Aa

Nghị quyết 50 về thu hút vốn FDI: Đã hết thời "đói... chỉ cần cái ăn"

Thứ Bảy, 31/08/2019 - 06:00

Theo GS.Nguyễn Mại, "Thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đã thay đổi từ cách đầu tư trực tiếp đến liên doanh với doanh nghiệp Việt. Nhiều doanh nghiệp địa ốc còn chủ động lựa chọn nhà đầu tư với mình mà không còn rơi vào tình trạng chờ đợi như trước".

Bước qua một chặng đường 30 năm thu hút FDI, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định, kể từ khi Việt Nam mở cửa thu hút FDI đến nay, FDI luôn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và hoàn thành cơ bản mục tiêu đề ra cho từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 50/NQ-TW. Nhiều đánh giá cho rằng, một “kỷ nguyên mới” trong thu hút FDI đã chính thức được mở ra. Đó không còn là sự kỳ vọng mà đã trở thành hiện thực khi Nghị quyết không chỉ vạch ra mục tiêu về số lượng mà còn nhấn mạnh về chất lượng cũng như yêu cầu bức thiết trong đổi mới tư duy, hệ thống, thể chế.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Cà phê cuối tuần xin chia sẻ cuộc trò chuyện với GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE).

PV: Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50 liên quan đến đầu tư nước ngoài. Đây cũng là lần đầu tiên, việc thu hút đầu tư nước ngoài lại được Đảng đặc biệt quan tâm đến vậy. Ông suy nghĩ gì về Nghị quyết này, nhất là trong thời điểm Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới?

GS. Nguyễn Mại: Cách đây vài năm, chúng ta đã có chuyển hướng đánh giá lại các doanh nghiệp. Trước đây, chủ trương của ta ưu tiên và đánh giá cao doanh nghiệp nhà nước. Nhưng thời gian trở lại đây, Bộ Chính trị đã có 3 nghị quyết quan trọng. Đầu tiên là doanh nghiệp nhà nước phải cơ cấu lại, nâng cao lại hiệu quả. Thứ hai chỉ thị về doanh nghiệp tư nhân, và lần đầu tiên coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Và mới đây nhất là Nghị quyết 50 về thu hút doanh nghiệp nước ngoài. 

Điều đó cho thấy, Đảng và Nhà nước đã có đánh giá đúng đắn khi nền kinh tế đang chuyển sang giai đoạn thị trường. Đánh giá đúng vai trò và vị trí của các thành phần kinh tế thì chúng ta mới có thể kỳ vọng vào sự tăng trưởng cao, bền vững theo hướng kinh tế số để theo kịp với thế giới.

PV: Thực tế, Việt Nam vẫn luôn có chủ trương trong việc rộng cửa thu hút đầu tư nước ngoài, kể từ thời điểm Luật Đầu tư nước ngoài ban hành vào cuối năm 1987. Tính đến nay, để tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư, Luật đã nhiều lần chỉnh sửa. Thưa giáo sư, Nghị quyết 50 mới đây có những điểm gì mới trong thu hút đầu tư FDI?

GS. Nguyễn Mại: Đầu tiên, Nghị quyết đã đánh giá thành quả mà chúng ta đạt được từ thu hút vốn đầu tư nước ngoài cùng với vai trò của khối doanh nghiệp FDI. Theo thống kê của Sách Trắng, Việt Nam hiện có 712.000 doanh nghiệp trong nước, bao gồm 25.000 doanh nghiệp FDI hoạt động và chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân khác. Thống kê cho thấy, doanh nghiệp FDI đóng góp 22 - 23% tổng vốn đầu tư xã hội.

Tổng kết lại thành quả về đầu tư nước ngoài, có thể thấy, đây là khu vực kinh tế quan trọng cấu thành nên kinh tế tư nhân. Đầu tư nước ngoài cần được khuyến khích bởi những đóng góp mà nó mang lại.

Nghị quyết cũng đã vạch ra những khiếm khuyết mà chúng ta chưa đạt được.

Thứ hai, xưa đến nay, chúng ta coi trọng cả chất lượng và số lượng dự án đầu tư FDI. Khi đang đói, chúng ta cần cái ăn. Lúc đó, doanh nghiệp trong nước chưa có tiềm lực lớn, dự án vài triệu đô là rất quý vì sẽ tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Nhưng chúng ta vẫn xác định sẽ không đánh đổi môi trường, kinh tế,… để nhận dự án đầu tư nước ngoài. Là nước có thu nhập thấp đang bước sang ngưỡng thu nhập trung bình, chúng ta có nhiều lựa chọn hơn. Đảng và Nhà nước chủ trương coi trọng chất lượng hiệu quả hơn bao giờ hết ở thời điểm hiện nay.

