Aa

Nghĩ từ nhung nhớ

Chủ Nhật, 30/04/2023 - 06:00

Đất nước liền một dải, không gian sản xuất kinh doanh phải là thống nhất. Không gian văn hóa, dẫu hòa hợp nhưng phải giữ được bản sắc. Phố ở quê phải đẫm “hồn làng” và có bản sắc châu thổ. Nghĩ thế mà nhớ nhung...

Tôi có một may mắn, năm 1981 - nghĩa là sau khi đất nước thống nhất được 5 năm, tôi đã có mặt ở Bạc Liêu, Cà Mau - bấy giờ là hai thị xã của tỉnh Minh Hải. Sau mấy ngày ngơ ngác, dừng chân ở TP.HCM, xe đơn vị đưa mấy cậu sinh viên thực tập về “miệt vườn” đất Mũi.

Qua biết bao nhiêu phà. Ôi sông nước, mênh mang. Đường Quốc lộ 1 từ TP.HCM tới Cà Mau thời đó bé xíu với chỉ hai làn xe, nhiều đoạn gồ ghề, xóc xách và ngập nước. Đúng là giao thông phải đi trước một bước, dẫu trong chiến tranh hay kiến thiết xây dựng.

Tôi có một thời gian dài sống ở thị trấn Tắc Vân, huyện lỵ của huyện Châu Thành, tỉnh Minh Hải và từng được “qua bển”, tức là qua bên ấy trên những chiếc vỏ lãi, tắc ráng qua nhiều xã bên sông, trong đó có Hòa Thành.

Bây giờ, huyện Châu Thành đã được nhập vào TP. Cà Mau, tỉnh lỵ của tỉnh Cà Mau đã được mở rộng. Vì thế, Cà Mau và Bạc Liêu là hai tỉnh ở miền Tây Nam Bộ, không có huyện mang tên “Châu Thành”. Hồi đó tôi thấy lạ, nên đi đâu cũng hỏi: “Tại sao ở Nam Bộ, tỉnh nào cũng có huyện mang tên Châu Thành?”. Và không có ai có câu trả lời xác đáng.

Đất mũi Cà Mau. (Ảnh: Cổng thông tin du lịch Cà Mau)

Thời gian khổ mình từng được sống. So với các tỉnh phía Bắc, các tỉnh Nam Bộ thời đó ấm no hơn, ở điểm không lo đói cơm, không nhà nào canh cánh nỗi lo thiếu gạo. Hình như, khái niệm “giáp hạt”, tức là thời điểm chuyển sang vụ thu hoạch mới không có ở vùng đất “Chín rồng”. Thiên nhiên thuận hòa, đất đai châu thổ phì nhiêu nên không lo đói ăn. 

Vật chất luôn quyết định ý thức. Các tỉnh phía Bắc, thiên nhiên khắc nghiệt, làm ăn khó khăn nên thường “sáo”, hay “mời khéo”. Ví dụ, khách đến nhà đúng lúc gia chủ đang ăn cơm, chủ nhà thường nói câu: Mời bác hay anh chị xơi cơm... thay cho lời chào, giao đãi. Nhưng với người Nam Bộ, thảo thơm, thật bụng thì khi đã mời là lấy bát, lấy đũa và khách ngồi xuống nhâm nhi vài ly rượu đế cùng gia chủ. Khổ, nồi cơm của người phía Bắc thường ít nên mời mọc chỉ làm lệ, lấy lệ mà thôi.

Thời ấy, tôi thường lân la chơi với mấy cô giáo trường PTCS thị trấn Tắc Vân. Lân la để học văn hóa, phương ngữ, cách phát âm... Các cô giáo thì tò mò về những chuyện ở các tỉnh phía Bắc. Bây giờ các cô giáo ấy chắc chắn đã lên chức bà nội, bà ngoại, nhưng tôi vẫn nhớ đôi mắt ngạc nhiên của họ: “Anh Hai ở Hà Nội Hà Tây à?”. Tức là, các cô nghĩ ở phía Bắc thì đâu cũng là Hà Nội.

***

Tôi không thể quên lần đến đón Tết Nhâm Tuất năm 1982 đó tại Cà Mau. Hồi đó, sau giải phóng mới hơn 5 năm, cả đất nước còn thiếu thốn trăm bề. 

Hòa Thành với tư cách là một địa danh hành chính, nơi tôi có quãng thời gian “đi ruộng”, hình như theo phát âm là “đi guộng”. Tôi đến Hòa Thành trong buổi chiều gió đơm đầy cảm xúc mới lạ. Hòa Thành có diện tích trên 3.000ha, dân cư tập trung thành 10 ấp và hồi đó còn thưa thớt. Những con đường đất từ bến đò về nhà dân, mát lịm bàn chân. Gió chướng man mác, khoáng đạt.

Người dân Hòa Thành theo đạo Thiên Chúa giáo. Hóa ra bà con có gốc từ Nam Định, Hà Nam di cư vào Nam và dừng chân tại đây từ những năm 1954. Tôi về sống trong ngôi nhà của một người nông dân như thế.

Anh Hai Thứ, tôi vẫn nhớ tên anh bảo tôi: “Ở đây, sáng cơm, trưa cơm, tối thôi”. Có nghĩa là ngày chỉ ăn hai bữa sáng và trưa. Thế nhưng nghe phát âm thì cứ nghĩ là “xôi”. Ngày đầu tiên, buổi chiều cứ chờ dài cổ để được ăn xôi. Nói thật là những ngày đầu tập làm quen với sinh hoạt của anh chị Hai không dễ. Chiều tối đập lúa cho anh chị mệt bã và tối đến sau khi tắt ngọn đèn dầu lên giường đi ngủ với bụng sôi cồn cào. Dần dần mới quen.

