Aa

Mùa Xuân nghĩ về cỏ

Thứ Sáu, 07/04/2023 - 13:30

Cỏ mãnh liệt và bất diệt! Mỗi năm bắt đầu từ mùa Xuân, cỏ vươn lên sức sống, lặng thầm.

Tôi sinh ra như cỏ. Tôi lớn lên cùng cỏ. Thuở tôi bắt đầu nhận biết được xung quanh, có cỏ. Lớn lên, theo mẹ ra vườn, nhặt cỏ. Lớn lên chút nữa, ra đồng cắt cỏ chăn trâu. Xung quanh tôi, mượt mà cỏ, bời bời cỏ.

Tôi sống đến ngày hôm nay, cũng nhờ cỏ. Ấy là hồi tôi lớp 4, khi hết giờ ra chơi, tôi chạy ào ào để vào lớp. Không may khi băng qua một miệng giếng, do bom Mỹ ném vỡ một mảng từ trước, tôi đạp chân lên phần cỏ nhưng phía dưới đã lở hàm ếch. Tôi rơi xuống giếng, uống no ước. Trong lúc “giã gạo” - phản ứng tự nhiên khi đuối nước, tay tôi vớ được một cọng cỏ. Tôi đã ngoi lên được và thoát chết.

Vâng, cỏ. Cỏ hay còn gọi là đám cỏ, bụi cỏ là những loại thực vật thuộc bộ Hòa thảo mọc dại. Cỏ có nhiều loại. Thuở bé, đi nhặt cỏ với mẹ, tôi nhớ có cỏ năn, cỏ thia, cỏ gấu, cỏ may, cỏ mật... Trẻ con nhà quê, hẳn không ai quên trò chơi “chọi cỏ”...

Bây giờ thời thị trường, văn minh, nhiều biệt thự nhà giàu, sân golf... người ta nhập cỏ ngoại; sân bóng là cỏ nhân tạo... nhưng cỏ dại, luôn là một phần của tự nhiên, một phần của ký ức.

Vẻ đẹp tinh khôi của cánh đồng cỏ lau. (Ảnh: IT)

Cỏ, thưa vâng, “hùng dũng” đi vào văn học, nhất là thơ như một ngôn ngữ thi ca ẩn dụ. Cỏ đi vào âm nhạc. Rất nhiều tác phẩm âm nhạc về cỏ. Nhạc sỹ Phạm Hồng Sơn từng phổ nhạc thành công bài hát “Cỏ lau” do NSND Thái Bảo thể hiện. Đó là ca khúc nằm lòng của chị. “Mỗi đêm, trước khi ngủ, em lại dùng headphone, nghe Cỏ lau. Em đi vào giấc ngủ dễ hơn”, NSND Thái Bảo tâm sự. Nhạc sỹ Giáng Sol, người sáng lập ban nhạc đình đám “Năm dòng kẻ” thuở nào, nổi tiếng với ca khúc “Cỏ và mưa”. Thế đấy, cỏ trở thành ngôn ngữ phúng dụ của tình yêu trong thơ ca, âm nhạc.

Rất nhiều nhà thơ đương đại mà tôi biết, có thi phẩm về cỏ. Ví dụ, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật có “Anh thuộc về cỏ”, nhà thơ Trần Quang Quý có “Ru cỏ”, nhà thơ Trần Chấn Uy có “Cỏ ơi”, nhà thơ Lê Thành Nghị có “Trong cỏ”...

Và, tháng 10 năm ngoái, được tặng tập thơ “Thời nắng xanh và những bài thơ khác” của nhà thơ tài hoa Trương Nam Hương có 3 bài về cỏ, tôi thích quá. Đó là các bài “Cỏ và em”, “Thoáng nghĩ về cỏ”. Đặc biệt, “Góc cỏ”, tài hoa: “Trong im lặng biếc xanh của cỏ/ Cơ man gió và vầng trăng/ Có nụ hôn lấm mùi mặc cả”; và “Trong im lặng biếc xanh của cỏ/ Cơ man sương và lá đêm/ Cỏ thổn thức đợi mùa... để vỡ”.