Nghị quyết 50 tiếp tục khẳng định việc thu hút đầu tư FDI phải đúng định hướng, kiên quyết không đánh đổi tất cả để thu hút đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, Nghị quyết cũng chỉ ra, chúng ta cần phải thay đổi cơ chế chính sách ưu tiên, trong đó ưu tiên dự án công nghệ cao, công nghệ tương lai như IoT, Blockchain… 

Tất cả những lĩnh vực liên quan đến công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai, chúng ta phải khuyến khích, ưu tiên đặc biệt để góp phần vào triển khai nhanh mô hình tăng trưởng, góp phần vào khoa học công nghệ, tạo ra nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao. Để làm được việc đó, chúng ta phải có thay đổi cơ bản về thể chế.

Đặc biệt,  phải khắc phục những hạn chế vẫn tồn tại như chuyển giá, gây ảnh hưởng tới môi trường, không đảm bảo tiền lương cho người lao động, thiếu pháp chế, bảo hộ cho người lao động. Việt Nam cần phải siết chặt lại cũng vừa phải khuyến khích để hoạt động đầu tư có hiệu quả.

Một vấn đề khác, quyết định thu hút nhà đầu tư lại phụ thuộc vào lựa chọn của chính quyền địa phương. Một số địa phương đã đưa ra nhiều ưu đãi quá lớn, không lựa chọn kĩ lưỡng, dẫn tới thiệt hại cho Nhà nước. Vậy nên, bên cạnh việc gia tăng quyền lựa chọn nhà đầu đầu tư cũng phải tăng trách nhiệm của ban quản lý duyệt.

Thứ tư, phải đổi mới hệ thống xúc tiến đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án, khai thác các dự án, thanh tra nắm bắt xử lý nhanh các vấn đề sai trái pháp luật. Đồng thời, phải đổi mới, tạo ra sự linh hoạt trong bộ máy hoạt động, tích cực hơn, đảm bảo điều kiện mục tiêu, số lượng.

PV: Trong trả lời phỏng vấn báo chí, ông từng nói rằng, khi thu hút đầu tư, Việt Nam cần phải lựa chọn bạn cho mình một cách khôn ngoan. Vậy, cách chọn bạn khôn ngoan là như thế nào, thưa ông?

GS. Nguyễn Mại: Chúng ta đang có rất nhiều bạn, thân thiết như Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu, EU. Việt Nam cũng đã có nhiều hiệp định song phương, đa phương với các nước EU. Điều này càng thắt chặt mối quan hệ đối tác. Trong mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam vẫn được rất coi trọng. Trước đó, Thủ tướng Úc đã từng sang Việt Nam và nói: “Chính phủ Úc sẽ luôn đảm bảo quyền lợi của Việt Nam ở biển Đông”.

Nói tới vấn đề này để chúng ta hiểu, Việt Nam không chỉ cần “những người bạn trong làm ăn” mà còn phải lựa chọn họ để đồng hành, tin tưởng, đảm bảo trong vấn đề an ninh, quốc phòng mà Nghị quyết 50 đã nêu rõ.

Đối với Trung Quốc, tôi nghĩ chúng ta cũng cần tận dụng những lợi thế từ nước láng giềng này.

Tuy nhiên, thực tế, việc lựa chọn hiện tại chủ yếu phân cấp cho UBND tỉnh, ban quản lý KKT, KCN. Quyết định của những vị lãnh đạo này rất quan trọng. Bởi nếu chọn nhầm, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng “mỏng vốn”, dự án chết, khó xử lý, hoặc gây tổn hại đến địa phương và cho xã hội. Để hiệu quả đầu tư tốt, Việt Nam cần tăng cường năng lực lựa chọn cho các tỉnh ủy, Ban quản lý KCN, KKT.

PV: Nghị quyết 50 đã nêu rõ việc ưu tiên lĩnh vực công nghệ cao. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, bất động sản là lĩnh vực chưa cần “ưu tiên” thu hút vốn FDI vì không tạo ra giá trị thực. Quan điểm của ông thì sao?