Sau này gặp bạn bè tôi nói vui: “Bọn tớ ở Hòa Thành, ngày ăn ba bữa, tối ăn xôi, không dùng cơm”. Cả bọn chúc mừng vì hạnh phúc. Thời đó, được ăn no bụng là hạnh phúc.

Thời đó, được ăn no bụng là hạnh phúc... (Ảnh minh họa: IT)

Thời ấy, miền Bắc đói lắm. Nếu đường tàu Bắc - Nam vì một lý do gì đó gặp trục trặc là cha mẹ tôi xếp hàng nhiều ngày không có gạo để ăn. Cửa hàng lương thực nhiều khi rỗng. Vào Nam Bộ, sướng nhất là cơm no đẫy, dẫu thức ăn ở các bếp ăn tập thể chẳng có gì mấy. Sức thanh niên, có cơm là vui rồi. Tôi nhớ lần cùng Vũ Huy Trụ ở Bạc Liêu hứng nước mưa trên mái nhà lợp lá dừa vào bát cơm, cho thêm ít hạt muối để ăn. Vậy mà vẫn ngọt thơm, nồng nàn châu thổ.

Chị Hai hay nấu cháo cho tôi và lũ trẻ. Nồi cháo của chị phía dưới là gạo đã chín, trắng sữa, phía trên nồi, chừng hơn phân nửa là nước trong veo. Chị bảo: “Khi nấu cháo không được khoắng đũa vào. Chỉ khi ăn mới đánh lên”. Để nấu được thế, chắc phải có bí quyết. Bữa sáng dậy, sau khi vệ sinh cá nhân, chị đánh nồi cháo lên múc cho tôi, anh Hai và mấy đứa cháu trong nhà. Củ cải muối, lần đầu tiên tôi thấy được chị thái mỏng, cho vào bát cháo, trộn đều lên. Chao ôi, mùi thơm của hạt gạo trinh trắng, lát củ cải giòn, tan đều trong miệng, ngon đến sụt sùi.

So với các tỉnh đồng bằng Nam Bộ, Cà Mau không phải là vựa nhiều lúa. Tôi đi dọc Minh Hải cũ thì thấy huyện Vĩnh Lợi là nơi diện tích trồng lúa khá hơn. Phần phía Nam của tỉnh, tức là Cà Mau bây giờ chủ yếu là nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản. Các huyện được gọi là vùng lúa của Cà Mau, như Thới Bình, Trần Văn Thời... tôi chưa kịp đến. Chắc chắn, những hạt gạo thơm thảo, nhờ tấm lòng của người nông dân yêu đất như anh chị Hai mới có những hạt gạo, những bát cơm, bát cháo ngon đến thế. Nó cứ ngọt, thơm ngấm vào từng múi thần kinh vị giác cho một cảm giác thật hạnh phúc.

Đã lâu tôi không có dịp trở lại Hòa Thành. Nghe đâu, cuối năm ngoái xã đã hoàn thành về đích nông thôn mới, hoàn thành đủ 19 tiêu chí. Hòa Thành đã có đường ô tô về trung tâm xã, đường trục ấp, liên ấp đã cứng hóa; đường xóm, nhánh được bê tông hóa. Tất cả các hộ dân Hòa Thành đã có điện sử dụng thường xuyên và ấp nào cũng có trụ sở sinh hoạt văn hóa…

Tôi vẫn muốn về ăn “xôi” Hòa Thành, bưng bát cháo trắng lên mũi, nhắm mắt lại hít hà mùi thơm thảo. Ước được quay lại một lần thuở xưa, đêm trăng sáng xuống ghe ngược sông Ông Đốc đi rước dâu giữa mênh mang gió hát.

Cà Mau nay giàu đẹp. Nhưng trong tôi, đi trên những con sông dài xa tít tắp, giữa đất trời còn nhiều lắm màu hoang sơ, bí ẩn. Bất cứ phút giây nào cũng gợi trong tôi bâng khuâng nhớ về quá khứ thuở tiền nhân khai mở đất phương Nam. Bất cứ lúc nào mùi thơm thảo của bát cháo trắng Hòa Thành, gợi nhớ nôn nao.

Chợ nổi Cà Mau. (Ảnh minh họa: IT)

***

Sau này, tôi có đọc sách của các tác giả phía Nam để hiểu thêm về Nam bộ. Tất nhiên, đấy là thời chưa có internet.  

Sau bao nhiêu năm xây dựng, nếu tính từ năm 1986 đến nay cũng đã 37 năm đổi mới. Các tỉnh, thành phố phía Nam đã thay đổi quá nhiều, nhưng còn đó, dãy nhà cư dây “hai mặt phố” gồm mặt lộ và mặt sông. Có nghĩa là văn hóa quần cư, mà nhà bám mặt đường và mặt sông, kênh rạch vẫn nguyên như vậy. Sông không chỉ là nguồn sống, dưỡng khí, mà còn là “mặt phố” chính để bán buôn, trao đổi. Bỗng thấy buồn, khi những dãy đô thị ở phía “miệt vườn” cũng đã bê tông hóa như mọi đô thị. 

Đất nước liền một dải, không gian sản xuất kinh doanh phải là thống nhất. Không gian văn hóa, dẫu hòa hợp nhưng phải giữ được bản sắc. Phố ở quê phải đẫm “hồn làng”, có bản sắc châu thổ. Nghĩ thế mà nhớ nhung.../.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top