Đánh giá về xu hướng thay đổi chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp giai đoạn 2014 đến nay, ông Tuấn cho rằng, đây là giai đoạn có sự nới lỏng hơn cơ chế ưu đãi so với giai đoạn 2009 – 2013 khi đã tái áp dụng ưu đãi với địa bàn khu công nghiệp, với dự án đầu tư mở rộng.
Trong giai đoạn hiện tại, chính sách ưu đãi cũng đang tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể đặc biệt hướng tới nhóm công nghệ cao, phát triển cơ sở hạ tầng. Giai đoạn này cũng ghi nhận sự thay đổi, bổ sung các cơ chế ưu đãi đối với dự án đầu tư mở rộng, hoạt động đầu tư mở rộng nâng cấp, thay thế máy móc công nghệ.
Bên cạnh những ưu đãi đưa ra, thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư theo ông Tuấn đánh giá, vẫn đang kéo dài hơn rất nhiều so với quy định đặc biệt tại khâu xin giấy phép (thời gian có thể kéo dài từ 2 đến 3 tháng). Đặc biệt, quy định áp dụng đối với các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện còn phức tạp, hạn chế khả năng tham gia của nhà đầu tư; cũng như chưa có sự đồng nhất, phối hợp giữa các cơ quan, dẫn đến chồng chéo trong thủ tục.
Phân tích ưu, nhược điểm của cơ chế chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp tư nhân nước ngoài, ông Tuấn cho rằng, hiện nay, các chính sách đang khá thuận lợi cho doanh nghiệp vì mặt bằng thuế suất TNDN của Việt Nam là khá thấp so với các quốc gia trong khu vực. Quá trình thay đổi cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đang theo đúng lộ trình đơn giản hóa, đặc biệt so sánh với một số các quốc gia, thời giạn đăng ký đầu tư không quá dài trên lý thuyết.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, để thu hút được vốn FDI vào Việt Nam, cơ chế và chính sách cần tiếp tục phải đổi mới. Hiện tại các chính sách ưu đãi về thuế đang nghiêng theo hướng địa bàn ưu đãi (thuận lợi, dễ dàng hơn) hơn là theo hướng lĩnh vực. Việc áp dụng theo lĩnh vực cũng còn nhiều khó khăn về thủ tục.
Trong khi đó, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao chưa có cơ chế ưu đãi hợp lý. Một số mức ưu đãi thuế còn khá cứng nhắc, dẫn đến nhiều trường hợp nhà đầu tư không tận dụng được ưu đãi thuế nên giảm sức hút đầu tư. Thời gian đăng ký dự án thực tế chưa thực sự phù hợp, đặc biệt là đối với một số lĩnh vực có điều kiện: thủ tục phức tạp, hồ sơ nộp ở nhiều Bộ Ban ngành.
Một điểm cản trở nguồn vốn FDI vào Việt Nam còn do doanh nghiệp nước ngoài gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các thông tin giới thiệu về đầu tư, hướng dẫn các thủ tục về đăng ký dự án, thành lập doanh nghiệp.
Để dọn đường, trải thảm đón nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam, ông Tuấn nhấn mạnh, cần khuyến khích những hoạt động sản xuất công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao, thông qua việc đơn giản và minh bạch hóa thủ tục xin xác nhận về các lĩnh vực này; đồng thời bổ sung chính sách ưu đãi với một số ngành dịch vụ: như giáo dục, tài chính,… Cơ chế ưu đãi cũng cần linh hoạt và đa dạng hơn như kết hợp nhiều hình thức miễn/giảm hay khấu trừ chi phí.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải tiếp tục lộ trình đơn giản hóa thủ tục đầu tư, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN, hỗ trợ đơn giản hóa thủ tục đầu tư với các ngành nghề có điều kiện và xây dựng các kênh thông tin tiếp cận nhà đầu tư.