Nhà thơ Lê Đình Cánh trong bài thơ Mẹ ra Hà Nội, có hai câu làm tôi nhớ mãi: “Lên thang chẳng dám bước dài/ Vào khu tập thể gặp ai cũng chào”. Mỗi lần, leo lên một khu tập thể cao tầng nào đó, tôi lại nhớ hai câu thơ này. Câu thơ vừa có ký ức, vừa nhằng nhịt hiện thực.
Thuở tôi mới từ “hạt bụi” được hóa kiếp làm người thì Hà Nội đã xây nhà chung cư. Sau hơn 20 năm đầu của thế kỷ 21, Hà Nội có nhiều chung cư cao cấp, có thể kể đến như: Vincom Park Place, Keangnam Hanoi Landmark Tower, Pacific Place, Royal City, Golden Westlake, The Manor Mỹ Đình, The Link Ciputra, Dolphin Plaza Trần Bình, Hyundai HillState, Mandarin Garden.
Đó là top 10 chung cư nức tiếng Hà Thành, dân nghèo chẳng dám mơ ước. Và, rặt tiếng Tây. Nếu như nhà thơ Lê Đình Cánh còn sống, tôi sẽ mạo muội xin phép thi nhân thêm vào hai câu: “Mẹ ra Hà Nội thăm con/ Bùn non thơm cả nỗi buồn phố Tây”.
Chung cư mà tôi muốn nói đến ở đây là chung cư cũ, được Hà Nội triển khai xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Đó là thời công nghệ “bê tông tấm lớn”. Bây giờ các loại chung cư ấy đã xập xệ, “gù lưng” cõng “ba lô” trước, “ba lô” sau... Hà Nội lâu nay cũng “đau đầu” vì câu chuyện cải tạo. Số lượng quá lớn, 1.500 chung cư và có mặt ở nhiều quận nội đô lịch sử.
Tôi từng được ở chung cư, có căn cước chung cư cũ. Những năm cuối thập niên 70 sau khi ra trường, cơ quan sắp xếp cho được tá túc một phần tư căn hộ trên tầng 4 nhà D3 Trung Tự. Nửa phía ngoài là một người ra trường trước hai năm. Nửa phía trong tôi và một đồng nghiệp. Lối đi vào chỗ của hai anh em là hành lang bếp, qua WC căn hộ. Thời ấy, thế là số “hoàng kim”, khối anh em độc thân, ngủ bàn. Tập thể Trung Tự nhà liền nhà. Tôi vẫn còn nhớ, ai “không may”, được phân những căn hộ tầng trệt, xung quanh rợp những bụi cúc tần, nơi sinh sống của họ hàng nhà muỗi.
Thời vận thay đổi. Những căn hộ tầng trệt gia chủ quây trước, quây sau những phần đất lấn chiếm, thành cửa hàng buôn bán, cho thuê. Thời “kinh tế vỉa hè”, nhà mặt phố, mặt ngõ, mặt ngách đều “lên ngôi”. Cuộc đời đã đi qua tôi như thế. Biết bao số phận, biết bao gia đình, biết bao thế hệ sống cùng ký ức “chung cư cũ”.
***
Khác với tôi, nhà văn Thanh Thế gắn bó cả đời với nhà E2 Thành Công (Ba Đình, Hà Nội). Cũng như nhiều quận nội đô, trên địa bàn Ba Đình có tới cả trăm chung cư cũ, trong đó có tới 55 nhà được xác định nguy hiểm cấp C, 26 nhà nguy hiểm cấp B và 5 nhà nguy hiểm cấp D (cấp cực kỳ nguy hiểm, có thể đổ sập bất kỳ lúc nào).
E2 chưa nguy hiểm, nhưng bạn bảo: “Tôi ở đây cả đời, quen rồi ông. Mỗi gốc cây đối với tôi đều có kỷ niệm. Thật khó khăn nếu như phải di chuyển đi nơi khác”. Tôi biết, tuổi thơ của Thanh Thế từng ra hồ Thành Công ngụp lặn. Khi thì Thanh Thế cùng nhóm bạn vượt qua ngã tư Đê La Thành - Nguyễn Chí Thanh sang hồ Ngọc Khánh. “Ông xem, nhếch nhác là có thật, nhưng sáng ra, muốn gì có nấy. Chén nước chè cũng có hơi người, trở nên thân thuộc”, bạn nói với tôi. Đôi mắt ông, mở đôi mắt nhìn lên khoảng trời, chỉ hở ra nơi vốn đã bị vá chằng vá đụp làm bãi trông xe, buôn bán.
