Một trong những phong tục truyền thống tốt đẹp của cha ông ta đó là các phong tục khi làm nhà mới. Khi chúng ta làm nhà mới có ba nghi lễ rất quan trọng đó là: Lễ Động Thổ ( đây là lễ xin phép Thổ Công ở đất xây nhà để bắt đầu quá trình xây dựng), Lễ Cất nóc (lễ trước khi đổ mái nhà – được hiểu là báo cáo với Thổ Công và Trời Đất rằng công việc xây dựng nhà đã hoàn tất) và Lễ Nhập Trạch (lễ dọn về nhà mới).
I. Nghi lễ nhập trạch
1. Điều kiện để dọn về nhà mới
Khi muốn chuyển về nhà mới ở, bạn cần tuân thủ những điều sau:
– Xem và chọn ngày giờ tốt để về nhà mới.
– Phải đích thân chủ nhân mới của ngôi nhà chuyển đồ đạc sang nhà mới.
– Cũng đích thân chủ nhân mới của ngôi nhà phải cầm bài vị cúng gia thần, tổ tiên và các thành viên khác trong nhà theo sau, đồng thời cầm theo tiền của.
– Chuyển nhà vào buổi sáng là tốt nhất hoặc không có thể chọn buổi trưa hoặc lúc mặt trời sắp lặn. Tuyệt đối tránh chuyển nhà về nhà khi trời đã chuyển tối vì điều này không tốt cho gia chủ.
2. Điều cấm kỵ khi dọn về nhà mới
– Theo dân gian, người có mang không được phép dọn nhà nếu không sẽ phạm tội “Thần thai”. Nếu quá cấp bách, người có mang phải dùng một cái chổi mới mua, chưa sử dụng để quét hết các đồ vật trong nhà trước khi chuyển chúng đi.
– Người cầm tinh con hổ không nên tham gia vào việc dọn nhà.
– Trường hợp nhập trạch chỉ để lấy ngày tốt và gia chủ chưa chính thức ở ngay, nhất thiết phải ngủ qua đêm tại nhà mới.
Đây là những điều kiêng kỵ để tránh những không may xảy đến với gia chủ.
3. Lễ vật cần sắm sửa trong lễ nhập trạch
Hương
Trầu cau
Hoa
Vàng mã
Rượu
Thịt
Xôi
Gà…
Hoa quả
Bánh kẹo…
4. Nghi lễ nhập trạch
Trước hết, gia chủ cần mang theo một chiếc chiếu đang dùng (nếu bạn dùng nệm thì lấy nệm), một bếp lửa (không dùng bếp điện vì nó sinh nhiệt nhưng không có ngọn lửa), một cái chổi mới, lễ vật… để vào nhà mới. Những thành viên khác trong nhà đi theo sau và mang theo tiền của.
Sau đó, sắp lễ vật lên mâm theo hướng hợp với gia chủ. Đích thân gia chủ thắp tạm nén nhang, cắm vào lư để xin nhập trạch và xin phép Thần linh rước vong linh Gia tiên về nơi ở mới để thờ phụng.
Kế đến, gia chủ sẽ châm bếp và đun nước với mục đích khai bếp và pha trà dâng thần linh, gia tiên.
Sau khi khấn thần linh xong, gia chủ làm lễ cáo yết Gga tiên trước rồi mới được phép sắp xếp đồ đạc trong nhà.
Khi đã dọn xong đồ đạc, để gia trang được bình an, cả nhà phải tổ chức lễ bái tạ thần Phật, các vị thánh thần và tổ tiên…
5. Văn khấn lễ nhập trạch
Văn khấn lễ nhập trạch bao gồm 2 phần: là văn khấn thần linh và văn khấn cáo yết gia tiên.
– Văn khấn thần linh:
Nam mô a di đà Phật! (lặp lại 3 lần)
Con lạy chín phương Trời, mười Phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
Con kính lạy Các ngài Thần linh bản xứ cai quản trong khu vực này.
Tín chủ (chúng) con là:……………………………………….
Hôm nay là ngày….. tháng…. năm…. tín chủ con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án. Trước bản toạ chư vị Tôn thần tín chủ con kính cẩn tâu trình:
Các vị Thần linh,
Thông minh chính trực
Giữ ngôi tam thai
Nắm quyền tạo hoá
Thể đức hiếu sinh
Phù hộ dân lành
Bảo vệ sinh linh
Nêu cao chính đạo.
Nay gia đình chúng con hoàn tất tân gia, chọn được ngày lành dọn đến cư ngụ, phần sài nhóm nhóm lửa, kính lễ khánh hạ. Cầu xin chư vị minh Thần cho chúng con được nhập vào nhà mới tại:………………………………. và lập bát nhang thờ chư vị Tôn thần. Chúng con xin phép chư vị Tôn thần cho rước vong linh Gia tiên chúng con về ở nơi này để thờ phụng. Chúng con cầu xin chư vị minh Thần gia ân tác phúc, độ cho gia quyến chúng con an ninh, khang thái, làm ăn tiến tới, tài lộc dồi dào vạn sự như ý, vạn điều tốt lành.
