc riêng của những cộng đồng này đã biến chúng thành một thứ hàng hóa, trái ngược hẳn với mong muốn của những người sáng lập thuở ban đầu.

Vậy thì chúng ta học được điều gì từ những cộng đồng dân cư nghệ sỹ? Có lẽ bài học quan trọng nhất là giá trị của một mảnh đất, một ngôi nhà, một con đường không chỉ nằm ở số tiền được thị trường gán cho. Đó còn là giá trị tinh thần, giá trị văn hóa, giá trị kết nối, những yếu tố cơ bản tạo lập hạnh phúc của bất kỳ một ai. Và, trong thời đại kinh tế thị trường này, cần lắm những cộng đồng nuôi dưỡng được những giá trị nói trên.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top