Cỏ luôn là nhân chứng, khi nồng nàn hay lúc hờn dỗi... (Ảnh minh họa: IT)

Qua cỏ, liếp cỏ, nhà thơ Trương Nam Hương nhìn thấy cả tiểu vũ trụ, đến đại vũ trụ; sự cân bằng và nghịch lý. Trai gái nào yêu nhau không một lần ngồi trên cỏ, nằm trên cỏ... ngắm sao trời, đếm gió... và trao nhau những nụ hôn của “thời bí ẩn” thì thật là tiếc.

“Hai chỗ ngả đầu yên ả nhất/ Cỏ với em những lúc vui buồn/ Cũng may đêm ấy trăng sao nhắc/ Không lại dìm nhau xuống đáy thương” (Cỏ và em).

Cỏ luôn là nhân chứng, khi nồng nàn hay lúc hờn dỗi. Cỏ biết, nụ hôn nào trinh khiết, nụ hôn nào “lấm mùi mặc cả”. Thời vật chất “lên ngôi”, tình yêu thường phải quỳ gối trước vật chất, nên “nụ hôn lấm mùi mặc cả” đấy. Không còn tình yêu đúng nghĩa là điều đáng tiếc. Hẳn nhiên, chẳng ai hiểu thế nào là tình yêu. Vì thế mới sinh ra thi ca, tồn tại thi ca trong cõi. Một trong những thiên chức của thi ca là giải mã về cái đẹp mà tình yêu là một trong những “thiên sứ” của cái đẹp. Chính nhà thơ Trương Nam Hương nói rõ điều này: “Người ta nói yêu nhau, yêu và hôn trên cỏ/ Người ta nói chia ly, nói những điều đổ vỡ/ Cỏ lắng lòng nghe hết - Thản nhiên xanh” (Thoáng nghĩ về cỏ).

Ở bài thơ này, cỏ ngồi lên thành triết lý “Lịch sử bước qua những vương triều vong thịnh/ Cỏ đã đắp lên vua, cỏ đã trùm lên lính/ Cỏ công bằng nhân ái - Thản nhiên xanh” (Thoáng nghĩ về cỏ). Thế giới cỏ hoa trong thơ Trương Nam Hương có sứ mệnh “thản nhiên xanh”, minh triết.

Vâng, cỏ. Trong Truyện Kiều, Đại thi hào Nguyễn Du đã sử dụng cỏ như một phương tiện nghệ thuật hết sức màu nhiệm “Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Cỏ qua ngòi bút thiên tài của Nguyễn Du còn biến hóa khôn lường trong Truyện Kiều. Màu cỏ vừa là màu không gian, vừa là màu thời gian, vừa là màu số phận, tâm trạng.

Các nhà thơ hiện đại sau này có những câu thơ khá hay về cỏ như: “Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời” (Hàn Mặc Tử), “Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh” (Nguyễn Bính), “Cỏ bên trời xanh một sắc Đạm Tiên” (Chế Lan Viên)... Cỏ trong thơ Trương Nam Hương hiện lên ám ảnh. “.../ Cao hơn mọi khổ đau, cao hơn nhiều hạnh phúc/ Cỏ biếc như niềm vui, cỏ xanh như nước mắt/ Vẫn nhận mình thấp bé - Thản nhiên xanh” (Thoáng nghĩ về cỏ).