Tín chủ lại mời các vong linh Tiền chủ, Hậu chủ ở trong nhà này, đất này xin cùng về đây chiêm ngưỡng Tôn thần, thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho tín chủ con sức khoẻ dồi dào, an khang, thịnh vượng.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật! (lặp lại 3 lần)
– Văn khấn các yết gia tiên:
Nam mô a di Đà Phật! (lặp lại 3 lần)
Kính lạy Tiên nội ngoại họ………………………
Hôm nay là ngày……… tháng.:……. năm……….
Gia đình chúng con mới dọn đến đây là: (địa chỉ):…………..
Chúng con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước ban thờ Cụ nội ngoại gia tiên. Nhờ hồng phúc tổ tiên, ông bà cha mẹ, chúng con đã tạo lập được ngôi nhà mới. Nhân chọn được ngày lành tháng tốt, thiết lập án thờ, kê giường nhóm lứa, kính lễ khánh hạ.
Cúi xin các cụ, ông bà cùng chư vị Hương linh nội ngoại họ……………….. thương xót con cháu, chứng giám lòng thành, giáng phó linh sàng thụ hưởng lễ vật, phù hộ độ trì cho chúng con, lộc tài vượng tiến, gia đạo hưng long, cháu con được bình an mạnh khoẻ.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật! (lặp lại 3 lần)
II. Những lưu ý trước khi dọn về nhà mới
1. Hãy quan sát một lượt để quyết định xem vật nào nên giữ lại và vật nào nên vứt đi. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian dọn dẹp, đóng gói và vận chuyển đồ đạc. Hơn thế, đây cũng là cách để bạn tự tạo cho mình sự khởi đầu mới.
2. Đồ đạc sẽ được bảo vệ cẩn thận và tránh bị nhầm lẫn nếu bạn sử dụng thùng carton để đóng gói và ghi chú rõ ràng trên mỗi thùng.
Bạn có thể mua những thùng này hoặc tận dụng những thùng còn lại trong nhà. Cần nhớ, khi đóng gói đồ đạc nên nhóm lại các vật dụng có cùng chức năng sử dụng.
3. Đối với những đồ đạc dễ vỡ, hãy bọc chúng trong những tờ báo với nhiều lớp trước khi vận chuyển.
4. Hãy chắn chắn mọi đồ đạc đã được gói gọn cẩn thận trước khi bạn vận chuyển để tránh bỏ sót những vật dụng quan trọng hoặc vì vội vã mà lỡ tay làm vỡ, gãy, đổ… các đồ dùng còn sử dụng tốt.
5. Để khi bước vào nhà mới bạn không phải hoảng hốt và mệt mỏi thêm vì nó quá bẩn và bừa bộn, hãy thuê dịch vụ dọn dẹp nhà cửa hoặc bạn và vài người thân có thể đến đó dọn dẹp trước vài ngày.
Nếu gia đình trước đó thường gặp nhiều trắc trở, bạn nên mua sẵn chổi mới, giường mới, thảm mới, rèm mới… để khởi sự tốt đẹp hơn.
6. Nếu nơi ở mới là nơi bạn tận dụng kinh doanh, hãy dọn ban thờ thần tài và ông địa thật chu đáo để tỏ lòng thành kính. Ngoài ra, đừng quên chăm chút cho bàn thờ ông bà, tổ tiên.
7. Một bữa tiệc mừng nho nhỏ cùng người thân và bạn bè với sự xôm tụ, tiếng cười và tiếng nhạc sẽ tô thêm cho cuộc sống mới của bạn những âm giai hạnh phúc và đem đến nhiều điều thịnh vượng.
Các ngày “đại hao” kiêng nhập trạch
Tháng Giêng tránh ngày Ngọ
Tháng Hai tránh ngày Mùi
Tháng Ba tránh ngày Thân
Tháng Tư tránh ngày Dậu
Tháng Năm tránh ngày Tuất
Tháng Sáu tránh ngày Hợi
Tháng Bảy tránh ngày Tý
Tháng Tám tránh ngày Sửu
Tháng Chín tránh ngày Dần
Tháng Mười tránh ngày Mão
Tháng Mười một tránh ngày Thìn
Tháng Chạp tránh ngày Tị.
Mặc dù ai cũng biết tới lễ nhập trạch nhưng không hẳn ai cũng biết các thủ tục và nghi thức khi làm lễ nhập trạch. Bởi vậy, bài biết trên đã cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết khi làm lễ nhập trạch. Mọi người lãy lưu lại nhé!