Thành Công cũng như Trung Tự, Kim Liên... xưa rộng rãi, thênh thang, nhờ đất lưu không. Đã từ lâu, dân tầng trệt, dân trên các lầu nhảy xuống, lấn ngược, lấn xuôi. Chung cư cũ kẽo kẹt vì "ba lô", đất lưu không bị "gặm nhấm", căng ra, chật chội. Bạn tôi, cũng “may mắn”, xí được hơn 50m dù chẳng ai cấp sổ, nhưng ngôi nhà trên phần đất lấn ra cũng đã hơn 30 năm. Tôi hiểu được sau khóe mắt ấy có tính toán, dời đi, ai sẽ đền bù, tính quyền lợi cho phần đã lấn. Tất nhiên, ở khu tập thể Thành Công này, người được phân nhà ngay từ đầu, còn “bám trụ” lại như gia đình Thanh Thế không nhiều. Phần lớn đã sang tên, đổi chủ. Nếu không bán, thì các gia đình cũng thực hiện “nghi thức” cho thuê; chờ quy hoạch, đền bù.
Mỗi lần đến thăm Thanh Thế, bên tai tôi, tiếng pháo Giao thừa, thuở chưa cấm pháo nổ inh ỏi, rung chuyển cả tòa nhà, khói pháo cay xè, tức ngực. Lũ chó chạy ra đường tìm nơi ẩn nấp, nhiều con mãi sang ngày mồng 2 Tết mới tìm đường được về nhà. Những năm 90 các hộ gia đình trên tận tầng 5 còn nuôi lợn cả trong nhà WC cơ mà. Nhịp điệu chung cư cũ đã trở thành một phần của ký ức, dẫu “bức tranh” Hà Nội ấy có phần nhếch nhác, có mảng màu "rách nát".
Cải tạo chung cư cũ là việc phải làm, nếu không muốn nói là khẩn cấp, với những chung cư nguy cấp. Thế nhưng Hà Nội và cả TP.HCM đã và đang “đau đầu”. Tỷ lệ thực hiện được rất ít. Thiếu vốn thì đúng rồi. Kêu gọi “xã hội hóa” thì nhà đầu tư cũng nhắm đến những dãy chung cư mặt tiền, dễ sinh lời về địa tô. Trong vô vàn “điểm nghẽn” có tiếng nói còn “lạc nhịp”. Nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, cần đưa ra nhiều phương án, trong đó để người dân thuộc diện di dời được tham gia quyết định trực tiếp đến việc xử lý khu đất sau khi di dời.
Vướng mắc lâu nay, có phần chưa tìm được tiếng nói chung, và liệu chính quyền đã thực sự thăm dò ý kiến xã hội học để hiểu thêm nguyện vọng người dân mong muốn gì, lựa chọn phương án nào, đề xuất thế nào, cũng như lắng nghe nhà đầu tư băn khoăn ra sao chưa? Có thể, để cư dân tự quyết việc bán đấu giá hay chọn phương án để người dân góp cổ phần vào triển khai dự án cùng chủ đầu tư có được không?
Tất nhiên, cũng đã được nêu ra, nói đến nhưng chưa có nghiên cứu bài bản, chưa có triển khai thí điểm để rút kinh nghiệm. Chắc chắn, nếu chính quyền biết lắng nghe ý kiến người dân và doanh nghiệp đầu tư cải tạo thì sẽ có thêm nhiều phương án hay hơn để người dân lựa chọn, chứ không chỉ loay hoay một vài phương án như hiện nay.
Cũng theo ý kiến của các chuyên gia, nên để cư dân tham gia bán đấu giá khu đất. Đây có thể là một phương án đáng tham khảo và nghiên cứu. Nếu triển khai được, chính quyền sẽ hỗ trợ trong việc chuyển đổi quy hoạch khu đất phù hợp và bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư vào đầu tư. Bên cạnh đó, chính quyền cũng hỗ trợ trong việc đưa ra phương án phân chia cụ thể cho các hộ dân từ số tiền thu được qua bán đấu giá. Thời buổi ai cũng tìm kiếm lợi nhuận, từ nhà đầu tư, cho đến cư dân chung cư cũ, đâm ra bài toán khó tìm lời giải.
