UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ chấp thuận lựa chọn HFIC (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM) là nhà đầu tư Dự án Trung tâm Tài chính TP.HCM tại hai lô đất tại Khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), đồng thời, cho phép HFIC thuê 2 lô đất này không qua đấu giá để thực hiện Dự án.
Trung tâm này dự kiến được xây dựng cao từ 20 đến 50 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 220.000 m2, tổng mức đầu tư 4.898 tỷ đồng. Thời gian xây dựng dự kiến từ năm 2018 đến năm 2021.
Theo tìm hiểu, Dự án Trung tâm Tài chính TP.HCM tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Tuy nhiên, do các nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh quy hoạch, nên chính quyền Thành phố không chấp thuận.
Trung tâm Tài chính TP.HCM dự kiến được xây dựng cao từ 20 đến 50 tầng, với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 220.000 m2, tổng mức đầu tư 4.898 tỷ đồng. Thời gian xây dựng dự kiến từ năm 2018 đến năm 2021.
Cụ thể, trong năm 2016, Thành phố đã bác đề xuất điều chỉnh quy hoạch của một nhóm nhà đầu tư do họ muốn xây một tòa nhà cao 70 tầng, trong khi theo quy hoạch tại khu chức năng số 1 chỉ cho phép chiều cao công trình tối đa 50 tầng.
Liên quan đề xuất trên của TP.HCM, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhìn nhận, dự án này nếu giao HFIC thì bước đầu sẽ khá thuận lợi, bởi đây là một định chế tài chính lớn của Thành phố và nhà đầu tư này cũng có những kinh nghiệm nhất định về đầu tư, quản lý dự án. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn băn khoăn về khả năng của nhà đầu tư này cũng như tính khả thi của Dự án.
Theo một chuyên gia kinh tế đã có nhiều năm làm công tác quản lý tại HFIC, đơn vị này có ít kinh nghiệm trong việc kêu gọi đầu tư từ các tổ chức tài chính lớn, nhất là các định chế tài chính có tên tuổi của nước ngoài.
Bên cạnh đó, theo ông Châu, với dự án như này, quan trọng nhất là việc vận hành hiệu quả. Nghĩa là, sau khi xây xong, phải thu hút được nhiều khách hàng, nhất là các thương hiệu lớn trong và ngoài nước trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân hàng.
Theo ông Lê Hoàng Châu, vốn đầu tư của HFIC chỉ nên là “vốn mồi” để từ đó kêu gọi hợp tác với nhà đầu tư khác có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm. Do đó, với dự án này, khả thi nhất là đầu tư theo cơ chế đối tác công - tư (PPP).
TS. Đinh Thế Hiển cũng thẳng thắn cho rằng, tiền của Thành phố nên dành để đầu tư các công trình hạ tầng, phục vụ dân sinh hoặc đầu tư chiều sâu cho các dự án sản xuất, chứ không nên đầu tư lớn cho một dự án trong lĩnh vực bất động sản. Như vậy, hiệu quả không cao và sẽ rất lâu mới thu hồi được vốn đầu tư.
Cũng theo ông Hiển, nên giao dự án này cho một định chế tài chính không thuộc sự quản lý của Nhà nước và tốt nhất là một quỹ đầu tư, tổ chức tài chính lớn, có kinh nghiệm trong lĩnh vực này của nước ngoài. Như vậy, sẽ cùng lúc đạt được 2 mục tiêu: Nhà nước sẽ không phải bỏ ra một nguồn vốn đầu tư rất lớn; tận dụng được kinh nghiệm của định chế tài chính nước ngoài trong việc đầu tư, quản lý dự án.
Liên quan việc HFIC được đề nghị cho thuê đất không qua đấu giá để đầu tư dự án này, một chuyên gia trong lĩnh vực địa ốc cũng bày tỏ sự băn khoăn. Theo ông, để đảm bảo khách quan, công bằng với các nhà đầu tư thì đấu giá là tốt nhất. Quan trọng hơn, việc đấu giá sẽ làm minh bạch dự án và đây là điều rất cần thiết đối với các dự án đầu tư hiện nay.