Thời phong kiến, người ta đã dùng từ “thảo dân” để nói về những người dân “dân ấp, dân dân” (Nguyễn Đình Chiểu). Dân như cỏ - lớp người cuối cùng, cơ bản của “xã hội người”, đông đảo, luôn “thản nhiên xanh”; trường tồn, dẫu nước mắt hay niềm vui đều biếc, xanh. Không ai thay thế được dân. “Trong bầu trời này không gì quý bằng nhân dân”, (Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Cỏ trong cõi Phật vì thế dạy con người về đạo lý, về cân bằng của vĩnh cửu. (Ảnh minh họa: IT)

Theo Phật giáo Nguyên thủy, trong suốt 45 năm Hoằng pháp (527 - 484, trước Tây lịch) suốt lưu vực sông Hằng (Ganges) và vùng chân núi Hy Mã Lạp Sơn, Đức Phật đã sống rất nhiều trong rừng. Trong nhiều loại cây khác khau gắn bó cuộc đời Đức Phật, có cây cỏ. Cỏ trong cõi Phật vì thế dạy con người về đạo lý, về cân bằng của vĩnh cửu.

“Nước Việt Nam muôn ngàn cây lá khác nhau, cây nào cũng đẹp cây nào cũng quý” (Thép Mới). Đến cây cỏ trong muôn ngàn cây lá, nhiều loại cỏ là vị thuốc Nam quý như cỏ may, cỏ mật, cỏ xước... Thuở hồng hoang, con người đã biết dùng cỏ làm khố che thân; thời Tây Sơn, nghĩa quân Quang Trung đã biết dùng cỏ bện thành giày, dép hành quân ra Bắc diệt nhà Thanh xâm lược...

Thời đấu tranh giải phóng dân tộc, cỏ được kết thành bè che cho bộ đội bơi qua sông... Thời đó, lời dặn dò người lính “Một xanh cỏ, hai đỏ ngực” trước khi ra trận, nay đã thành thành ngữ. Bài hát “Cỏ non Thành cổ” (nhạc sỹ Tân Huyền), mãi mãi là bài hát thiêng liêng, xúc động mỗi dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7).

Trong nông nghiệp, cỏ dại mang đến nhiều lợi ích khác nhau mà chúng ta không thể phủ nhận chúng. Rất dễ nhận diện khi cỏ tham gia bảo vệ đất và chất dinh dưỡng trên mặt đất tránh khỏi xói mòn, rửa trôi, sạt trượt do mưa và dòng nước chảy trên bề mặt. Cỏ giữ cân bằng nhiệt độ, giúp đất giữ ẩm tốt hơn, hạn chế đất bốc hơi nước. Thời còn bé, tôi thường săn cá thia lia dưới những đám có mép ruộng. Tức là cỏ đấy, nó làm giảm tác động của ánh nắng mặt trời đến hệ sinh vật và vi sinh vật đất, tạo môi trường sống và phát triển cho các vi sinh vật trong đất... Thật nhiều tác dụng.

Thế nhưng, bây giờ về thôn dã cũng hiếm cỏ. Nông thôn đã và đang hoàn thành Nông thôn mới, con người được “nhốt” trong bê tông, không cỏ trên mỗi con đường làng. Trai gái yêu nhau dẫm nát cỏ bên đường. Trên các cánh đồng làng cũng đã ít cỏ, vì hệ thống thủy lợi cũng đã được bê tông; nguy hơn, con người từ lâu đã dùng thuốc diệt cỏ tràn lan. Nhiều giống cỏ đã vĩnh viễn không bao giờ nhìn thấy. Tự nhiên vốn cân bằng vĩnh cửu, nhưng con người đã và đang tàn phá, thu hẹp không gian sống của mình. Trương Nam Hương tiếp tục cảnh báo, thức tỉnh.

“Người ta cuốc cỏ lên, người ta trồng cỏ xuống/ Hết thảy nỗi bi quan, hết thảy niềm hy vọng/ Cỏ nhận về đau ấy - Thản nhiên xanh” (Thoáng nghĩ về cỏ). Cỏ mãnh liệt và bất diệt! Mỗi năm bắt đầu từ mùa Xuân, cỏ vươn lên sức sống, lặng thầm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top