Nhưng nghe thế nào cho đủ trở thành câu chuyện “dài kỳ”. Thanh Thế kể rằng, tòa nhà G6A Thành Công gồm 49 hộ, đã di dời được 28 hộ, còn 21 hộ chưa chịu di dời. Họ đang có yêu cầu. Trái khoáy nhất là họ không công nhận kết quả kiểm định nhà là cấp D; muốn có chủ đầu tư trước thỏa thuận về diện tích căn hộ, quyền lợi…
Dù chính quyền quận đã tổ chức đối thoại với tất cả các hộ và giải đáp các thắc mắc, nhưng hình như chưa “lọt lỗ tai” các hộ dân. Chính quyền thì muốn là “trung gian” giữa cư dân và chủ đầu tư để đảm bảo hài hòa lợi ích ba bên. Tuy nhiên, người dân tại đây cho rằng, nhà chung cư G6A không phải nhà nguy hiểm cấp độ D và người dân chỉ di dời khi nào có nhà đầu tư. Khó thế đấy. Cái cũ kỹ thường sống dai dẳng, cái mới trong bản thân một con người khó nhóm lên.
Thực tế cho thấy, các hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ thường là các hộ thu nhập không cao và có sinh kế gắn liền với chung cư cũ. Một gánh bún, có thể “nuôi sống” mấy miệng ăn trong gia đình. Thậm chí như ở căn nhà E2 Thành Công, nơi gia đình nhà văn Thanh Thế cư ngụ, dễ đến chục năm nay có một gia đình quây chân cầu thang, làm nơi trú ngụ. Nguồn sống của họ, là thu tiền trông xe máy cho những ai đến những gia đình ở các tầng lầu và bán tạp hóa.
Việc thương lượng và đồng thuận với người dân trong cải tạo, sửa chữa chung cư cũ, vì thế rất khó vì ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và cuộc sống hiện hữu của họ.
Đấy là chưa nói đến việc, hầu hết các chung cư cũ không có ban quản trị nên việc quản lý, vận hành và kêu gọi sự đồng thuận của người dân sẽ rất khó khăn, tốn rất nhiều thời gian. Tình trạng pháp lý của các căn hộ trong các chung cư cũ (nhất là các chung cư thuộc sở hữu Nhà nước) khá phức tạp, khiến việc đạt được sự đồng thuận càng khó khăn và kéo dài. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong quá trình thương thảo với các hộ dân, chủ đầu tư cần đưa ra nhiều phương án phù hợp để người dân có thể cân nhắc lựa chọn theo nguyện vọng. Thậm chí cả phương pháp “tâm lý”, vì chung cư cũ dù nhếch nhác nhưng đã thành một “phần hồn” con người.
Chung cư cũ là vậy, nhưng nó cũng đã đi vào văn học. Nhà văn trẻ Thương Hà trong tiểu thuyết về cuộc chiến chống Covid-19 - Nalis xô dạt bờ định mệnh (NXB Hội Nhà văn năm 2021) lấy bối cảnh là chung cư. Nhà thơ, TS. Lê Thành Nghị, trong bài thơ Mùa xuân của cha và con có khổ thơ:
“Cha đi làm tháng tháng, năm năm
Đường mỗi lúc mỗi xa, tóc mỗi ngày mỗi bạc
Cầu thang gác như ai vừa thêm bậc
Cơn gió nào cũng lạnh buốt sau lưng”.
Biết bao cuộc đời, số phận lam lũ cùng chung cư?
“Anh muốn có một căn chung cư, có view đẹp qua ô cửa sổ, để bass to hết mức cũng như thỉnh thoảng thò đầu ra ngửa cổ”, đấy là ca từ trong bản nhạc rap Chung cư của ca sỹ trẻ LowG.
Để nâng cao chất lượng sống, chắc chắn đó phải là trong những chung cư hiện đại. Nhưng thực sự, đó cũng là một phần của “cuộc chiến đấu khổng lồ để xóa đi những gì cũ kỹ, hư hỏng, để xây dựng những cái mới mẻ, tốt tươi” (lời Bác Hồ)./.