GS. Nguyễn Mại: Không phải chúng ta đặt ra ưu tiên cao nhất là công nghệ cao thì có nghĩa coi nhẹ thu hút đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Đóng góp của đầu tư nước ngoài sau công nghiệp chế tạo những năm gần đây đều là lĩnh vực bất động sản.

PV: Thực tế có không ít dự án FDI "ma" hay tình trạng “thâu tóm” của doanh nghiệp ngoại khi đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Thưa ông, sự ra đời của Nghị quyết 50 sẽ khắc phục tình trạng này như thế nào?

GS. Nguyễn Mại: Như tôi đã trao đổi, Nghị quyết 50 ra đời đã bao gồm rất nhiều điểm mới. Quan trọng nhất, Đảng và Nhà nước đặt cao tính chất lượng trong các dự án FDI. Bên cạnh đó, vấn đề lựa chọn, đổi mới hệ thống cơ chế vận hành, tăng cường hiệu quả của hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại, đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra đều được Đảng và Nhà nước nhấn mạnh. Không chỉ lĩnh vực bất động sản mà nhiều hoạt động thu hút vốn FDI của Việt Nam cũng sẽ đi theo chiều hướng tích cực hơn.

PV: Ông dự báo việc thu hút vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản đi theo chiều hướng như thế nào  khi Nghị quyết 50 ra đời, thưa ông?

GS. Nguyễn Mại: Một vài năm trở lại đây, nhà đầu tư bất động sản Việt đã không còn đặt nặng vấn đề vốn mà còn quan tâm tới phương thức hợp tác như thế nào.

Ví dụ như trước đây, Nhật Bản chỉ đến Việt Nam và mua lại dự án. Nhưng phương thức hoạt động giờ đây đã khác bởi các tập đoàn Việt Nam đã lớn mạnh. Doanh nghiệp Việt có nhu cầu học hỏi cách thức huy động vốn, xây dựng vốn, bán hàng, cách vận hành và quản lý. Nhưng thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đã thay đổi từ cách đầu tư trực tiếp đến liên doanh với doanh nghiệp Việt. Nhiều doanh nghiệp địa ốc còn chủ động lựa chọn nhà đầu tư với mình mà không còn rơi vào tình trạng chờ đợi như trước.

Điều này cho thấy, thứ nhất, sức mạnh của các doanh nghiệp địa ốc Việt Nam đã đủ sức. Thứ hai, môi trường cạnh tranh của Việt Nam rất tốt.

Việt Nam từng là nước có thu nhập thấp nhưng đã bước sang ngưỡng thu nhập trung bình. Bất động sản đã có thay đổi đáng kể khi xuất hiện nhiều khu đô thị thông minh, công trình xanh thân thiện với môi trường. Thay vì những tòa nhà đơn độc, các khu đô thị đã được xây dựng hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn mới của thế giới, đầy đủ hệ thống giáo dục, trường học, các khu thể thao, trung tâm thương mại. Xu hướng hình thành khu đô thị xanh và thông minh đang ngày càng gia tăng. Điển hình gần đây nhất như KĐT Bắc Hà Nội là sự hợp tác giữa doanh nghiệp Sumimoto với BRG.

Tôi nghĩ đây chính là hướng mà Nhà nước đang khuyến khích, ưu ái để đầu tư trong phát triển bất động sản.

- Cảm ơn những chia sẻ của GS. Nguyễn Mại!

"Việt Nam đã rất thành công trong thu hút vốn FDI chất lượng vào lĩnh vực bất động sản và sản xuất. Trong lĩnh vực bất động sản, các chủ đầu tư lớn của Singapore như Keppel Land, CapitaLand, Sembcorp và Mapletree đều đã tham gia và có đóng góp đáng kể từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước đến nay.

Làn sóng đầu tư tiếp theo đến từ nhóm đầu tư Hàn Quốc với các tên tuổi lớn như GS E&C và Lotte. Đã có một số các chủ đầu tư đến từ Malaysia cũng đã thành công tại Việt Nam, như Gamuda và SP Setia, hay ParkCity Holding.

Gần đây, nhà đầu tư Nhật Bản tỏ rõ mối quan tâm đặc biệt đến thị trường Việt Nam.

Phú Mỹ Hưng đã từng là đơn vị tiên phong trong mảng phát triển khu đô thị và là một minh chứng thành công rõ ràng cho giá trị đạt được từ tầm nhìn phát triển".

Ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top